Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Ngân hàng đua nhau lên sàn
Vân Linh - 27/01/2017 07:09
 
Trong khi nhiều ngân hàng thương mại đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM (dành cho cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết), thì các nhà băng khác chọn hướng niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức.

Đua lên UPCoM

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa đưa hơn 564,4 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 17.000 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu VIB đạt 18.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn cả cổ phiếu của một số ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung. Đây là cổ phiếu ngân hàng đầu tiên lên sàn theo “sóng” Thông tư 180/2015/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu,vn, lãnh đạo nhiều nhà băng cho biết, việc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và cả niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức sẽ sớm được triển khai sau khi trình đại hội đồng cổ đông năm 2017 thông qua.

VIB là ngân hàng mới nhất đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM. Ảnh: Đức Thanh
VIB là ngân hàng mới nhất đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM. Ảnh: Đức Thanh

Điển hình, Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) đã chốt danh sách cổ đông làm thủ tục đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), đăng ký giao dịch trên UPCoM và đã được chấp thuận vào cuối tháng 11/2016.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Kienlongbank cho biết, việc giao dịch trên sàn chứng khoán là động lực để nâng cao tính minh bạch hoạt động của ngân hàng, tạo thuận lợi trong giao dịch của cổ đông. Tuy nhiên, do diễn biến thị trường thời gian qua chưa thuận lợi, cổ phiếu ngành ngân hàng chưa được quan tâm nhiều từ các nhà đầu tư, nên việc niêm yết có phần chậm trễ so với dự kiến.

Ngân hàng Việt Á (VietA Bank) cũng đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM hoặc niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) hoặc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tùy theo tình hình thực tế của ngân hàng và thị trường...

Sau nhiều năm lỡ hẹn đưa cổ phiếu lên sàn, Ngân hàng Techcombank đã được VSD cấp mã chứng khoán cổ phiếu là TCB, với số lượng chứng khoán đăng ký trên 887 triệu cổ phiếu, giá trị chứng khoán đăng ký hơn 8.878 tỷ đồng, tương đương hơn 8.878 tỷ đồng vốn điều lệ.

Ngoài đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, HĐQT Techcombank cũng đánh giá rằng, việc niêm yết cổ phiếu tại HOSE hay HNX là cần thiết để tăng thanh khoản cho cổ phiếu TCB, minh bạch thông tin và gia tăng uy tín ngân hàng.

Chọn hướng lên sàn chứng khoán chính thức

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho hay, Ngân hàng sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE khi thị trường có điều kiện thuận lợi, thay vì đăng ký giao dịch trên UPCoM.

HĐQT OCB vừa có nghị quyết nhất trí thông qua Tờ trình của cổ đông về việc Ngân hàng không đăng ký chứng khoán tại VSD và đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM, mà chuyển sang niêm yết chứng khoán trên HOSE. Đồng thời, HĐQT OCB được giao chủ động lựa chọn thời điểm thích hợp để niêm yết phù hợp với tình hình thị trường và điều kiện thực tế của OCB.

Theo ông Tuấn, việc niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE sẽ tạo thanh khoản tốt hơn cho cổ phiếu của Ngân hàng.

Trong khi đó, Ngân hàng VPBank đã chốt danh sách cổ đông vào ngày cuối năm 2016, hoàn tất các thủ tục đăng ký, lưu ký chứng khoán tại VSD. Với nhận thức rằng, việc niêm yết trên thị trường chứng khoán chính thức có nhiều ưu điểm hơn so với giao dịch trên sàn UPCoM, mặc dù việc này có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn, nên VPBank muốn trình ĐHĐCĐ cả hai phương án đăng ký giao dịch.

Theo quy định về công bố thông tin, tất cả tổ chức tín dụng đều là công ty đại chúng quy mô lớn, nên đều phải thực hiện công bố thông tin về quản trị công ty như các tổ chức đang niêm yết. Hơn nữa, tất cả tổ chức tín dụng đều chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, nên việc báo cáo tình hình tài chính, tình hình hoạt động phải thực hiện thường xuyên, liên tục.

Lãnh đạo các nhà băng kỳ vọng, với tình hình kinh doanh trong năm 2016 có phần khởi sắc và dự báo tín dụng tiếp tục cải thiện, cùng làn sóng lên sàn của các ngân hàng trong năm nay, các cổ phiếu “vua” sẽ có cơ hội hồi phục. Các chuyên gia phân tích chứng khoán cho rằng, đó cũng là lý do để các ngân hàng chạy đua đăng ký lên sàn UPCoM và niêm yết trên sàn HOSE/HNX.

Thực tế, hiện có 9 mã cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên 2 sàn chứng khoán (Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB, Eximbank, Sacombank, MBB, SHB, NCB), nhưng chỉ cổ phiếu các nhà băng lớn như Vietcombank, VietinBank, ACB mới có sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư. Trong khi đó, có cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch thấp hơn mệnh giá.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các ngân hàng đều phải lên sàn chứng khoán (UPCoM, hoặc sàn chứng khoán chính thức), nhằm nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch mua bán cổ phiếu cũng như minh bạch về các báo cáo tài chính.

Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã nhiều lần có công văn gửi các ngân hàng thương mại yêu cầu thực hiện lộ trình niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nhiều ngân hàng cuốn vào làn sóng M&A
Những thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng đầu tiên đã xuất hiện ngay từ đầu năm 2017, báo hiệu một năm nhộn nhịp trong lĩnh vực này.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư