Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng Nhà nước: Cân nhắc có các biện pháp hạn chế huy động ngoại tệ
An Hạ (Dân trí) - 11/02/2016 19:34
 
“Khi thị trường tài chính tiền tệ thực sự phát triển, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cân nhắc có các biện pháp hạn chế huy động ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng”, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN đã cho biết như vậy khi chia sẻ về các giải pháp điều hành tỷ giá năm 2016.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN

Năm 2015, tỷ giá USD/VND có những đợt biến động lớn, bà có thể chia sẻ về những giải pháp điều hành tỷ giá và kết quả đạt được?

Từ đầu năm, trên cơ sở các cân đối kinh tế vĩ mô theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, NHNN đưa ra định hướng biến động tỷ giá không quá 2% cho cả năm trong điều kiện tình hình diễn biến bình thường. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước liên tục có những diễn biến phức tạp như nhập siêu trở lại trong những tháng đầu năm, trên thị trường quốc tế đồng USD tăng giá mạnh, đặc biệt là động thái bất ngờ điều chỉnh giảm giá đồng Nhân dân tệ cộng hưởng với quyết định tăng lãi suất của Fed đã tác động tâm lý trên thị trường ngoại tệ trong nước.

Trước tình hình đó, NHNN đã có các giải pháp điều hành phù hợp, chủ động, kịp thời ứng phó với tác động bất lợi trên thị trường quốc tế thông qua linh hoạt điều chỉnh tăng 3% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá từ +1% lên + 3%; kết hợp với điều chỉnh lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng hợp lý, đảm bảo duy trì chênh lệch hợp lý giữa lãi suất VND và lãi suất USD, mua bán ngoại tệ can thiệp thị trường và ban hành các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ, tăng cường công tác truyền thông để ổn định tâm lý thị trường.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như trên, mặc dù điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ được giữ ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế tiếp tục giảm. Các động thái điều hành tỷ giá đúng hướng của NHNN được Chính phủ và các tổ chức quốc tế ủng hộ và đánh giá cao. Việc điều hành tỷ giá chủ động, lường trước được tình hình, do đó trong khi diễn biến trên thị trường quốc tế biến động mạnh khiến nhiều nước phải giảm giá mạnh đồng tiền, thì tỷ giá USD/VND chỉ phải điều chỉnh 5%; mức điều chỉnh này đảm bảo năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời đảm bảo duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục củng cố vị thế và lòng tin của người dân vào đồng Việt Nam.

Trong việc điều hành tỷ giá, sức ép từ các yếu tố khách quan vẫn rất lớn. Đã có những ý kiến nêu trong năm vừa qua là Việt Nam nên chấm dứt chế độ “song tệ”, không cho phép thanh toán, gửi tiền bằng ngoại tệ tại Việt Nam. Đánh giá của NHNN về vấn đề này thế nào, thưa bà?

Đối với nội dung liên quan đến việc thanh toán và sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam, ngày 19/10/2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, ngoài quy định chung về các trường hợp cần thiết khác, Thông tư bổ sung một số trường hợp cụ thể về an ninh, quốc phòng, dầu khí tại khoản 17, Điều 4, đồng thời các trường hợp được Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ chỉ áp dụng với đối tượng là tổ chức (người cư trú, người không cư trú), không cho phép cá nhân.

Ngoài ra, Thông tư bổ sung thêm yêu cầu về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, hồ sơ phải được lập bằng tiếng Việt. Trường hợp thành phần hồ sơ được dịch từ tiếng nước ngoài, tổ được được lựa chọn nộp tài liệu đã chứng thực, chữ ký của người dịch theo quy định về chứng thực của pháp luật Việt Nam, hoặc tài liệu có xác nhận của người đại diện hợp pháp của tổ chức.

Ngoài ra, theo Vụ Chính sách tiền tệ, thời gian qua, định hướng nhất quán của NHNN là chống USD hóa, nghĩa là chuyển từ quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua - bán, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam. Theo đó, NHNN đã kiên trì thực hiện các giải pháp theo lộ trình gồm: từng bước thu hẹp hoạt động tín dụng ngoại tệ thông qua thu hẹp dần đối tượng được vay bằng ngoại tệ; trong điều kiện lãi suất VND giảm, giảm dần trần lãi suất tiền gửi bằng USD của tổ chức và cá nhân nhằm đảm bảo mức chênh lệch lãi suất hợp lý giữa USD và VND, qua đó khuyến khích tổ chức và cá nhân bán USD cho hệ thống ngân hàng, giảm tình trạng đô la hóa và tăng cung ngoại tệ cho thị trường.

Bên cạnh đó, NHNN cũng không khuyến khích cho vay ngoại tệ và từng bước kiểm soát chặt chẽ hơn đối với nhu cầu vốn vay bằng ngoại tệ; ban hành thông tư khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm rủi ro tỷ giá thông qua sử dụng công cụ phái sinh thay vì mua trước ngoại tệ giữ trên tài khoản. Với việc triển khai quyết liệt các giải pháp thì tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế tiếp tục giảm, tỷ giá và thị trường ngoại hối giữ ổn định, lòng tin vào đồng Việt nam được củng cố. Khi thị trường tài chính tiền tệ thực sự phát triển, NHNN sẽ xem xét cân nhắc có các biện pháp hạn chế huy động ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng.

Vậy NHNN định hướng điều hành tỷ giá trong năm 2016, cơ chế điều hành tỷ giá mới thế nào, thưa bà?

Quan điểm điều hành chính sách tỷ giá của NHNN vẫn luôn nhất quán và kiên định mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Năm 2016, NHNN điều hành chính sách tỷ giá theo cách thức mới, linh hoạt hơn. Theo đó, NHNN vẫn sẽ công bố tỷ giá nhưng khác ở chỗ tỷ giá có thể được điều chỉnh lên/xuống hàng ngày. Tỷ giá do NHNN công bố sẽ được xác định trên cơ sở một số cơ sở sau: Thứ nhất, tham chiếu diễn biến của một số đồng tiền của các nước có mối quan hệ về thương mại và đầu tư lớn với Việt Nam; Thứ hai, tham chiếu tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng (tỷ giá bình quân gia quyền theo mức tỷ giá và trọng số giao dịch), cách tham chiếu này sẽ khắc phục được một số điểm hạn chế của cách tham chiếu vào tỷ giá cuối ngày trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của một số nước và theo đó hạn chế được yếu tố làm giá vào cuối ngày của các thành viên tham gia thị trường; Thứ ba, ngoài hai yếu tố nêu trên, tỷ giá có được cân nhắc trên cơ sở các cân đối vĩ mô, tiền tệ, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế vĩ mô.

Việc cân nhắc mức độ tham chiếu các yếu tố nêu trên sẽ được NHNN cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo yếu tố linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo yếu tố quản lý theo chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý đã được xác định tại các văn bản về quản lý ngoại hối hiện hành. Việc điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn phù hợp với bối cảnh thương mại và đầu tư quốc tế sẽ luân chuyển nhanh hơn và mạnh hơn sau hàng loạt các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã và sẽ ký kết.

Cách thức điều hành tỷ giá mới này sẽ cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt, kịp thời hơn với diễn biến trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc điều hành tỷ giá theo cách thức mới, NHNN sẽ thực hiện các giải pháp CSTT đồng bộ để đảm bảo mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Bình tĩnh, linh hoạt trong điều hành tỷ giá
Quyết định “lịch sử” - nâng lãi suất lên 0,25% sau 8 năm duy trì lãi suất 0% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra vào sáng 17/12 theo giờ Việt Nam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư