Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng nước ngoài dồn dập đưa ra hàng loạt kiến nghị mới
Thùy Liên - 01/12/2015 09:15
 
Ngoài hai vấn đề cũ liên quan đến phòng chống rửa tiền và xử phạt hành chính, năm nay, nhóm Công tác ngân hàng (BWG) liên tiếp đưa ra hàng loạt kiến nghị mới liên quan đến vấn đề bảo lãnh ngân hàng, xử lý nợ xấu, đơn giản hóa thủ tục...
.
Nhóm công tác ngân hàng đề nghị NHNN cho phép loại trừ các khoản bảo lãnh phát hành trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của chi nhánh ngân hàng tại nước ngoài khi tính hạn mức tín dụng đơn để phù hợp với thông lệ quốc tế

 

 

Ngân hàng ngoại gặp khó vì hạn mức bảo lãnh

Một trong những chính sách gây khó khăn cho hoạt động của ngân hàng, theo BWG là Thông tư 07/2015/TT-NHNN về bảo lãnh ngân hàng. Theo đó, khi tính toán hạn mức tín dụng đơn trong hoạt động ngân hàng, các quy định hiện hành chỉ cho phép loại trừ số dư bảo lãnh trong trường hợp phát hành bảo lãnh căn cứ trên bảo lãnh đối ứng của tổ chức tín dụng trong nước hay chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.  BWG cho rằng, quy định trên không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cũng theo nhóm công tác ngân hàng, việc không cho phép trừ số dư bảo lãnh đối ứng của ngân hàng nước ngoài khi tính hạn mức tín dụng một khách hàng sẽ làm hạn chế khả năng của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong việc cấp các khoản bảo lãnh giá trị lớn cho các dự án FDI tại Việt Nam. Khi đó, các CNNHNN tại Việt Nam sẽ chỉ có thể sử dụng ngân hàng trong nước làm bên phát hành bảo lãnh đối ứng, trong khi những đơn vị này thường có năng lực hạn chế cả về vốn lẫn mức tín nhiệm so với các ngân hàng nước ngoài.

Chính vì vậy, Nhóm công tác ngân hàng đề nghị NHNN cho phép loại trừ các khoản bảo lãnh phát hành trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của chi nhánh ngân hàng tại nước ngoài khi tính hạn mức tín dụng đơn để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trước ý kiến lo ngại NHNN sẽ không kiểm soát được các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, BWG đề xuất, NHNN có thể yêu cầu các tổ chức nộp báo cáo thường niên của những đơn vị tại nước ngoài trên cũng như xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức quốc tế uy tín để NHNN xem xét.

Rút ngắn quy trình xử lý nợ xấu

Liên quan đến xử lý nợ xấu, Nhóm công tác ngân hàng cho rằng, hiện nay, quy trình xử lý vụ kiện liên quan tới nợ xấu và tài sản đảm bảo theo Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2014 quá phức tạp và mất nhiều thời gian.

“Trường hợp khách hàng không hợp tác, ngân hàng phải khởi kiện khách hàng ra tòa án và mất từ 01 đến 02 năm để nhận bản ản hoặc quyết định của tòa. Sau khi nhận được Bản án/Quyết định hòa giải, ngân hàng phải nộp đơn yêu cầu thi hành án và phải mất từ 02 đến 03 năm để bán đấu giá xong tài sản đảm bảo. Quá trình xử lý mất nhiều thời gian đã làm tăng chi phí xử lý nợ xấu và giảm giá trị của tài sản đảm bảo, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của quá trình thu hồi nợ”, ông Nirukt Saprru nêu lên thực tế phổ biến trong quá trình xử lý nợ xấu tại Việt Nam.

Đại diện các ngân hàng nước ngoài tại Việt nam cũng cho rằng, trong nhiều trường hợp, các quyết định và yêu cầu bất hợp lý của tòa án hay cơ quan thi hành án đã khiến quá trình xử lý tài sản đảm bảo của ngân hàng để thu hồi nợ đi đến chỗ bế tắc. Bên cạnh đó, vì không có sự hỗ trợ tích cực của cơ quan công an và chính quyền nên việc xử lý tài sản đảm không thông qua tòa án là không khả thi.

Trước những bất cập này, BWG đề nghị, thời gian tới, cần rút ngắn thời gian xử lý vụ việc của tòa án và cơ quan thi hành án. Trường hợp khách hàng cá nhân hay người đại diện theo pháp luật của khách hàng doanh nghiệp bỏ trốn, tòa án có thể mở phiên tòa xét xử vắng mặt bị đơn và không cần thiết thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp.

Ngoài ra, BWG cũng cho rằng, cần ban hành một khung khổ pháp lý chi tiết, rõ ràng quy định sự phối hợp giữa cơ quan công an và các cơ quan liên quan để hỗ trợ xử lý tài sản đảm bảo mà mà không cần có sự đồng ý hay hợp tác của bên thế chấp.

Bên cạnh các kiến nghị trên, BWG cũng cho rằng, quy định giới hạn tỷ lệ trái phiếu chính phủ mà các NHTM và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép nắm giữ (Thông tư 36) là không phù hợp với Hiệp ước Basel II và III cũng như sẽ gây tác động không tốt cho ngân sách và sự phát triển của thị trường chứng khoán sơ cấp và thứ cấp. Ngoài ra, định nghĩa về “người có liên quan” để kiểm soát giới hạn cấp tín dụng trong Thông tư 36 cũng chưa được quy định rõ…

VBF cuối kỳ 2015 sẽ tập trung bàn về hội nhập
Ngày 1/12/2015, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2015 sẽ được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư