Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng rầm rộ lập công ty con
Hà Tâm - 23/04/2016 08:09
 
Tại mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, nhiều ngân hàng tiếp tục lên kế hoạch thành lập các công ty con trong lĩnh vực tiêu dùng, kiều hối… Trong khi đó, nhiều ngân hàng lại lên kế hoạch “dọn dẹp” các công ty con trong lĩnh vực chứng khoán, cho thuê tài chính.
TIN LIÊN QUAN

Lập rầm rộ

Làn sóng lập công ty tín dụng tiêu dùng kéo dài trong hai năm qua vẫn chưa dừng lại. Mới đây nhất, thêm ông lớn Vietcombank công bố sẽ tham gia sân chơi này. Ngân hàng đang xúc tiến các thủ tục để thành lập Công ty Tín dụng tiêu dùng Vietcombank. “Trước khi phê duyệt chủ trương này, chúng tôi đã nghiên cứu xu thế, tiềm năng và thấy đây là lĩnh vực hiệu quả. Vietcombank đang trình các cơ quan thẩm quyền phê duyệt và sẽ chính thức triển khai thành lập sau khi được phê duyệt”, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay.

Cùng với Vietcombank, VietinBank cũng sẽ sớm thành lập công ty tín dụng tiêu dùng, được chuyển đổi một phần từ PGBank sang. Nhưng con số ngân hàng thành lập công ty tài chính tiêu dùng có thể sẽ chưa dừng lại, bởi tiềm năng lớn mà thị trường mang lại. Thời gian tới, BIDV, ACB… cũng sẽ tham gia thị trường này.

.
.

Một lĩnh vực nữa cũng được các ngân hàng tập trung nhắm tới là kiều hối. Chỉ tính riêng 3 ngân hàng đã tổ chức đại hội đồng cổ đông trong tháng 4/2016, gồm OCB, Vietcombank và Bac A Bank, thì cả ba đều công bố ý định thành lập công ty kiều hối.

Theo lãnh đạo Bac A Bank, tiềm năng thị trường kiều hối rất lớn, nhưng thị phần lại đang do các tổ chức chuyển tiền quốc tế nắm giữ. Vì vậy, Bac A Bank chú trọng khai thác thị trường này, đặc biệt là hình thức online, để tạo lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ. Trong khi đó, OCB cũng kỳ vọng, Công ty Chuyển tiền quốc tế OCB sẽ mang lại doanh số hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm với tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân.

Việc ngân hàng rầm rộ lập công ty con trong các lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, kinh doanh kiều hối là dễ hiểu, vì đây là hai lĩnh vực còn nhiều dư địa phát triển và thực tế nhiều ngân hàng đã triển khai hiệu quả. Năm 2015, riêng Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit đã mang về hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận cho ngân hàng mẹ VPBank. Trong khi đó, về mảng kiều hối, trong năm 2015, Công ty Kiều hối Đông Á đạt doanh số chi trả khoảng 1,4 tỷ USD.

Dọn dẹp âm thầm

Giới chuyên gia cảnh báo, các ngân hàng cần dựa trên lợi thế cạnh tranh của mình để lập công ty con, nếu lập theo phong trào sẽ dẫn tới thất bại. Còn nhớ, trong quá khứ, nhiều ngân hàng đã đua nhau thành lập công ty chứng khoán, công ty cho thuê tài chính với nhiều kỳ vọng lớn lao. Song thực tế thời gian qua cho thấy, các công ty con này hoạt động không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng nề. Hiện nhiều ngân hàng đã phải lên kế hoạch chuyển đổi hoặc thoái vốn khỏi các công ty này.

Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức cuối tuần này, SHB chuẩn bị xin ý kiến cổ đông về kế hoạch thoái toàn bộ vốn (98,47% cổ phần) tại Công ty Chứng khoán SHB (SHBS). Trong khi đó, cùng với ý định thành lập công ty tín dụng tiêu dùng, Vietcombank cũng cho biết sẽ xây dựng lộ trình, đề án chuyển đổi hình thức sở hữu đối với công ty cho thuê tài chính và công ty chứng khoán. Trước đó, năm 2015, BIDV và ACB đều cho biết ý định chuyển đổi công ty cho thuê tài chính sang công ty tín dụng tiêu dùng.

Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, lĩnh vực béo bở tín dụng tiêu dùng thời gian tới sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt vì có nhiều ngân hàng gia nhập cuộc chơi. Bên cạnh đó, lĩnh vực này cũng đòi hỏi ngân hàng có kỹ năng bán lẻ, phân tích khách hàng và kinh nghiệm quản lý nợ xấu tốt. “Vay tiêu dùng thường là tín chấp, rủi ro nợ xấu rất cao. Đây là rủi ro mà các ngân hàng cần tính đến”, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo.

Trong khi đó, với dịch vụ kiều hối, khả năng sinh lợi cũng không nhiều, vì mức phí mà các ngân hàng thu về thường rất nhỏ. Mặt khác, trên thị trường, dịch vụ chuyển tiền ngầm hoạt động rất mạnh mẽ, với mức phí chuyển tiền/nhận tiền được nhiều nơi gần như miễn phí. Cho đến nay, những ngân hàng có doanh số kiều hối lớn hầu hết là các ngân hàng có mạng lưới rộng, có quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế lớn. Còn với các ngân hàng nhỏ, mới gia nhập cuộc chơi, việc giành thị phần sẽ không hề đơn giản.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư