Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Ngành chăn nuôi Việt Nam và cái giá của hội nhập
Thùy Liên - 10/08/2015 15:57
 
Thịt nhập khẩu giá siêu rẻ ồ ạt tràn vào Việt Nam ngay cả khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa được ký kết đang đe dọa ngành chăn nuôi và ảnh hưởng đến cả chục triệu nông dân. Những gì đang xảy ra với ngành chăn nuôi phần nào cho thấy tác động đa chiều và cái giá của hội nhập.
.
Thịt nhập khẩu giá siêu rẻ được bày bán ở nhiều siêu thị tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

 

Thua lỗ, đóng cửa là “cái chết được báo trước” với ngành chăn nuôi nước ta, bởi đây là ngành rất kém lợi thế cạnh tranh do quy mô sản xuất nhỏ, lệ thuộc vào việc nhập khẩu giống và thức ăn chăn nuôi, vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Theo dự báo, cuối năm nay hoặc đầu năm 2016, TPP sẽ được ký kết, đồng nghĩa thịt nhập khẩu sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam với mức thuế 0%, thay vì 10 - 20% như hiện nay. Đây là viễn cảnh tất yếu vì nhiều nước trong TPP như Canada, Mỹ, Australia, New Zealand....là cường quốc chăn nuôi của thế giới. Chính vì vậy, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) từng nhận định, nhiều sản phẩm chăn nuôi của nước ta không thể cạnh tranh được với các nước thành viên TPP.  

Ví dụ, giá thành sản xuất sữa ở Việt Nam đắt gấp đôi New Zealand, giá thịt lợn hơi ở Việt Nam gấp 3 lần giá thịt lợn hơi tại Mỹ…

Rõ ràng, TPP đang đẩy ngành chăn nuôi đứng trước thảm cảnh phá sản và cả chục triệu nông dân lao động trong ngành này sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhìn toàn cục, mở cửa ngành chăn nuôi sẽ giúp hơn 90 triệu người tiêu dùng hưởng lợi vì được mua thực phẩm giá rẻ, chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch chặt chẽ. Chưa kể, ngành chăn nuôi cũng được hưởng một số lợi ích nhất định, như được tiếp cận giống, vắc-xin, trang thiết bị, thuốc thú y… với giá rẻ hơn trước.

Từ những tác động mạnh mẽ của hội nhập kinh tế tới ngành chăn nuôi, có thể cần phải nhận thức rõ một số vấn đề.

Thứ nhất, Việt Nam phải chấp nhận có những ngành được, có những ngành mất khi hội nhập. Với những ngành không có lợi thế, cần nhìn nhận thẳng thắn để tránh đầu tư tốn kém.

Thứ hai, đối với các cường quốc chăn nuôi như Mỹ, Canada, Australia…, việc áp dụng giải pháp hàng rào kỹ thuật hoặc kiện bán phá giá để ngăn chặn hàng nhập khẩu vào nước ta là rất khó. Vì vậy, cơ quan chức năng phải lường được những kịch bản xấu nhất để giúp người nông dân chuẩn bị đối phó với hội nhập.

Thứ ba, hội nhập cũng là cơ hội để ngành chăn nuôi trong nước nỗ lực tái cơ cấu theo hướng hình thành mô hình chuỗi (từ con giống, trang trại, chế biến đến thương mại) và phát triển mạnh các đặc sản địa phương. Hiện nay, thói quen sử dụng thịt tươi thay vì thịt đông lạnh của người tiêu dùng là lý do khiến ngành chăn nuôi vẫn tồn tại được. Tuy nhiên, sản phẩm thịt trong nước lại đang gây lo ngại bởi tình trạng sử dụng chất kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi diễn ra tràn lan. Nếu ngành chăn nuôi không sớm chuyển mình theo hướng nâng cao chất lượng, thì người tiêu dùng cũng sẽ sớm “bỏ rơi” sản phẩm trong nước ngay trên chính tại sân nhà.

Thứ tư, để bảo vệ người tiêu dùng trong hội nhập, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn thực phẩm nhập khẩu đông lạnh, không để nguồn thịt gần hết hạn sử dụng ồ ạt đổ vào nước ta như hiện nay.

Điều đáng mừng là, nhiều mô hình chăn nuôi lớn đã xuất hiện với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn. Đây đang là niềm hy vọng của ngành chăn nuôi nội địa. Nếu sản xuất bài bản theo chuỗi khép kín, đảm bảo chất lượng, chắn chắc sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn có chỗ đứng trên thị trường với sự ủng hộ của hơn 90 triệu dân.

“Dàn trận” hút vốn đầu tư vào nông nghiệp
Chớp thời cơ vàng khi một loạt tập đoàn lớn muốn đổ vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất lập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư