Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
EU giúp da giày xuất khẩu vượt rào cản kỹ thuật
Ngành da giày Việt Nam và "cú huých" mới
Lan Anh - 04/12/2015 09:34
 
Không thể phủ nhận cho đến thời điểm này, xuất khẩu da giày của Việt Nam sang các nước EU ngày càng đa dạng về cơ cấu sản phẩm, dần tạo được thương hiệu, chỗ đứng và niềm tin đối với người tiêu dùng tại thị trường khó tính này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Tỷ lệ doanh nghiệp da giày Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn sinh thái theo quy định của EU là rất thấp
Tỷ lệ doanh nghiệp da giày Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn sinh thái theo quy định của EU là rất thấp

Thiếu tiêu chí an toàn sản phẩm

Mặc dù ngành giầy da Việt Nam đứng thứ tư trong số tám nước xuất khẩu lớn nhất thế giới nhưng phần lớn lại là hàng gia công (80%). Các sản phẩm giày dép Việt Nam có mẫu mã chưa đẹp, chất lượng chưa cao, chưa có dấu ấn thương hiệu rõ nét nên mức độ phát triển trong chuỗi giá trị gia tăng còn thấp.

Ông Nguyễn Văn Thông, Viện trưởng Viện Dệt may (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) cho rằng, doanh nghiệp da giày Việt Nam xuất khẩu đang gặp phải khá nhiều trở ngại, trong đó phải kể đến việc thiếu hụt thông tin, hiểu biết chưa thấu đáo về quy chuẩn, tiêu chuẩn pháp lý và tiêu chuẩn riêng của thị trường EU; kết quả thí nghiệm và chứng nhận của Việt Nam chưa được khách hàng quốc tế thừa nhận.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Văn Huấn, Phó Viện trưởng Viện Dệt may - Da giày và Thời trang, Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ, an toàn sinh thái của sản phẩm là vấn đề tương đối mới và khó đối với nhiều doanh nghiệp da giày, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; chỉ một số doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) quan tâm, còn lại hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quan tâm đến vấn đề này.

Kết quả khảo sát 139 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng… của Viện Nghiên cứu Da - Giầy (LSI) kết hợp với Viện Dệt may - Da giày và Thời trang cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn sinh thái theo quy định của EU rất thấp (chỉ 10% số doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ hợp chất organotin, 6,7% đáp ứng được tỷ lệ amiang… trong sản phẩm giày, dép). Số doanh nghiệp thờ ơ với các tiêu chí này rất lớn (50% doanh nghiệp không quan tâm tới tỷ lệ formandehit, 63,3% doanh nghiệp  không quan tâm tới mức độ niken cho phép…).

Lý giải thực tế trên, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách - Việt Nam (Lefaso) cho rằng, sở dĩ khả năng đáp ứng thấp, một phần do sự thờ ơ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiêu chuẩn an toàn sinh thái của thị trường EU, một phần do các quy trình thử nghiệm, kiểm tra mức độ an toàn và lấy được giấy công nhận sản phẩm đạt chất lượng yêu cầu… có thủ tục phức tạp, tốn kém chi phí, thậm chí vượt xa khả năng của doanh nghiệp.

Cũng phải nói thêm, trong khi các nước trên thế giới xây dựng nhiều rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm giày dép nhập khẩu thì Việt Nam chưa có các quy định mang tính pháp lý để kiểm soát chất lượng sản phẩm giày dép. Điều này phần nào cũng lý giải sự thờ ơ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với tiêu chuẩn an toàn sinh thái của sản phẩm giày dép xuất khẩu.

.
Sản phẩm da giầy Việt Nam được đánh giá có lợi thế cạnh tranh về giá so với các quốc gia khác

Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp da giày đáp ứng tốt hơn các quy định an toàn sản phẩm” do EU tài trợ trong khuôn khổ Dự án EU-MUTRAP có tổng kinh phí thực hiện là 310.638 euro, được thực hiện trong 30 tháng, bắt đầu từ tháng 7/2014-12/2016.

Dự án chia làm 4 giai đoạn, trong đó, 1 và 2 là giai đoạn khởi động và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, cho phòng thử nghiệm trong lĩnh vực da giày. 3 và 4 là giai đoạn kết nối, thông tin và truyền thông.

Bù đắp lỗ hổng

Theo số liệu của Lefaso, hiện có 800 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp da giày (70% là doanh nghiệp vừa và nhỏ) nên việc hỗ trợ đối tượng này là cực kỳ cần thiết.

Tháng 7/2014, LSI đã liên kết với Lefaso và Đại học Northampton của Anh thực hiện Dự án “Hỗ trợ  doanh nghiệp da giày đáp ứng tốt hơn các quy định an toàn sản phẩm”.

Dự án này được triển khai trong 30 tháng với kinh phí 310.638 euro nhằm  hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; tiếp cận dịch vụ kiểm nghiệm đạt chuẩn quốc tế với giá cả hợp lý.

Một phần đáng kể nguồn kinh phí được dành cho nâng cấp 3 phòng thí nghiệm hiện tại của Việt Nam sao cho đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận và công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế đồng thời xây dựng Trung tâm OSSC – chuyên tư vấn, kiểm định dịch vụ, thử nghiệm đầu tiên của Việt Nam – nhằm tư vấn, cung cấp thông tin về quy chuẩn, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp; thông qua dự án, 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ được đào tạo và tập huấn sẽ nâng cao năng lực xuất khẩu sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của EU.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Lefaso, điều phối viên Dự án khẳng định, OSSC sẽ bù đắp  lỗ hổng thông tin của doanh nghiệp da giày trong bối cảnh các doanh nghiệp hiện vẫn đang phải tự xoay xở tìm kiếm, cập nhật thông tin về các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng mới của sản phẩm ở các thị trường Mỹ, EU. Để  dự án đi vào thực tế, LSI phối hợp cùng Trường Đại học Northampton - Liên hiệp vương quốc Anh và Lefaso đã tổ chức hàng loạt khóa đào tạo tư vấn viên về chủ đề "TBT ngành Da giày và Thử nghiệm các sản phẩm Da giày vào thị trường EU" trong tháng 10 và 12/2014 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Năm 2015, hoạt động này tiếp tục được tổ chức tại Hà Nội (9 – 10/3/2015) và Bình Dương (12 – 13/3/2015).

Khóa đào tạo có sự tham gia của một số diễn giả uy tín như Ông Andy Seaward, chuyên gia cao cấp của hãng da giầy nổi tiếng Clark và ông John Hubbard, chuyên gia môi trường và phát triển bền vững của Trung tâm công nghệ SATRA.

Bên cạnh đó, khóa đào tạo cũng đề cập đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU đối với sản phẩm da, giầy; đạo luật REACH (Đăng ký, Đánh giá, Cấp phép và Hạn chế Hóa chất); tiêu chuẩn và các yêu cầu thử nghiệm đối với sản phẩm da, giầy… trong công việc xác định chất lượng sản phẩm da, giầy,  mức độ an toàn của sản phẩm da, giầy khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Ông Nguyễn Hải Trung, Viện trưởng LSI, Giám đốc Dự án đã khẳng định quyết tâm thực hiện thành công dự án do EU hỗ trợ theo đúng các mục tiêu đã đề ra.

Tự tin xuất khẩu ra thị trường thế giới

Các chuyên gia da giày khẳng định, khi Dự án hoàn thành, các doanh nghiệp da giày Việt Nam sẽ tự tin hơn khi xuất khẩu sản phẩm của mình sang tất cả các thị trường khó tính.

Bà Phan Thị Thanh Xuân chia sẻ, thông qua dự án, chúng tôi sẽ giúp doanh nghiệp tìm được phương thức nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm phù hợp, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong nước, an toàn môi trường sản xuất và xã hội, đó cũng chính là mục tiêu hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng đội ngũ tư vấn, hướng dẫn, giúp cho doanh nghiệp có được kiến thức cơ bản nhất vềcác thủ tục, quy định liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn cho doanh nghiệp để có thể xuất khẩu sản phẩm vào thị trường EU.…

Trên thực tế, triển vọng năm 2015 của doanh nghiệp da giày khá sáng sủa, đúng như trao đổi của ông Mai Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH giày dép Hưng Đạt (Đồng Nai), Công ty đang tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng sản xuất, tập trung nâng cao mức độ an toàn của sản phẩm da, giầy khi xuất khẩuđể có thể tiếp nhận được những đơn hàng khó và lớn.

Ông Lê Đình An, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH giày dép Tân Hợp (TP. Biên Hòa) cũng cởi mở chia sẻ, hàng hóa của công ty xuất khẩusang nhiều nước nhưng tập trung ở thị trường châu Âu nhiều hơn. Hiện công ty đã nhận được đơn hàng sản xuất đến giữa quý III/2015 và sẽ tập trung hoàn chỉnh hơn khâu sản xuất hàng xuất khẩu.

Các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhận định ngành da giày sẽ có nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt trong bối cảnh hàng loạt các hiệp định thương mại quan trọng đang trong giai đoạn hoàn tất (trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam với Liên minh thuế quan Nga (Belarus - Kazakhstan)).

Sản phẩm da giầy Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về giá so với các quốc gia khác và đã hiện diện tại hầu hết thị trường lớn (Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản…). Mức tiêu thụ lớn với chất lượng ngày càng cao của ngành hàng này đủ để bảo đảm “đầu ra” cho các đối tác chiến lược.

Kết thúc năm 2014, ngành da giày, túi xách về đích với doanh thu xuất khẩu hơn 12 tỷ USD, tăng hơn 19% so với 2013, trong đó, túi xách, ô dù đạt hơn 2 tỷ USD. Bám sát tốc độ tăng trưởng của 2013-2014, ngành da giày tự tin đặt mục tiêu xuất khẩu13,5-14 tỷ USD trong năm 2015.
Thu nhập bình quân lao động ngành da giày khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng
Thu nhập bình quân người lao động trong ngành da giày tại Việt Nam trong năm 2014 đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư