Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Ngành xây dựng tiếp tục dẫn đầu về số tai nạn lao động
Hải Hà - 25/04/2017 08:10
 
Mặc dù tỷ lệ tai nạn lao động (TNLĐ) ngành xây dựng đã giảm xuống 23,8% (năm 2016) so với 37% (năm 2015) nhưng ngành này vẫn đứng đầu trong danh sách ngành gây TNLĐ lớn nhất.

Lý do tỷ lệ TNLĐ ngành xây dựng giảm được ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giải thích do năm 2016 là năm thanh tra toàn quốc tập trung vào ngành xây dựng.

Theo đó, đã có trên 1.000 công trường xây dựng bị thanh kiểm tra năm 2016.

Ngành xây dựng trong nhiều năm liền là điểm nóng về các vụ tai nạn lao động do đây là ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro cao.
Ngành xây dựng trong nhiều năm liền là điểm nóng về các vụ tai nạn lao động do đây là ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro cao.

Trước đó, năm 2015 ngành này cũng đứng đầu trong danh sách các ngành có nguy cơ gây TNLĐ cao. Do đó, từ năm 2015, Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã chuyển hướng tập trung thanh tra việc tuân thủ quy định lao động của các doanh nghiệp xây dựng.

Theo đó, số tiền xử phạt doanh nghiệp riêng ngành xây dựng năm 2016 đã là trên 16 tỷ đồng, trong khi thời điểm trước năm 2015, số tiền xử phạt chỉ trên dưới 4 tỷ đồng/năm.

“Nếu tính ví phạm thì mỗi doanh nghiệp xây dựng vi phạm ít nhất 7 lỗi, thậm chí có doanh nghiệp vi phạm tới 28 lỗi. Do đó, nếu xử phạt nghiêm sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp ảnh hưởng tới người lao động, chúng tôi cũng chỉ dám xử phạt mang tính răn đe.”, ông Tùng nói.

Những lĩnh vực gây TNLĐ chết người trong khu vực có quan hệ lao động (có hợp đồng) ngoài ngành xây dựng thì đứng vị trí thứ 2 là khai thác khoáng sản chiếm 11,4% tổng số vụ và 12,9% tổng số người chết.

Tiếp theo là các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, dịch vụ, nông lâm nghiệp….

Đáng chú ý, trong số các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người thì nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 42,1% do không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 17,8% tổng số vụ; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 8,4% tổng số vụ; không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 11,4% tổng số vụ; do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 3% tổng số vụ và không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân  trong lao động chiếm 1,5%. Trong khi, nguyên nhân từ người lao động chỉ chiếm 17,3%.

Năm 2016, ngoài một số vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết nhiều người đang trong quá trình điều tra nên chưa có hình thức xử lý thì chỉ có 5 vụ được cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân xem xét khởi tố, trong đó đã khởi tố 3 vụ án.

Cụ thể, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn sập giàn giáo xảy ra vào 18giờ 30 ngày 09/01/2016 làm 4 người chết tại công trường thi công Suối Quanh, bản Tà Pán, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa do “Vi phạm các quy định về an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 227, Bộ luật Hình sự.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn do sạt lở vách đá xảy ra vào 10giờ30 ngày 22/01/2016 làm 8 người chết tại mỏ đá của Doanh nghiệp TNHH Tuấn Hùng, xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, đoàn điều tra TNLĐ tỉnh Quảng Ninh đã chuyển hồ sơ vụ tai nạn lao động do sạt lở tầng xảy ra vào 11giờ ngày 8/5/2016 làm 2 người chết tại công trường khai thác 2, công ty cổ phần than Cao Sơn, thành phố Cẩm Phả. Tỉnh Quảng Ninh đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra thành phố Cẩm Phả xem xét khởi tố vụ án này do đã vi phạm quy định về an toàn lao động. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn trên theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2016 trên toàn quốc đã xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.251 người bị nạn trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 799 vụ. 799 vụ này đã khiến 862 người chết; 1.952 người bị thương nặng.

Tuy nhiên, bức tranh TNLĐ theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) là chưa phản ánh được thực tế bởi chỉ có 9,5% doanh nghiệp, tức  26.419/277.314 doanh nghiệp có báo cáo về tình hình TNLĐ.

Trước đó, theo ông Thắng chỉ có 3-4% số doanh nghiệp có báo cáo. Trong số, 9,5% số doanh nghiệp này có 40% là những doanh nghiệp có nguy cơ cao về TNLĐ.

Ông Thắng cũng cho biết, nếu theo hồ sơ khai tử ở các xã, phường thì số người chết do TNLĐ phải lên tới con số 2.000 người, trong khi đó, số liệu báo cáo năm 2016 mới chỉ là 862 người.

Để chấn chỉnh tình trạng né tránh báo cáo, nhất là những doanh nghiệp trong ngành có nguy cơ cao, ông Thắng cho biết, sắp tới, Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được sửa đổi theo hướng quy định cụ thể các hành vi vi phạm báo cáo và tăng mức xử phạt nếu doanh nghiệp không báo cáo đúng sự thực nhằm chấm dứt tình trạng doanh nghiệp không báo cáo hoặc né báo cáo về tình hình TNLĐ.

Được biết, năm 2017, các doanh nghiệp thuộc 2 lĩnh vực là chế biến thủy sản và sản xuất lắp ráp điện tử sẽ là là những ngành được tập trung thanh kiểm tra nhằm đảm bảo phục vụ của 2 ngành ngành sẽ được đảm bảo tốt hơn trong chuỗi cung ứng.

Phía thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng khẳng định ngoài 2 ngành trên, những lĩnh vực có nguy cơ cao như xây dựng và khai khoáng vẫn tiếp tục là những ưu tiên trong thanh kiểm tra năm 2017.

Ngành nghề nào xảy ra nhiều tai nạn lao động?
Các lĩnh vực, ngành nghề xảy ra nhiều tai nạn lao động gồm khai thác khoáng sản, xây dựng, kinh doanh điện, cơ khí và chế tạo.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư