Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngày 30/12: TP.HCM có thêm 20 km đường cao tốc
Anh Minh - 19/12/2013 14:20
 
(baodautu) Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa công bố phương án khai thác đoạn cao tốc quy mô 4 làn xe từ nút giao Vành đai 2 thuộc quận 9, TP.HCM đến nút giao Quốc lộ 51, Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Dự án đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây
Gấp rút hoàn thiện Dự án trước ngày thông xe đoạn tuyến đầu tiên vào ngày 30/12.

Theo kế hoạch, ngày 30/12 /2013, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ đưa vào khai thác tạm thời giai đoạn 1 (20 km), đoạn Km4+000 đến Km 23+900, từ nút giao Vành đai 2 thuộc quận 9 (TP.HCM) đến nút giao Quốc lộ 51 (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Dự kiến trạm thu phí đặt tại Km11 +50 thuộc địa phận quận 9, TP.HCM với mức thu đối với loại phương tiện cơ bản (xe ô tô con) là 2.000 đồng/km.

Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 20.630 tỷ đồng, gồm 9 gói thầu xây lắp, dự kiến thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2014, hiện đã đạt khối lượng thực hiện khoảng 70% giá trị xây lắp.

Mục tiêu đưa vào khai thác tạm thời đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn Vành đai II đến Quốc lộ 51 nhằm giảm tải áp lực giao thông cho hệ thống giao thông TP.HCM đặc biệt là giảm tải giao thông cho tuyến đường xa lộ Hà Nội nối TP.HCM đi Biên Hòa (Đồng Nai) và Quốc lộ 1A ra phía Bắc.

Ngoài ra, việc đưa tuyến đường vào khai thác sẽ làm hoàn thiện hơn hệ thống giao thông trung tâm kinh tế khu vực phía Nam là đường nối giữa trung tâm TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ phục vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách đi từ TP. HCM đến các khu công nghiệp, cảng biển (như Khu công nghiệp Đồng Nai, cảng Cát Lái, khu công nghiệp Phú Mỹ) và đến khu du lịch giải trí trong khu vực như Vũng Tàu, Long Hải, suối nước nóng Bình Châu...

Theo đánh giá của Bộ Giao thông - Vận tải, việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn Vành đai II đến Quốc lộ 51 sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận TP.HCM cụ thể như sau:

- Từ TP.HCM đi huyện Long Thành (Đồng Nai) hiện nay dài khoảng 45 km, thời gian lưu thông mất khoảng 60 phút do tốc độ lưu thông của phương tiện rất chậm, thường xảy ra ùn tắc kéo dài, nguy cơ mất an toàn cao. Nếu thông xe tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn Vành đai II đến Quốc lộ 51 sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 22 km với thời gian lưu thông giảm chỉ còn khoảng 20 phút so với hiện tại.

- Từ TP.HCM đi Vũng Tàu hiện nay dài 120 km đi theo hướng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 51 thời gian lưu thông mất hơn 2,5 giờ đồng hồ. Khi thông xe đoạn tuyến cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 95 km với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 1 giờ 20 phút đồng hồ do rút ngắn được quãng đường và chất lượng lưu thông được đảm bảo không ùn tắc.

- Từ TP.HCM đi Ngã ba Dầu Giây (đi Quốc lộ 20 hoặc Quốc lộ 1A) hiện nay dài 70 km đi theo tuyến Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1A thời gian lưu thông mất 2,5 giờ đồng hồ và thường xuyên ùn tắc. Khi thông xe khai thác dự án các phương tiện có thể đi theo Đường cao tốc xuống nút giao Quốc lộ 51 đi khoảng 35 km theo tuyến đường ĐT 769 nhập vào Quốc lộ 1 đi ra các tỉnh phía Bắc. Tuyến đường rút ngắn so với với tuyến đường hiện hữu (20 km) và thời gian rút ngắn xuống còn khoảng 80 phút.

"Các phương tiện sẽ được hỗ trợ tốt nhất khi có sự cố do công tác quản lý vận hành đường cao tốc được VEC tổ chức có tính chuyên nghiệp cao, trên đường luôn bố trí lực lượng vận hành (bao gồm cảnh sát giao thông, nhân viên vận hành, cứu hộ giao thông, cứu hộ y tế) trực 24/24h tiếp nhận giải quyết mọi tình huống khi có sự cố", ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc VECOM - đơn vị khai thác vận hành tuyến đường cho biết.

Quy định tham gia giao thông trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây:

- Theo quy định tốc độ tối đa khi lưu thông trên đường cao tốc là 100 km/h và tốc độ tối thiểu là 60 km/h. Khoảng cách an toàn tối thiểu là 80 m. Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, người lái xe phải điều chỉnh vận tốc và khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn quy định.

- Các đối tượng không được tham gia giao thông trên đường cao tốc trong thời gian khai thác tạm gồm: Xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h; Máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; Xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ xe đang phục vụ việc hoàn thiện các hạng mục còn lại của đường cao tốc); Xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ; Xe thô sơ, người đi bộ; Súc vật; Xe tải có tải trọng trên 10 tấn; xe container; xe romooc.

- Khi lưu thông trên đường cao tốc các phương tiện cần chú ý không được tự ý dừng xe trên làn đường dừng xe khẩn cấp để làm các việc riêng, nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở làn khẩn cấp khi xe gặp sự cố.

Hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Các phương tiện tham gia giao thông có thể đi vào đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại các vị trí sau:

- Các phương tiện đi từ Trung tâm TP.HCM qua cầu Phú Mỹ đi thẳng trên đường Vành đại II (đường vành đai trong) lên đường cao tốc tại khu vực nút giao Vành đại II với đường cao tốc.

- Các phương tiện đi từ Trung tâm TP.HCM qua hầm Thủ Thiêm tiếp tục lưu thông trên đường Mai Chí Thọ, rẽ phải vào Tỉnh lộ 25B (đường Đồng Văn Cống), đến ngã tư giao với đường Vành đai 2 thì rẽ trái đi vào đường Vanh Đai II (đường vành đai trong) lên đường cao tốc tại khu vực nút giao Vành đại II với Đường cao tốc.

- Các phương tiện lưu thông từ Quốc lộ 51 lên đường cao tốc tại nút giao Quốc lộ 51 với đường cao tốc tại Km22+500 của Quốc lộ 51 cách TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai 25 km.

Khi lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây gặp sự cố, lái xe có thể gọi trực tiếp cho đơn vị quản lý khai thác VEC O&M theo số: 08. 62 52 91 91 để được hỗ trợ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư