Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Ngỡ ngàng, hàng loạt bài viết “bóc phốt” DeAura bỗng dưng bị cáo buộc vi phạm
Nhóm PV điều tra - 26/06/2018 08:18
 
Một loạt bài viết phản ánh việc kinh doanh "mờ ám" của Công ty TNHH DeAura trên Báo Đầu tư Online cùng nhiều tờ báo khác đã biến mất một cách bí ẩn khỏi công cụ tìm kiếm Google.

Tạo chứng cớ giả, report hàng loạt bài báo

Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã nhận được email từ Google Search Console thông báo rằng nội dung bài viết với tiêu đề “Đẩy hàng loạt khách hàng vào cảnh nợ nần, DeAura có lừa đảo?” ra ngày 8/5/2018, đã bị cáo buộc vi phạm bản quyền của người khác dù toàn bộ nội dung bài viết đều do phóng viên tác nghiệp và tự sản xuất.

Email từ Google Search Console thông báo rằng nội dung bài viết về DeAura của Báo Đầu tư Online đã bị cáo buộc vi phạm bản quyền, dù toàn bộ nội dung bài viết đều do phóng viên tác nghiệp và tự sản xuất
Email từ Google Search Console thông báo rằng nội dung bài viết về DeAura của Báo Đầu tư Online đã bị cáo buộc vi phạm bản quyền, dù toàn bộ nội dung bài viết đều do phóng viên tác nghiệp và tự sản xuất (Ảnh chụp màn hình)

Theo Báo Sức khỏe cộng đồng, một số tờ báo điện tử cũng phản ánh về việc liên tục nhận được email từ Google cho rằng những bài viết liên quan đến Công ty TNHH DeAura (nay là Công ty TNHH Venesa) bị cáo buộc là vi phạm bản quyền và sẽ bị xóa khỏi kết quả tìm kiếm trên Google Search, với nội dung cụ thể như sau: "Google đã được thông báo, theo các điều khoản của Đạo luật bản quyền kỹ thuật số thiên niên kỷ (DMCA), rằng một số tài liệu trên trang web của bạn bị cáo buộc vi phạm bản quyền của người khác. Chúng tôi sẽ xóa các tài liệu bị cáo buộc là bất hợp pháp khỏi kết quả của Google Tìm kiếm".

DMCA là tên Đạo Luật bảo vệ bản quyền kỹ thuật số (Digital Millennium Copyright Act). DMCA được Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 28/11/1998. Nội dung của DMCA hiểu đơn giản là: Chương trình bảo vệ bản quyền của các sản phẩm kỹ thuật số trên mạng internet. Và khép tội những hành vi xâm phạm bản quyền như: sao chép, bẻ khóa (crack), cung cấp, kinh doanh trái phép và vi phạm quyền tác giả.

Điều bất ngờ là người đứng tên cáo buộc bài báo trên vi phạm bản quyền lại là một công ty về truyền thông.

Khi truy cập vào website mà phía công ty truyền thông cho rằng là Original Urls (Nguyên gốc), bài báo của Báo Đầu tư Online được đăng tải lại trên website này với nội dung được “bê nguyên xi” và chỉnh sửa ngày đăng tải là 24/4/2018, sớm hơn khoảng nửa tháng so với thời gian xuất bản bài viết của phóng viên Báo Đầu tư Online.

Tìm hiểu sâu hơn, website này cũng với “nghiệp vụ” như trên, đã đăng lại hàng loạt bài báo có nội dung vạch trần những sai phạm, cách kinh doanh thiếu uy tín, mập mờ trong giới thiệu sản phẩm dịch vụ của Công ty TNHH DeAura (nay là Công ty TNHH Venesa) của nhiều báo điện tử khác, sau đó chỉnh sửa ngày đăng và report với Google.

Thông báo cho biết đơn vị report bài báo của Báo Đầu tư Online là một công ty truyền thông (Ảnh chụp màn hình)
Thông báo cho biết đơn vị report bài báo của Báo Đầu tư Online là một công ty truyền thông (Ảnh chụp màn hình)

Rủi ro cho người tiêu dùng

Nhiều ý kiến cho rằng, sự việc một bài báo điện tử "bóc phốt" làm ăn của doanh nghiệp sau khi đăng tải bị report DMCA trên Google cũng không phải điều lạ lẫm. Nhất là bài báo vạch trần cách kinh doanh "mờ ám" của những doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm, thời trang spa vốn được nhiều người tìm hiểu thông qua mạng xã hội và công cụ tìm kiếm Google thì càng là điều dễ hiểu khi các doanh nghiệp không muốn người dùng biết tới tiếng xấu của mình.

Việc bị report DMCA bất thường không chỉ ảnh hưởng đến bài viết, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của trang báo đối với độc giả, làm mất đi quyền lợi, nhu cầu tiếp cận thông tin đa chiều của người dân. Ngoài ra, còn gây ảnh hưởng đến sự đánh giá của Google đối với trang báo.

Theo các chuyên gia phụ trách vấn đề an ninh mạng của Công ty BKAV, nếu những người tốt sử dụng thủ thuật này để đưa ra cảnh báo đúng thì không sao, nhưng những kẻ xấu thì sẽ lợi dụng để làm ảnh hưởng uy tín một trang web đối với Google hay Fanpage đối với Facebook. Ví dụ, như các bài báo về DeAura nói trên, khi bị report DMCA thì Google sẽ xóa bài viết đó khỏi kết quả tìm kiếm. Từ đó độc giả không thể biết về việc làm ăn "bất thường" của doanh nghiệp này thông qua bài báo.

Từ đó khi khách hàng tìm kiếm thông tin về hãng mỹ phẩm này sẽ chỉ thấy những thông tin tốt đẹp được tô vẽ bằng những bài quảng cáo mà không thể tham khảo được những thông tin đa chiều, không tìm hiểu kỹ dẫn đến việc bị thiệt hại cho bản thân.

Các ý kiến cũng cho rằng, việc report các bài báo dám vạch trần cách kinh doanh của doanh nghiệp này cũng đồng nghĩa với việc DeAura không thực sự muốn lắng nghe ý kiến phản hồi để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện uy tín thương hiệu mà chỉ lo “dập” khủng hoảng truyền thông để tiếp tục cách kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, cũng có chuyên gia thương hiệu nhận định rằng, không tránh được trường hợp có thể một đơn vị, cá nhân nào đó cố tình tạo ra sự việc trên để DeAura (nay là Venesa) "mang tiếng oan"?

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư