Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngỡ ngàng lợi nhuận ngân hàng nhỏ
Thùy Vinh - 18/07/2014 11:14
 
Không thua kém các ngân hàng lớn, nhiều nhà băng quy mô vừa và nhỏ cho biết, lợi nhuận trước thuế đạt được trong nửa đầu năm nay hoàn thành trên 50% chỉ tiêu cả năm.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
BIDV chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Ngân hàng VID Public
SHB cấp 1.300 tỷ đồng cho Dự án Quốc lộ 38
Hé lộ lợi nhuận của Vietcombank, BIDV, TPBank
VPBank mua lại Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam

Lợi nhuận khả quan

Mặc dù tình hình tín dụng khó khăn, tăng trưởng dư nợ không thể thực hiện như kế hoạch, cộng với chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay dần thu hẹp khi phải giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với người cần vốn, nhưng lợi nhuận đạt được của không ít ngân hàng nhỏ vẫn khả quan trong nửa đầu năm.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Kienlongbank cho biết, 6 tháng đầu năm, Ngân hàng đạt 52% kế hoạch lợi nhuận năm, việc hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm 2014 sẽ không quá khó khăn. Theo ông Thắng, tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện trong mùa vụ kinh doanh của doanh nghiệp ở những tháng cuối năm. Mặt khác, lợi nhuận thu về trong 2 quý cuối năm thường cao hơn nửa đầu năm. Năm 2013, Kienlongbank đạt gần 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, kế hoạch lợi nhuận năm nay cao hơn mức thực hiện năm ngoái 19 tỷ đồng.

Năm ngoái, rủi ro tín dụng gia tăng, OCB trích lập dự phòng xấp xỉ 370 tỷ đồng, ảnh hưởng đến lợi nhuận thu về của Ngân hàng. Tuy nhiên, Ngân hàng vẫn đạt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế như kế hoạch đề ra là 320 tỷ đồng. Năm nay, OCB đặt kế hoạch 360 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm được một lãnh đạo cấp cao OCB cho biết, đã hoàn thành được 50%.

Nhiều ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay cao hơn năm trước

TPBank cũng vừa công bố đạt 263 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm, bằng 60% kế hoạch năm; tín dụng tăng trưởng 8,8%, trong đó dư nợ cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 16,3%; tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 1,66% (giảm 0,3% so với đầu năm); các chỉ số an toàn của Ngân hàng đều đảm bảo; huy động từ thị trường 1 tăng 4,5%. Kế hoạch lợi nhuận năm 2014 của TPBank là 438 tỷ đồng so với mức thực hiện 381 tỷ đồng trong năm 2013.

“Nợ xấu tăng, kéo theo trích lập dự phòng cao thì việc xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận năm 2014 phải tính toán kỹ. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế của ngân hàng năm nay bằng mức thực hiện của năm ngoái là hơn 350 tỷ đồng. Đây là mức không cao, nhưng cũng không thấp. Chúng tôi kỳ vọng, từ nay đến cuối năm, hoạt động tín dụng sẽ được cải thiện, nguồn thu từ hoạt động này đóng góp vào lợi nhuận tốt hơn”, lãnh đạo một ngân hàng nói.

NamA Bank đề ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 210 tỷ đồng cho năm nay so với mức đạt được năm ngoái trên 180 tỷ đồng.

… nhưng vẫn thấp thỏm!

Kỳ vọng tín dụng khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm, nhưng nhiều ngân hàng chia sẻ, vẫn phải thận trọng khi quyết định trao vốn cho khách hàng, nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu. Trong khi đó, cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng khốc liệt trong việc giành thị phần tín dụng, chọn lọc khách hàng tốt để cho vay. Với các khoản vay chưa thể thu hồi được nợ, ngân hàng đã phải trích dự phòng và dùng dự phòng để đảm bảo cho khoản nợ đó. Mặt khác, nợ xấu được bán cho VAMC, nhưng ngân hàng vẫn phải trích dự phòng 20% mỗi năm. Điều này đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, nhưng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng, chưa bao giờ hoạt động của các ngân hàng thương mại lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Thách thức thứ nhất là đầu ra khó khăn. Tuy không cho vay được, nhưng các ngân hàng khó có thể ngưng huy động tiết kiệm. Ngân hàng thừa vốn vẫn phải “neo” lãi suất huy động phù hợp, cạnh tranh huy động, đảm bảo thanh khoản. Thách thức thứ hai là ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận để xử lý nợ xấu.

Ngoài việc trích dự phòng rủi ro cao, chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay dần thu hẹp cũng ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các ngân hàng. Thực tế hiện nay, cạnh tranh giành thị phần cho vay khá gay gắt nên lãi suất khó có thể duy trì ở mức cao. Biên lợi nhuận trong cho vay của không ít ngân hàng chỉ còn 1,5 - 2%/năm, thậm chí một số ngân hàng còn có những khoản cho vay dưới giá vốn. Trong khi đó, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay thường phải từ 3% trở lên mới đủ để trích lập dự phòng rủi ro và thu lợi nhuận.

Ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc Nam A Bank cho rằng, khó có thể kỳ vọng nguồn thu từ tín dụng đóng góp nhiều vào lợi nhuận. Bởi lãi suất cho vay đối với những khách hàng tốt, tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu hiện còn dưới cả trần lãi suất huy động. Nam A Bank là ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, để cạnh tranh giành được thị phần tín dụng, Ngân hàng phải từng bước giảm dần lãi suất cho vay, mức thấp nhất là 5%/năm.

Chủ tịch Kienlongbank, ông Võ Quốc Thắng chia sẻ, trước sức mua của thị trường còn yếu, hệ thống ngân hàng không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn của của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, nên dù tự tin nhưng Kienlongbank cũng không thể chắc chắn sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay. Năm ngoái, Ngân hàng chỉ đạt 79,8% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Ngân hàng nhỏ không dễ tìm đối tác M&A

Ngân hàng nhỏ không dễ tìm đối tác M&A

Không nằm trong diện tái cơ cấu bắt buộc, song các nhà băng quy mô vừa và nhỏ vẫn đẩy mạnh tái cơ cấu, để có thể đứng vững trước làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) lan rộng và môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư