Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Ngỡ ngàng với lãi khủng của Camimex Group
Chí Tín - 24/01/2019 14:04
 
Công ty cổ phần Camimex Group (mã CMX, sàn HoSE) đạt lợi nhuận khủng trong năm 2018, không những bù hết lỗ lũy kế, mà còn dôi dư, khiến nhà đầu tư không khỏi ngỡ ngàng.
.
Mặc dù có kết quả kinh doanh khá tốt trong năm 2018, nhưng tỷ lệ nợ của Camimex Group vẫn cao.

Bù hết lỗ lũy kế

Camimex Group đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2018 với tổng doanh thu đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 17,8% so với kết quả tổng doanh thu đạt được trong năm 2017. Các khoản giảm trừ doanh thu năm 2018 không đáng kể, nên doanh thu thuần cũng đạt mức tương tự và tăng trưởng hơn 18% so với năm trước đó.

Tuy nhiên, con số lợi nhuận mới thực sự là dấu ấn của doanh nghiệp thủy sản này, với lợi nhuận sau thuế đạt tới 78 tỷ đồng, tăng 189%.

Lợi nhuận tăng vọt trong năm 2018 đã giúp Camimex Group đảo ngược tình thế, từ việc bị thâm hụt sâu vào vốn sang trạng thái thặng dư vốn tại thời điểm cuối năm 2018.

Cụ thể, vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2017 chỉ là 60 tỷ đồng, chưa bằng 1/2 so với vốn điều lệ 132 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 1 năm ăn nên làm ra, Camimex Group đã có vốn chủ sở hữu gần 138 tỷ đồng. Với kết quả này, lãnh đạo Camimex đã phần nào mát mặt với cổ đông bởi tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hồi đầu năm, ông Bùi Sỹ Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty từng chia sẻ rằng, Công ty đang nỗ lực để có lãi bù hết lỗ lũy kế từ những năm trước.

Nhìn khái quát bức tranh kinh doanh của Camimex Group trong năm qua, lý do khiến Công ty có được kết quả tốt là việc tăng mạnh doanh thu, trong khi chi phí đầu vào không tăng nhiều. Giá vốn hàng bán trong năm 2018 là 861 tỷ đồng, tăng 11,8%, chậm hơn khá nhiều so với tốc độ tăng doanh thu thuần. Theo đó, lợi nhuận gộp đạt 201 tỷ đồng, tăng tới 57% so với cùng kỳ năm 2017.

Các khoản chi phí cơ bản như chi phí bán hàng, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp… tuy tăng, nhưng tăng không nhiều so với tốc độ tăng lợi nhuận gộp. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 14,9%, chi phí bán hàng tăng 11,1%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 26,2%. Nhờ vậy, lợi nhuận thuần của Công ty trong năm 2018 đã tăng gần 170%, đạt mức 91,7 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ vẫn cao

Mặc dù có kết quả kinh doanh khá tốt trong năm 2018, nhưng tỷ lệ nợ vẫn cao (dù đã cải thiện so với năm trước do vốn chủ sở hữu tăng) là một trong vấn đề khiến nhà đầu tư chưa thực sự yên tâm về sự ổn định trong lâu dài. Giá trị nợ phải trả tại thời điểm ngày 31/12/2018 vẫn cao gấp 5,3 lần vốn chủ sở hữu.

Điều đáng chú ý, phần lớn nợ của Công ty là nợ ngắn hạn, với giá trị tuyệt đối là 716 tỷ đồng, chiến tới 97,4% tổng nợ (735 tỷ đồng). Trong đó, riêng tiền vay tài chính gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu với 382 tỷ đồng.

Tiền (và tương đương tiền) tại thời điểm cuối năm 2018 của Công ty chỉ là 3,6 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước đó. Vì thế, nguồn thanh toán nợ của Công ty trong ngắn hạn phụ thuộc vào các tài sản ngắn hạn có thể chuyển hóa thành tiền. Với Camimex Group, tài sản được trông đợi nhất là hàng tồn kho với trị giá 427 tỷ đồng. Như vậy, Công ty sẽ phải dùng tiền thu bán hàng để thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tiền bán hàng mà không có các nguồn dự phòng khác cũng đồng nghĩa với rủi ro khá lớn. Cụ thể, thị trường tiêu thụ nếu bất ngờ có biến động khiến việc bán hàng chậm lại có thể đẩy Công ty vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

Ngoài nguồn hàng tồn kho, Camimex còn một nguồn nữa là các khoản phải thu có tổng trị giá 112,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản này quá nhỏ so với tổng nợ ngắn hạn. Đó là chưa tính, các khoản phải thu này có dễ thu hồi hay không.

Camimex Group được thành lập từ năm 1977, là một trong những công ty đầu tiên của ngành thủy sản Việt Nam.

Công ty có 3 nhà máy chế biến với diện tích gần 4,5 ha, được trang bị trang thiết bị hiện đại châu Âu, Nhật Bản và Mỹ. Tổng công suất của 3 nhà máy đạt hơn 10.000 tấn thành phẩm/năm.

Hệ thống kho lạnh của Camimex Group có sức chứa 2.000 tấn thành phẩm tại Cà Mau và TP.HCM. Vùng nuôi tôm công nghiệp tại Kiên Lương (Kiên Giang), với diện tích 100 ha.

Triển vọng nuôi trồng thủy sản xuất khẩu với sự vào cuộc của doanh nghiệp
Năm 2018 kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt 9 tỷ USD, tăng 8,4%. Mục tiêu của toàn ngành thủy sản là sẽ cán mốc 10 tỷ USD kim ngạch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư