Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ngoái nhìn cấm vận, hướng tới hội nhập
Đào Huy Giám - 18/02/2018 09:26
 
Nguyên Trưởng Đại diện Thương mại Việt Nam tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Đào Huy Giám chia sẻ kỷ niệm từ những ngày đầu tiếp cận với thông tin, chính sách hội nhập và những đóng góp thầm lặng của bao chuyên viên, bạn bè quốc tế trong hành trình Việt Nam gia nhập WTO.
TIN LIÊN QUAN

Nghĩa cử của nước Pháp

Một sáng đầu tháng 6/1989, bên chén trà sớm, anh Phạm Khắc Thích, phụ trách thị trường Tây Âu (Bộ Ngoại thương) chia sẻ thông tin về việc Đại sứ Pháp vừa được triệu tập gấp về nước để “nhận chỉ thị”, dự báo là một tín hiệu tích cực. Ít ngày sau, anh cho biết, ngài Đại sứ đã trở lại Hà Nội, ngày 13/6/1989 đã gặp ngay Bộ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại Đoàn Duy Thành để thông báo quyết định của Chính phủ Pháp dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam.

Tổng giám đốc WTO, ông Pascal Lamy chúc mừng Việt Nam sau lễ ký kết Việt Nam gia nhập WTO, ngày 7/11/2006 tại Geneve.
Tổng giám đốc WTO, ông Pascal Lamy chúc mừng Việt Nam sau lễ ký kết Việt Nam gia nhập WTO, ngày 7/11/2006 tại Geneve.

Một nghĩa cử được chúng tôi ngóng đợi từ lâu. Chỉ một tuần sau, ngày 20/6/1989, ngài Đại sứ Pháp tại Việt Nam Claude Blanchemaison trực tiếp chủ trì sát hạch chuyên môn và Pháp ngữ, tuyển chọn thực tập sinh và ký thư giới thiệu đến Pháp học tập. Ngài Đại sứ công bố tại Lễ kỷ niệm 200 năm Quốc khánh Cộng hòa Pháp: “...Từ nay, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu cao cấp nhất của nước Pháp mở rộng cửa đón cán bộ, thực tập sinh, sinh viên Việt Nam...”.

Đơn vị tôi được cử một người đi thi. Đó là chị Nguyễn Thị Kim Oanh, thời điểm đó đã có bằng thạc sĩ Pháp ngữ ở Việt Nam. Ngay khi nhận được đặc quyền đi thi để sang Pháp học, chị Oanh đã chủ động đề nghị nhường cho tôi đặc quyền này, với lý do chị cần ôn luyện thêm, mà người được đề cử phải chắc chắn thi đỗ, giành được suất học bổng quý giá. Không phụ lòng chị cùng lãnh đạo cơ quan, tôi đã trúng tuyển  (cùng hai đồng nghiệp khác trong Bộ). Tôi vẫn ghi sâu ân tình của chị Oanh.

Dù trong thư giới thiệu của Đại sứ Blanchemaison ký ghi rõ mục đích, yêu cầu và thời gian đào tạo với chúng tôi, nhưng ban đầu, Trung tâm Thực tập sinh của Pháp không nhiệt tình như cách mà ngài Đại sứ gửi gắm. Chúng tôi đã phải dần tháo gỡ những khó khăn để biến cơ hội hiếm hoi đó thành hiện thực.

Hôm nay, tôi vẫn chân thành biết ơn hành động tiên phong bỏ cấm vận của Chính phủ Pháp và trân trọng cơ hội đào tạo mà nước Pháp đã dành cho chúng tôi. Cố Hiệu Trưởng Trường Cao học Thương mại Pháp (Hautes Etudes Commerciales), Michel Faucon, trực tiếp sang Việt Nam đánh giá lại trình độ và nhận chúng tôi vào học. Giáo sư, Trưởng khoa của Trường Jean Benjamin Stora đã nhận làm giáo sư đỡ đầu chúng tôi. Cả hai ông đều là người vừa rất tận tình, vừa rất nghiêm khắc. Chúng tôi cũng tự hào khi những nỗ lực của cá nhân đã nhân thêm nhiều lần giá trị của những cơ hội có được, với tâm nguyện được phụng sự Tổ quốc.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển và Tổng giám đốc WTO, ông Pascal Lamy trao đổi bộ văn kiện Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại đa phương lớn nhất hành tinh.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển và Tổng giám đốc WTO, ông Pascal Lamy trao đổi bộ văn kiện Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại đa phương lớn nhất hành tinh.

Một kỷ niệm nhỏ, nhưng đầy ý nghĩa tôi xin được nhắc đến ở đây. Đó là khi kết thúc bài giảng đầu tiên, môn kế toán tổng hợp, trong ngày học đầu tiên của chúng tôi, giáo sư người Pháp đã chủ động đề nghị dùng xe cá nhân đưa chúng tôi về cư xá cách trường 20 km. Trên đường về, thầy đã dừng xe - trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi - mua tặng mỗi người một chiếc đồng hồ. Thầy giải thích rằng, ông đội ơn và kính trọng giáo sư Đặng, người thầy gốc Việt đã dạy thầy nên người. Thầy muốn thể hiện tình cảm với Giáo sư Đặng bằng cách đối xử đặc biệt với chúng tôi - với tư cách là đồng bào của giáo sư Đặng. Câu chuyện nhỏ mà đầy ý nghĩa giáo dục về Tổ quốc, về đồng bào với mỗi chúng tôi!

Với những gì gặt hái được qua 2 năm tu nghiệp, khi trở về, chúng tôi đã có thể góp sức cho công việc chung. Ví dụ, tại những hội nghị ngành, hội thảo quốc tế được tổ chức trong những năm từ 1993, 1996, 1998, tôi đã mạnh dạn nêu ra, phân tích, tổng hợp những tác động phụ của cách tiếp cận luận thuyết lợi thế cạnh tranh dựa vào thâm dụng lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên thô; những rủi ro đó liên quan tới nhập khẩu công nghệ lạc hậu, cần ít vốn, hàm lượng tri thức thấp đi cùng với dịch chuyển đầu tư từ các nước Đông Nam Á, Trung Quốc…; dự báo hay đưa ra thước đo về sự vận động của các dòng chảy đầu tư sang thâm dụng vốn, công nghệ và tri thức gắn với trình độ tổ chức và quản lý của thể chế và doanh nghiệp… Những luận điểm đó, đến hôm nay vẫn còn giá trị.

Mối duyên với WTO

Cơ may - mối duyên giữa tôi với WTO được nhen nhóm từ một sự tình cờ. Vào một ngày tháng 3/1993, Bộ Thương mại lần đầu tiên tổ chức hội thảo về thị trường chung châu Âu (Single Market), một vấn đề rất mới. Các diễn giả sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Pháp, yêu cầu dịch song song. Là cán bộ ngành kinh tế đối ngoại, tôi được thuê làm phiên dịch chính, với cả hai thứ tiếng. Cùng chia sẻ nhiệm vụ còn có hai anh, trong số rất ít những người đã tốt nghiệp thạc sỹ ở Australia mới về.

Các thành viên Việt Nam tham gia đàm phán gia nhập WTO.
Các thành viên Việt Nam tham gia đàm phán gia nhập WTO.

Thời kỳ này, đất nước đang còn bị bao vây, cấm vận, những khái niệm về hội nhập kinh tế thuận lợi, tự do hóa thương mại khi đó còn rất lạ lẫm. Tôi nhận dịch với hai mục đích: trước là được trải nghiệm và sau là có thu nhập phụ. Nhận thức về quản lý công vụ khi đó còn rất nặng nề, nguyên tắc bao trùm là “chỉ được làm những gì đã được cho phép rõ ràng”. Việc nhận dịch phục vụ một đơn vị khác (dù là cùng Bộ) cũng vẫn… nhạy cảm. Do vậy, tôi làm đơn xin nghỉ phép hai ngày để đi dịch. Khi đang dịch, tôi được đồng nghiệp thông báo thủ trưởng đơn vị tôi cho người đi tìm tôi về “để kỷ luật vì đã tự động đi dịch bên ngoài”.

Hai người cùng dịch tuy rất giỏi tiếng Anh, nhưng không chuyển tải được nội dung chuyên môn, nên gánh nặng của hai ngày hội thảo dồn cho tôi. Rất nỗ lực, tôi cũng hoàn thành công việc. Sau Hội thảo, anh Nguyễn Thanh Bình, người bên Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đồng thời là một dịch giả giỏi đã nhận xét thẳng thắn, “so với chuẩn mực dịch chuyên nghiệp thì còn nhiều khiếm khuyết, nhưng với một phiên dịch không chuyên, dịch như vậy là quá tốt”. Tôi rất quý trọng đánh giá này của anh.

Điều bất ngờ là, mối liên hệ có được qua cuộc hội thảo đó đã đem đến vinh hạnh lớn cho tôi sau này. Ngày 10/9/1994, được Bộ trưởng chấp nhận, anh Trần Đức Minh, lãnh đạo Vụ Âu - Mỹ và các Tổ chức quốc tế (Bộ Thương mại) đã giao cho tôi “chuyên trách hồ sơ Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại - GATT, sau này là WTO”, đồng thời được cử đi học khóa I của WTO về chính sách và đàm phán thương mại tại Học viện WTO, Geneve.

Cuối năm 1993, ông Trần Văn Thình (Paul Tran), đã 20 năm làm Đại sứ của Liên minh châu Âu tại GATT (1974-1994) sang Việt Nam thuyết giảng về GATT và nền kinh tế mềm. Tôi cũng được dự các buổi thuyết trình của ông mà chẳng hiểu được bao nhiêu. Paul Tran khuyến nghị Chính phủ ta nên nộp đơn gia nhập GATT ngay, sẽ tránh được sự áp đặt các điều kiện gia nhập, do trình độ phát triển của ta khi đó tương đương mức chậm phát triển. Sau này, khi đàm phán gia nhập WTO quá khó khăn, nhiều người có ý tiếc nuối, nhưng khách quan mà nói, khi đó ta chưa được các nước phương Tây hoàn toàn bỏ cấm vận kinh tế thì dù có nộp đơn xin gia nhập GATT, tiến trình gia nhập cũng chẳng đơn giản.

Tháng 10/1993, trong một chuyến công du Hoa Kỳ, tại Ohio, Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết gặp Bộ trưởng Thương mại Hoa kỳ Ronald Harmon Brown và được thông báo rằng, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ sớm công bố dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam. Sau đó, Tổng thống Bill Clinton công bố quyết định của Chính phủ Hoa Kỳ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam vào tháng 2/1994.

Đầu năm 1994, cố Giám đốc điều hành GATT, ông Arthur Dunkel thăm Việt Nam. Ông Dunkel khuyên ta sớm quyết định gia nhập GATT, như là chuẩn mực cải cách thể chế kinh tế và mở cửa thị trường quốc tế.

Phó trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh và tác giả chia sẻ sau Lễ ký kết Việt Nam gia nhập WTO, ngày 7/11/2006 tại Geneve.
Phó trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh và tác giả chia sẻ sau Lễ ký kết Việt Nam gia nhập WTO, ngày 7/11/2006 tại Geneve.

Tháng 10/1994, Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết được Chính phủ ủy nhiệm ký trình Bộ Chính trị chủ trương nộp đơn gia nhập GATT. Bộ trưởng kể lại rằng, tại phiên họp nghe Chính phủ tường trình xin phê duyệt chủ trương này, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã có ý kiến rằng “GATT đã bao gồm gần 90 thành viên đang phát triển, Việt Nam cũng là một nước đang phát triển, cần gia nhập”; cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng cũng cho rằng “gia nhập sẽ nóng đấy, nhưng không được để sức nóng đốt cháy mình”. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản thông báo kết luận của Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương Việt Nam gia nhập GATT. Ngay sau đó, ngày 24/12/1994, Bộ trưởng Lê Văn Triết ký đơn gia nhập Hiệp định chung về Thuế quan và Thương  mại.

Khi đó, lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ cho chúng tôi rất ngắn gọn “chủ động hoàn toàn để triển khai nhiệm vụ”. Trước 600 trang văn kiện của 26 hiệp định chính trong WTO, hàng ngàn nội dung các cam kết về quyền và nghĩa vụ trong bối cảnh nền quản lý của Việt Nam còn tập trung, bao cấp, tâm trạng của tôi chuyển từ hồ hởi sang “bối rối như chim sẻ lạc giữa rừng sâu, núi cao”. Tôi nhận thức rõ rằng, gia nhập WTO trước hết là công cuộc cải cách theo chuẩn mực chung thế giới, tiếp thu thành quả về quản lý và hợp tác của nhân loại, đồng thời mở rộng cơ hội thị trường. Nhưng bắt đầu từ đâu?

Đến hôm nay, tôi ý thức sâu sắc rằng, được gánh vác trọng trách ngay từ thuở ban đầu triển khai công tác hội nhập kinh tế, gia nhập WTO là một vinh dự lớn, với những cảm xúc nhiều cung bậc để hôm nay được gợi nhớ. Nhiều gai góc được ghi nhận. Những yếu kém, những bước hẫng hụt, thậm chí thất bại còn đó, chứ không chỉ có những mảng hồng rực rỡ dễ thấy.

Việc Việt Nam gia nhập WTO được trình ra Phiên họp đầu tiên của WTO, họp ngày 30/1/1995. Đại Hội đồng quyết định thành lập Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO, cần giới thiệu người làm chủ tịch Ban công tác.

Khi đó, quyết định lựa chọn chủ tịch Ban công tác được căn cứ vào các tiêu chí như là người có uy tín, thân thiện với Việt Nam cả về quan hệ cá nhân và quan hệ giữa hai nước. Ngài Ho Seung, Nguyên Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Hàn Quốc tại Geneve, khi đó đã nghỉ hưu được Việt Nam giới thiệu và được Phiên họp Đại hội đồng WTO lần thứ 2 thông qua ngày 30/4/1995. Cùng ngày hôm đó, tôi kết thúc khóa học về Chính sách và Đàm phán Thương mại, trở về Việt Nam nhận nhiệm vụ chuyên trách WTO.

Nhân sự chuyên trách của Bộ Kinh tế đối ngoại (sau này là Bộ Thương mại) về các tổ chức quốc tế (phụ trách cả WTO, ASEAN, các tổ chức kinh tế quốc tế khác và kiêm công tác xúc tiến thương mại) chỉ vẻn vẹn 3 người; lãnh đạo Vụ phụ trách, chỉ đạo trực tiếp là ông Trần Đức Minh. Ngày 8/11/1995, Vụ Chính sách thương mại đa biên được thành lập, với chỉ 6 nhân sự (Trần Đức Minh, Đào Huy Giám, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Hữu Anh,  Nguyễn Văn Hà và Nguyễn Văn Bình thì đang đi học), cùng một nhân viên tình nguyện làm việc chờ thi tuyển. Chúng tôi dồn sức triển khai công việc của Bộ đầu mối kinh tế của Việt Nam trong ASEAN. Ngày 4 và 5/10/1995, chỉ với hai nhân sự, tôi cùng nhân viên tình nguyện chủ trì tổ chức Hội nghị quan chức kinh tế cao cấp trù bị - ASEAN PRECOM và một hội thảo liền kề tại TP.HCM. Đây là lần đầu Việt Nam đảm nhận trách nhiệm như vậy. Với nguồn cán bộ hội nhập khan hiếm, đảm nhiệm đan xen nhiều mảng như ASEAN, APEC, chúng tôi phải oằn mình trên nhiều mặt trận cùng lúc. Do vậy, ngày 8/12/1995, vừa kịp hoàn tất phiên họp các quan chức cao cấp kinh tế ASEAN, trình kết quả lên các Bộ trưởng kinh tế ASEAN (Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Bangkok Summit 1995), tôi lập tức rời Bangkok về Hà Nội để ngày 10/12/1995 đón và làm việc với Đoàn WTO vào Việt Nam hướng dẫn thủ tục đàm phán gia nhập.

Xuất phát điểm từ một nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung; cơ chế, chính sách thương mại của Việt Nam có rất nhiều khác biệt, thậm chí đối lập với kinh tế thị trường, với hệ thống thương mại đa biên đã trải qua 50 năm xây dựng, dựa trên các nguyên tắc pháp lý ràng buộc chặt chẽ. Do vậy, tiến trình gia nhập WTO vô cùng khó khăn phức tạp.

Bộ Kinh tế đối ngoại khi đó (sau này là Bộ Thương mại) được giao nhiệm vụ đầu mối. Nhiều tài liệu diễn giải như tổng luận về WTO, tổng luận về  ASEAN, chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế, giải trình về những vấn đề đặt ra để gia nhập WTO… đã được Vụ Chính sách thương mại đa biên biên soạn và trình các cấp lãnh đạo, phổ biến đến cộng đồng.

Tổ công tác liên bộ về WTO được hình thành với đại diện 4 bộ, rồi  mở rộng gồm đại diện cấp vụ của hơn 10 bộ, ngành, một số ủy ban thuộc Quốc Hội do Bộ Thương mại làm đầu mối. Nhiệm vụ đầu tiên là tổng hợp hiện trạng chính sách, xây dựng “Bị Vong lục/Bản Ghi nhớ về Chế độ ngoại thương Việt Nam”. Lần đầu tiên chúng ta tổng hợp chính sách có hệ thống theo chuẩn mực quốc tế. Tài liệu ghi nhận toàn diện về thể chế và nội dung pháp lý, chính sách kinh tế thương mại của nước ta tại thời điểm nộp đơn gia nhập WTO. Tổ công tác cam kết với Chính phủ sẽ hoàn thành và đệ trình tài liệu quan trọng này ra WTO, trước ngày 10/8/1996.

Với nội dung bao trùm, phức tạp, hoàn toàn mới với tất cả các cấp, các ngành, sự nhiệt thành, quyết tâm, vô tư, gắn bó và năng động của tất cả hơn 30 thành viên trong Tổ công tác là nhân tố góp phần đem lại thành công và rất đáng khâm phục.

Cơ chế táo bạo, tiên tiến trong tuyển nhân sự

Trong những năm 1996 - 2001, Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã cho phép Vụ Chính sách Thương mại đa biên  tự chủ - chủ trì tuyển cán bộ; việc thi tuyển hoàn toàn sử dụng Anh ngữ cùng kỹ năng vi tính được thực hiện rất chặt chẽ, công minh, chuẩn mực đã tuyển chọn được nhân lực cần có, nhiều người sau này đã trưởng thành, giữ những cương vị công tác quan trọng. Cả tập thể kính trọng và biết ơn Bộ trưởng Lê Văn Triết cùng Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã áp dụng cơ chế đặc thù tuyển dụng công chức để đáp ứng yêu cầu của công việc. Thêm vào đó, Vụ đã thành công trong việc tạo nên môi trường làm việc với thách thức tăng dần, nuôi dưỡng sức vươn lên, đồng thời không quên chăm lo quyền lợi của anh em đến mức cao nhất. Nhiều đồng nghiệp đã chia sẻ với chúng tôi về sự bất ngờ khi có được một môi trường làm việc mà trước đó không hình dung được, anh em phát huy tốt khả năng cá nhân, tự hào là đã được cống hiến hết mình và đã thành công.

Tôi còn nhớ, khi đó, mạng Internet còn yếu, không thể chuyển thẳng sang WTO, Geneve, Thụy Sỹ bản Bị vong lục 171 trang. Cách duy nhất là Tổng cục Bưu điện chuyển tài liệu này sang một máy chủ do một nhóm Việt Kiều ở Australia mới đưa vào hoạt động ngay trước đó, để sau đó được chuyển tiếp đến WTO.

Trong giai đoạn 1997- 2001, Việt Nam trả lời 7.000 câu hỏi về chế độ ngoại thương trước khi đi vào đàm phán các nhân nhượng về điều kiện gia nhập.

Trong cơ chế WTO có yêu cầu giải trình về kinh tế tư nhân và quá trình tư nhân hóa. Nhưng ở ta khi đó, thuật ngữ tư nhân, tư nhân hóa rất nhạy cảm. Trong văn bản, chúng được thay thế bằng cổ phần và cổ phần hóa. Trong giờ giải lao, Trưởng đoàn phía Hoa Kỳ hỏi thuật ngữ “cổ phần hóa” nghĩa là gì. Trưởng đoàn ta trả lời: “doanh nghiệp nhà nước được định giá và chia thành cổ phần, cổ phần được chia cho người lao động hay bán lại cho công chúng”. Trưởng đoàn Hoa kỳ đáp lại rằng: “vậy thì cổ phần hóa chính là tư nhân hóa chứ còn gì nữa”.

Năm 2000, tôi được chuyển sang làm công tác khác, không còn chuyên trách WTO. Năm 2001, tôi được điều động nhận làm Trưởng Thương vụ, sau là Trưởng Cơ quan Đại diện bên cạnh WTO.

Một vài bài học kinh nghiệm

Một trong những bài học là việc lựa chọn vị trí Chủ tịch Ban Công tác Việt Nam gia nhập WTO. Sau khi ông Ho Seung không đảm nhận vị trí này, việc tìm kiếm một chủ tịch mới được đặt ra. Chỉ thị của Chính phủ khi đó là “nhân sỹ có uy tín, đang làm việc tại Geneve, cá nhân ứng viên có thái độ thân thiện với Việt Nam và đất nước của người đó cũng có thái độ chính trị thân thiện với Việt Nam”. Tên của vài vị trưởng đoàn các nước tại Geneve được lựa chọn theo các tiêu chí trên được đề cử để thảo luận.

Trong suốt chặng đường hội nhập đó, điều làm chúng tôi cảm động nhất là sự đóng góp quên mình của những chuyên viên bình thường, chẳng mấy ai nhắc đến...

Cá nhân tôi có cách khác. Đơn giản là, tiến trình đàm phán dựa trên hai căn cứ, một là các chuẩn mực của WTO và hai là quyền lợi quốc gia của mỗi bên tham gia đàm phán. Chính khách thân thiện thường mềm mỏng, ít cương quyết. Không chỉ rõ cho ta là cần làm gì để gia nhập và không cương quyết bác bỏ những đòi hỏi của các thành viên nhưng vô lý, trái với chuẩn mực của WTO, nhất là với thành viên có vị thế mạnh trong hệ thống. Do vậy, cần tìm người có vị thế đặc biệt, có trình độ uyên thâm, có thái độ cương quyết, biết thuyết phục dựa trên các chuẩn mực chung.

Tôi trao đổi quan điểm này với Tham tán Bộ Tài chính Đặng Ngọc Minh và được đồng tình. Chúng tôi báo cáo Trưởng Đoàn đàm phán Lương Văn Tự; sau khi được Phó thủ tướng Vũ Khoan chấp nhận.

Để thực hiện chủ trương mới, chúng tôi tiếp cận Đại sứ Trưởng phái đoàn Thuỵ Sỹ tại WTO Pierre-Louis Girard, là người đáp ứng cao nhất các tiêu chí nêu trên. Khi chúng tôi tiếp cận, ông Girard cho biết, mặc dù rất bận, lại thêm việc vợ ông đang nằm viện, nhưng với thiện cảm với Việt Nam, ông có thể nhận lời, với điều kiện, Việt Nam cam kết hoàn thành tiến trình đàm phán trong 6 tháng tới. Không kịp cam kết như vậy, chúng tôi chuyển hướng sang phương án 2 - mời ngài Eirik Glenne, Trưởng phái đoàn Na Uy.

Tôi đề xuất mời ông Eirrik Glenne trước hết căn cứ vào truyền thống văn hóa của Na Uy trên nghị trường WTO, một quốc gia không lớn nhưng được coi là bé hạt tiêu, bản lĩnh, năng động, công bằng, hành động theo lẽ phải, bảo vệ lẽ phải.

Một ngày tháng 5/2005, nhân dịp Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ Lương Văn Tự đang làm việc tại Geneve, nhân danh Trưởng đoàn Lương Văn Tự, tôi mời Trưởng Phái đoàn Na Uy tại WTO ăn trưa tại khách sạn Intercontinental Geneve; Đại sứ Ngô Quang Xuân cùng dự. Sau khi trao đổi, ông Eirik Glenne đã nhận lời mời làm Chủ tịch Ban Công tác Việt Nam gia nhập WTO, với điều kiện được Oslo đồng ý. Việc lựa chọn Eirik Glenne đã góp một phần rất ý nghĩa để thúc đẩy tiến trình đàm phán gia nhập và bảo đảm để các cam kết gia nhập của ta gần nhất có thể với chuẩn mực của hệ thống WTO.

Trong suốt chặng đường hội nhập đó, điều làm chúng tôi cảm động nhất là sự đóng góp quên mình của những chuyên viên bình thường, chẳng mấy ai nhắc đến công việc lặng lẽ, chất lượng xuất sắc mà họ đã đóng góp cùng tình cảm chân thành, sâu đậm của bạn bè quốc tế. Đó là cố Giám đốc Điều hành GATT Arthur Dunkel, hai tháng trước khi qua đời (5/2005) vẫn chất vấn đồng nghiệp cũ tại WTO về những vướng mắc dẫn đến việc Việt Nam chưa được kết nạp; hay ông Arif Hussain, Vụ trưởng Vụ Kết nạp, đã rơm rớm nước mắt vui mừng khi Việt Nam hoàn thành tiến trình đàm phán. Với kỷ niệm đã gặp Bác Hồ khi Người sang thăm Ấn Độ, ông vẫn thầm tự nhận cho mình sứ mạng hoàn thành tiến trình Việt Nam gia nhập WTO… và còn nhiều bạn bè khác mà chúng tôi không kể hết trong dịp này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư