Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Người dân không muốn ăn bánh vẽ
Mạnh Bôn - 15/03/2015 14:50
 
Có quá nhiều chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, biên giới hải đảo, nhưng nguồn vốn vừa chậm, vừa thiếu. Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều ngày 13/3, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh thẳng thắn, nếu tình trạng này tiếp diến, người dân cho rằng họ chỉ được “Quốc hội, Chính phủ cho ăn… bánh vẽ”.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tỷ lệ đại biểu nữ: Quy định cứng hay mềm?
Vinh quang và trách nhiệm của Đảng
Một lòng theo Đảng

Trong các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn nổi bật nhất là Chương trình 135 được thực hiện từ năm 1999.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử

“Khi Nhà nước thực hiện Chương trình 135, đồng bào rất phấn khởi. Nhưng sau nhiều năm triển khai, nghiêm túc nhìn nhận vẫn còn rất nhiều địa phương chưa hết khó khăn, mới chỉ có 6% số đồng bào trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề. Liệu Chương trình này có thực hiện đúng lộ trình, có thực sự hiệu quả, có thực sự giúp đồng báo xóa đói, giảm nghèo”, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé băn khoăn.

Đại diện cho cử tri tỉnh Đăk Nông, Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh phản ánh, nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào nếu được thực hiện đúng thì rất hiệu quả, nhưng nguồn vốn lại vừa thiếu, vừa chậm.

“Ngay cả như Chương trình 135, năm 2014 tới tận tháng 9 các địa phương mới được phân bổ vốn. Phải chăng quá trình, thủ tục phân bổ vốn quá phức tạp khiến nguồn vốn được phân khai chậm?”, bà Hạnh đặt câu hỏi và lo ngại, vào cuối năm nay, nhiều chương trình, dự án kết thúc không biết sẽ tiếp tục triển khai thế nào.

Trong khi đó, đại diện cho cử tri khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, ông Trương Minh Chiến nêu thực trạng, mặc dù là “vựa lúa, vựa tôm cá” của cả nước nhưng tỷ lệ xã nghèo vẫn thuộc hàng cao nhất cả nước.

Trước đây mỗi xã nghèo hàng năm được ngân sách nhà nước hỗ trợ 1 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng và 300 triệu đồng để hỗ trợ sản xuất, nhưng từ năm 2014, Chính phủ đã quyết định nâng mức hỗ trợ lên 150%, thế nhưng việc nâng mức hỗ trợ chỉ là “cái bánh vẽ” vì mức hỗ trợ vẫn giữ nguyên như cũ, ông Chiến nói.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ông Giàng Seo Phử chia sẻ, băn khoăn, tâm tư của đại biểu, cử tri cũng là nỗi trăn trở của ông từ khi ông làm Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (năm 1997) đến nay, nhưng chưa có dịp để giãi bày, vì chưa có cơ hội đăng đàn phát biểu trên diễn đàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trình bày về việc nguồn vốn của Chương trình 135 và nhiều chương trình, dự án khác không đủ, ông Phử thẳng thắn rằng, trách nhiệm một phần của Quốc hội và chính đại biểu Quốc hội, phần khác là do mấy năm nay ngân sách nhà nước gặp khó khăn, vốn đầu tư bị cắt giảm nên nhiều chương trình, dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước bị cắt giảm, tạm hoãn, tạm dừng chứ không riêng gì chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

“Khi xây dựng chính sách, cơ chế, Chính phủ đề nghị cấp đủ vốn cho các chương trình, dự án ra Quốc hội, nhưng sau khi thảo luận, Quốc hội cắt giảm nguồn vốn đầu tư nên nhiều chương trình, dự án chỉ đạt được 64% mục tiêu đặt ra ban đầu”, ông Phử giải thích và khẳng định, nếu thấy cần phải thực hiện đúng mục tiêu, thời gian các chương trình thì Quốc hội có thể phân bổ vốn đầy đủ, kịp thời vì đây là quyền của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội.

“Thực tế nhiều chương trình, dự án được xây dựng theo “nhiệm kỳ”. Đầu kỳ, Quốc hội yêu cầu xây dựng và thông qua hàng loạt dự án, chương trình, nhưng phải mất 2-3 năm xây dựng cơ chế, chính sách, tìm nguồn. Và như vậy, thực chất chương trình, dự án chỉ triển khai trong 1-2 năm là kết thúc nên hiệu quả không đạt được như mong muốn”, ông Phử nói thêm.

Một giải pháp đột phá được ông Giàng Seo Phử đề nghị là hàng năm, Quốc hội dành 2-3% phần Ngân sách Trung ương chi cho địa phương để thực hiện các chương trình, mục tiêu, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện theo hình thức cuốn chiếu chứ không triển khai đồng loạt như hiện nay dẫn đến chồng chéo, lãng phí, giảm hiệu quả.

Không đồng tình với ông Giàng Seo Phử, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé “vặn” lại: “Bộ trưởng cho rằng việc cắt giảm nguồn vốn, phân bổ vốn chậm lỗi là do Quốc hội là không chính xác vì Quốc hội chỉ thảo luận và thông qua trên cơ sở tờ trình của Chính phủ mà cốt lõi là sự tham mưu của các bộ ngành trong đó có Ủy ban Dân tộc”.

“Chính sách ban hành nhưng không có nguồn để thực hiện. Câu trả lời của Bộ trưởng là hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng. Tôi không đồng tình với câu trả lời này vì trên thực tế, cơ chế, chính sách nào cũng do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trên cơ sở tham mưu của các bộ ngành. Như vậy thì chất lượng tham mưu, xây dựng văn bản, cơ chế, chính sách có vấn đề”, Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh tiếp lời bà Kim Bé.

“Chính phủ trình Quốc hội cho chủ trương xây dựng sân bay hàng chục tỷ USD (Cảng hàng không quốc tế Long Thành) thì chứng minh rất thuyết phục về khả năng huy động nguồn vốn, cả vốn từ ngân sách nhà nước, trong khi đồng bào, người dân vùng khó khăn thiếu vốn thì lại bảo là không có nguồn. Không có nguồn nhưng vẫn ban hành các cơ chế, chính sách thì đồng bào cho rằng, Chính phủ cho họ ăn… bánh vẽ”, ông Sinh phát biểu.

Đi tiếp xúc cử tri, Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) kể, nhiều trưởng thôn, trưởng bản nói rằng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hiện nay… nhiều hơn cả bò.

“Đúng là chính sách hỗ trợ của chúng ta hiện nay quá nhiều, quá tản mạn, quá nhiều đầu mối thực hiện dẫn đến sử dụng nguồn vốn kém hiệu quả, lãng phí và còn có thể thất thoát”, ông Lê Nam nhấn mạnh và bày tỏ sự đồng tình với Chủ nhiệm Giàng Seo Phử là thay vì để nhiều đầu mối quản lý nên giao cho chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý vốn và họ là người quyết định đầu tư vào đâu, đầu tư bao nhiêu, miễn là có hiệu quả.

“Hơn ai hết, chủ tịch tỉnh là người biết chính xác địa phương mình cần đầu tư vào đâu trước, đầu tư bao nhiêu, đầu tư ở chỗ nào có hiệu quả vì thế nên giao vốn cho họ thay vì quy định đồng này mua mắn, đồng này mua rau như hiện nay”, ông Nam đề xuất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư