Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Người khuyết tật làm chủ doanh nghiệp: Doanh nghiệp của chúng tôi không khuyết tật
Hải Hà - 16/04/2018 16:32
 
Hầu hết doanh nghiệp tham dự Chương trình “Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật” do Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức sáng nay, 16/4 đều mong muốn được nhìn nhận và đánh giá công bằng, bởi họ là người khuyết tật điều hành doanh nghiệp chứ doanh nghiệp của họ không khuyết tật.
.
Doanh nghiệp người khuyết tật không đòi hỏi xã hội bảo trợ, họ chỉ cần được nhìn nhận công bằng.

“Chủ doanh nghiệp là người khuyết tật điều hành doanh nghiệp bình thường chứ không phải doanh nghiệp khuyết tật. Chúng tôi hoạt động, làm việc và đóng thuế như những doanh nghiệp thông thường nên điều chúng tôi mong đợi ở xã hội là sự ghi nhận, đánh giá như những doanh nghiệp thông thường, còn việc chúng tôi làm được đến đâu và làm được hay chưa đó lại là câu chuyện tạo nên giá trị doanh nghiệp”, ông  Nguyễn Quốc Toàn, Giám đốc Công ty TNHH NQT (Phú Thọ) nói.

Ví dụ nhãn tiền nhất được ông Toàn dẫn chứng trên thực tế hoạt động là các tổ chức ngân hàng khi đánh giá quá trình cho vay thường nhìn vào người chủ doanh nghiệp thay vì nhìn vào tiềm lực doanh nghiệp.

“Điều này là dễ hiểu vì họ luôn đặt lo ngại về tính rủi ro cao. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng tôi gửi tiền qua ngân hàng cũng gặp vô số khó khăn với hàng loạt giấy tờ. Tôi chỉ mong nếu có ưu tiên thì các tổ chức tài chính nên tạo ra quy trình chuẩn dành riêng cho một số đối tượng đặc biệt vì chúng tôi không thể đi lại dễ dàng như những người bình thường”, ông Toàn nói.

Khi được hỏi những ưu đãi từ luật dành cho doanh nghiệp người khuyết tật, ông Toàn khẳng định, những ưu đãi này không rõ ràng trên thực tế.

Trong khi đó, ông Lưu Đức Hiền, Giám đốc Công ty TNHH của Người khuyết tật (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho rằng: “Dường như xã hội đang nhìn nhận những người khiếm khuyết về sức khỏe đều là những người khiếm khuyết về trí tuệ. Những người khuyết tật thường được nhìn nhận bởi sự bảo trợ thay vì hỗ trợ. Là doanh nghiệp của người khuyết tật, tôi chỉ mong được xã hội hỗ trợ. Nếu có thể thì Luật nên ưu tiên những ngành nghề kinh doanh nhất định vì người khuyết tật thường chỉ chọn một số nghề để phát triển kinh doanh. Cùng với đó, trước khi mua sản phẩm gì, người tiêu dùng nên cân nhắc, xem xét và nếu có thể thì ưu tiên sản phẩm của chúng tôi hơn. Đó cũng là những hỗ trợ tốt nhất dành cho chúng tôi rồi”, ông Hiền nói.

Được biết, đây là lần đầu tiên Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam khởi xướng và tổ chức Chương trình “Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật”. Tham dự chương trình này có 48 đại biểu người khuyết tật là các giám đốc doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất được lựa chọn từ 37 tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Biểu dương hơn 100 doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động là người khuyết tật
Chiều nay, 30/11, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức hội nghị biểu dương cho hơn 100 doanh nghiệp, tổ chức ưu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư