Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Người xưa “tinh giản biên chế”, lựa chọn nhân tài thế nào?
Mạnh Bôn - 21/02/2018 07:41
 
Năm 2018 được xác định là năm đột phá trong tinh giản biên chế theo nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Nhưng ai giảm, giảm ai, giảm thế nào, có thể học hỏi gì từ cách làm của tiền nhân? TS. Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chia sẻ với Báo Đầu tư về quan chế của các triều đại phong kiến Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, cha ông ta xưa đã tổ chức bộ máy quản lý thế nào, có phải đối mặt với tình trạng dư thừa cán bộ như hiện nay không?

Bộ máy cai trị ngày xưa của triều đình phong kiến Việt Nam bắt đầu được hình thành từ năm 905, khi Khúc Thừa Dụ đặt cơ sở cho nền độc lập dân tộc và được hoàn thiện dần, cho đến đời vua Lê Thánh Tông, bộ máy cai trị cơ bản được hoàn thiện, làm nền tảng cho các triều đại phong kiến sau này áp dụng.

Ở trung ương, bộ máy cai trị của triều đình chỉ gồm có 6 bộ được đặt ra từ thời Lê Thánh Tông. Trong đó, Bộ Lại giữ việc quan tước, phong tước, thuyên chuyển, lựa chọn, xét công, bãi truất và thăng thưởng, bổ sung quan lại, cung cấp người cho các nha môn. Bộ Lễ giữ việc lễ nghi, khánh tiết, yến tiệc; trông coi việc tổ chức và kiểm soát vấn đề thi cử, chọn người tài ra giúp triều đình... Bộ Hộ giữ việc ruộng đất, nhân khẩu, kho tàng, thuế khoá, điền thổ, hộ khẩu, điều hòa nguồn của cải nhà nước. Bộ Binh giữ việc binh nhung, quân cấm vệ, xe ngựa, khí giới, bảo vệ biên giới và nơi hiểm yếu. Bộ Hình giữ luật lệnh, hình phạt án tù, ngục tụng và xét xử người phạm tội. Bộ Công coi việc xây dựng thành hào, cầu cống đường sá.

Cần nghiên cứu, học tập ông cha, đặc biệt là  không nhất thiết tổ chức bộ máy trên có gì,  dưới có nấy kiểu hình trụ hiện nay.
.

Nói chung, tổ chức bộ máy cai trị của các triều đình phong kiến Việt Nam đơn giản, gọn nhẹ nhưng khoa học, không phải ở cấp trung ương có cơ quan nào thì cấp địa phương có cơ quan tương ứng.

Xã hội ngày nay khác rất xa so với trước đây nên tất nhiên không thể áp dụng máy móc các mô hình xưa. Tuy vậy, cần nghiên cứu, học tập ông cha, đặc biệt là không nhất thiết tổ chức bộ máy trên có gì, dưới có nấy kiểu hình trụ hiện nay. Tổ chức bộ máy quản lý theo hình trụ khiến việc tinh giản biên chế rất khó khăn và là một trong những nguyên nhân thừa ra gần 58.000 biên chế sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nếu phân định rõ công việc, theo tính chất mỗi ngành, địa bàn, mạnh dạn sáp nhập các sở, phòng ở cấp dưới, tại địa phương, tôi tin rằng, không chỉ giảm được 10% số công chức, viên chức vào năm 2021, mà có thể giảm nhiều hơn nữa.

Vấn đề là ai giảm? Giảm ai?

Ai giảm thì đã có địa chỉ rõ ràng rồi. Theo Nghị quyết 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm tinh giản biên chế, lấy kết quả thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá tín nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Còn giảm ai thì phải có bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá kết quả, hiệu quả thực thi công vụ, nhiệm vụ của công chức, viên chức. Không phải bây giờ, mà các triều đình phong kiến ngày xưa cũng thực hiện tinh giản biên chế, được gọi là “giản thái”, có nghĩa là thải bỏ hàng năm. Theo đó, hàng năm đều tổ chức sát hạch quan lại các cấp, nếu phát hiện ra vị quan lại nào không còn xứng với nhiệm vụ, vi phạm đạo đức, nhẹ thì giáng chức, nặng thì lột mũ áo. Bây giờ với hàng triệu công chức, viên chức thì khó có thể tổ chức sát hạch nên cần bộ tiêu chí đánh giá kết quả, hiệu quả thực thi công vụ, “soi” vào đó, công chức, viên chức nào thấy không đủ, không đạt thì phải “giản thái”.

Hiện nay, việc bình bầu thi đua cuối năm còn hình thức, nể nang, “dĩ hòa vi quý”, có đi có lại, theo kiểu tôi bầu cho anh thì anh bầu cho tôi, hầu hết đều tiên tiến, ít cũng là hoàn thành nhiệm vụ. Công chức, viên chức hoàn thành nhiệm vụ thì có lý do gì để tinh giản họ?

Giản thái, nhưng cha ông ta vẫn phải chọn người tài đức ra phò vua, giúp nước. Thưa ông, các triều đình phong kiến ngày xưa chọn người tài đức bằng cách nào?

Tuyển chọn người tài thứ nhất là qua thi tuyển. Trải qua 3 kỳ thi gồm thi Hương, thi Hội, thi Đình, ai đỗ đạt cao được bổ nhiệm giữ trọng trách cao hơn bất kể tuổi tác chứ không kiểu “ngồi lâu lên lão làng”, dăm năm lên một chức, thậm chí có không ít người thăng tiến thần tốc trong khi không chứng tỏ được tài năng, đức độ, khiến dư luận xã hội bức xúc.

Cần nghiên cứu, học tập ông cha, đặc biệt là không nhất thiết tổ chức bộ máy trên có gì, dưới có nấy kiểu hình trụ hiện nay.

Cách tuyển chọn thứ hai là qua tiến cử. Bất cứ ai có danh phận khi phát hiện ra người có đủ đức, tài đều có trách nhiệm tiến cử cho triều đình. Người tiến cử phải chịu trách nhiệm về tài đức của người được tiến cử. Nếu tiến cử đúng người thì được ban thưởng, tiến cử nhầm người nhẹ thì bị quở phạt, giáng cấp, giáng chức; nặng thì bị giáng xuống làm thứ dân, phải đi phu phen, lao dịch khổ sai, thậm chí còn bị mất mạng.

Thứ ba là bảo cử, nghĩa là đề cử có bảo đảm người thay thế mình khi về hưu hoặc chuyển sang làm việc khác. Quy định của bảo cử cũng nghiêm minh như tiến cử nên không vị quan nào dám bảo cử người không xứng đáng.

Cách chọn người tài cuối cùng của ông cha ta là tập ấm. Theo đó, con cháu của các bậc khai quốc công thần, người có công rất lớn với triều đình, với đất nước, có đủ đức tài, được học hành đến nơi đến chốn thì được phép tập sự làm quan. Đây là sự ưu đãi đặc biệt của triều đình với với những người có công lao rất lớn, nhưng cũng rất hạn chế sử dụng tuyển chọn người tài bằng cách này.

Học tập ông cha, chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức bây giờ cũng sử dụng hình thức thi tuyển, đề cử người thay thế, thậm chí không ít nơi còn sử dụng cả hình thức “tập ấm”, thưa ông?

Không chỉ học tập ông cha trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức mà quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm bây giờ về hình thức còn chặt chẽ hơn ngày xưa rất nhiều. Quy trình đề cử người thay thế cũng rất chặt chẽ, nhưng cuối cùng vẫn lọt những người cùng ê kíp, “đàn em” hoặc các mối quan hệ dây mơ rễ má chằng chịt với người đề cử.

Hình thức tập ấm về lý thuyết thì không còn, nhưng trên thực tế, tình trạng quan đầu ngành, đầu tỉnh, đầu huyện đưa con cháu, anh em, họ hàng vào làm hợp đồng, tập sự, sau đó dần có đủ các loại bằng cấp và các bước cho “đúng quy trình” trước khi được tuyển dụng, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn.

Tình trạng “tập ấm”, thi cử, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức hiện nay có lỗ hổng rất lớn, hệ quả của nó là tình trạng “cả họ làm quan” xảy ra ở không ít địa phương.

Về vấn đề này, mới đây, tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải đặt câu hỏi: “Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại sai?”. Còn trước đó, ngay trong Phiên họp thường kỳ Chính phủ đầu tiên của Nhiệm kỳ XIV, bàn về công tác cán bộ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất day dứt: “Chúng ta tìm người tài, chứ không tìm người nhà”.

Thưa ông, người xưa ứng xử vấn đề này thế nào?

Việc tuyển dụng, bổ nhiệm anh em, họ hàng, người cùng “cánh hẩu” là hành vi tham nhũng quyền lực, còn nguy hiểm hơn tham nhũng của cải, vật chất. Để ngăn chặn tình trạng này, các triều đại phong kiến Việt Nam đã áp dụng luật bất thành văn gọi là luật hồi tỵ.

Hồi tỵ có nghĩa là né tránh, tránh mặt, theo đó, những người thân như anh em, cha con, thầy trò, đồng môn, đồng hương… không được làm quan cùng một chỗ. Quy định này nhằm ngăn chặn người có quyền lợi dụng chức vụ nâng đỡ, bao che hoặc câu kết với người thân thực hiện các hành vi tiêu cực trong việc quản lý các cơ quan công quyền.

Dưới thời vua Lê Thánh Tông, hồi tỵ được luật hóa trong Luật Hồng Đức, quy định, quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; không được tậu đất, làm nhà nơi mình làm quan lớn; không được dùng người cùng quê giúp việc.

Sang đời vua Minh Mạng, luật hồi tỵ còn triệt để hơn, được mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng, như  quan lại nếu có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ phải đổi đi chỗ khác; không được làm quan ở quê vợ, nơi đi học lúc còn trẻ; người có quan hệ thông gia, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ. Luật hồi tỵ đời vua Minh Mạng còn nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng... trong địa hạt cai quản.

Ngày nay, việc tuyển dụng, bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức được quy định ở Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tất nhiên, bây giờ không thể áp dụng luật hồi tỵ một cách cứng nhắc vì xã hội ngày nay khác rất xa so với trước đây, nhưng rõ ràng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng là công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư