Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nguồn hàng đáng giá cho những thương vụ M&A bom tấn
Hữu Tuấn - 09/08/2017 06:58
 
Khoảng 15-20 tỷ USD từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, sự trỗi dậy mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân và “điểm rơi” thoái vốn của các quỹ đầu tư sẽ là những “món ngon” cho thị trường mua bán, sáp nhập (M&A).
TIN LIÊN QUAN

Thị trường M&A Việt Nam đã cán mốc kỷ lục, đạt quy mô chưa từng có với 5,8 tỷ USD trong năm 2016. 6 tháng đầu năm 2017, trước sự chững lại của thị trường, đã xuất hiện mối lo ngại rằng, quy mô thị trường M&A 2017 sẽ khó vượt mốc 5 tỷ USD. Tuy nhiên, Công ty Kiểm toán KPMG dự báo, thị trường M&A trong 6 tháng cuối năm 2017 sẽ sôi động hơn với một loạt giao dịch “bom tấn”.

Ông Lê Viết Anh Phong, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn tài chính doanh nghiệp của Deloitte Việt Nam nhận xét, tuy giá trị giao dịch 6 tháng đầu năm chưa có dấu hiệu đột phá, nhưng thị trường vẫn rất sôi động với số lượng lớn các thương vụ tập trung ở quy mô nhỏ và vừa. Nếu các giao dịch lớn liên quan đến Sabeco, Habeco, Vinamilk, ACV, PVOil… được “kích nổ” theo đúng tiến độ, thị trường M&A Việt Nam năm 2017 hoàn toàn có thể vượt qua kỷ lục giá trị của năm 2016.

Thị trường M&A Việt đang chờ đón một trong những giao dịch “bom tấn” liên quan đến Habeco. Trong ảnh, nhà máy của Habeco tại Mê Linh (Vĩnh Phúc). Ảnh: Đức Thanh
Thị trường M&A Việt đang chờ đón một trong những giao dịch “bom tấn” liên quan đến Habeco. Trong ảnh, nhà máy của Habeco tại Mê Linh (Vĩnh Phúc). Ảnh: Đức Thanh

Nguồn hàng phong phú chính là lý do mà trong 2 kịch bản thị trường M&A 2017-2018 do Nhóm Nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam đưa ra, có kịch bản lạc quan dự báo rằng, nếu có sự đột biến ở những thương vụ lớn từ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, thì giá trị hoàn toàn có thể đạt mốc 6,2 - 6,5 tỷ USD hoặc cao hơn.

15-20 tỷ USD từ thoái vốn, cổ phần hoá

Ước tính việc đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có thể tạo ra nguồn thu từ 15-20 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2020. Thời điểm này, các nhà đầu tư đang ngóng chờ việc thoái vốn, cổ phần hoá thuộc Quyết định 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016, đặc biệt là 106 doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ nắm giữ trên 50% và 31 doanh nghiệp giảm mức nắm giữ dưới mức 50% vốn sở hữu.

Chính phủ đang đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), các tổng công ty phát điện 1, 2, 3 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam), Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil - thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO), Tổng công ty Sông Đà (Bộ Xây dựng)… Đây sẽ là nguồn hàng lớn trong tương lai gần. 

Mới đây nhất, Quyết định số 1001/QĐ-TTg về phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đến năm 2010 vừa được Thủ tướng phê duyệt trong tháng 7/2017 đã công bố kế hoạch thoái vốn tại 137 doanh nghiệp nhà nước trong năm 2017. Danh sách này có những cái tên đáng chú ý như Vinamilk (bán 39%), Traphaco (bán 36%), Dược Hậu Giang (bán 43%), Xuất nhập khẩu Sa Giang (bán 50%), Nhựa Thiếu niên Tiền phong (bán 37%), Nhựa Bình Minh (30%), Tập đoàn Bảo Việt (3%), Ngân hàng TMCP Quân đội (bán 10%)...

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) phân tích, nếu Nhà nước bán hết 35% cổ phần tại 4 doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên; 49,1% cổ phần tại 27 doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ  và bán toàn bộ cổ phần nhà nước tại 106 doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, thì giá trị sổ sách phần vốn nhà nước thu hồi có thể trên 296.000 tỷ đồng.

“Mỏ vàng” từ khối doanh nghiệp tư nhân

Xu hướng trỗi dậy mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân đang tạo ra “mỏ vàng” cho hoạt động M&A. Các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân đã lựa chọn M&A như một chiến lược quan trọng để đảm bảo tăng trưởng bền vững, mở rộng quy mô. Có thể nhìn thấy điều này qua những câu chuyện tăng trưởng từ các thương vụ M&A của Masan, Kinh Đô, Hùng Vương, Vingroup…

Ở lĩnh vực bất động sản, thời gian qua đã chứng kiến sự bùng nổ của hàng loạt tên tuổi lớn như Vingroup, Sun Group, FLC, Bitexco, Novaland, Đất Xanh, An Gia, Phát Đạt, Thủ Đức House… Trong 5 năm gần đây, khối doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực bất động sản đã thực hiện hàng trăm thương vụ M&A, qua đó thâu tóm và phát triển hàng loạt dự án bất động sản lên đến hàng chục tỷ USD.

Điển hình như Vingroup, chỉ riêng trong 2 năm 2014-2015, đã chi 1 tỷ USD mua lại cổ phần các công ty, dự án. Những tập đoàn lớn như Vingroup còn thông qua M&A mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang bán lẻ, nông nghiệp, giáo dục, vật liệu xây dựng…

Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, hàng loạt doanh nghiệp tư nhân, như: Masan, Kinh Đô, Hùng Vương…, đã thông qua M&A để thực hiện chiến lược tăng trưởng. Trong đó, Masan đã xây dựng thành công “đế chế” trong ngành hàng này bằng việc M&A hàng loạt doanh nghiệp như Vinacafe, Proconco, Anco, Vĩnh Hảo…, hình thành chuỗi sản phẩm thống trị ngành.

Ở lĩnh vực hàng không, “hiện tượng” Vietjet vẫn đang còn nóng hổi. Rõ ràng, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang thực sự trở thành một lực lượng mạnh mẽ trong nền kinh tế, lớn mạnh nhanh chóng qua M&A. Theo đó, ngành sữa có Vinamilk; ngành công nghệ thông tin có FPT, VNG, Thế giới Di động, Vccorp, CMC…; ngành sản xuất có Hoà Phát; ngành ô tô có Trường Hải; ngành tài chính - ngân hàng có Sacombank, SCB…

Tất cả những doanh nghiệp này đều đóng vai trò là người mua và người bán. Đặc biệt, họ đã và đang đóng vai trò quan trọng, “tham chiến” với khối ngoại, để mua lại cổ phần, tài sản thoái vốn, cổ phần hoá từ khối doanh nghiệp nhà nước.

Chu kỳ thoái vốn của các quỹ

Theo ông Trần Vinh Dự, Phó tổng giám đốc phụ trách tư vấn M&A Ernst and Young Việt Nam, năm 2017-2018 là đến chu kỳ thoái vốn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường trong giai đoạn trước và sau năm 2010, khi khủng hoảng xảy ra và họ đã mua được lượng lớn cổ phần doanh nghiệp với giá thấp.

Thông thường sau khoảng 5 - 7 năm đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam, các quỹ đầu tư ngoại sẽ thoái vốn để thu về lợi nhuận và thay chân họ thường là các quỹ đầu tư tư nhân. Ví dụ nóng hổi nhất là đầu tháng 8/2017, Mekong Capital công bố Quỹ thành viên Vietnam Azalea (VAF) hoàn thành việc thoái 75% vốn đầu tư vào Tập đoàn Lộc Trời, với lợi nhuận gộp là 3,5x và IRR đạt khoảng 18,6% trên những cổ phiếu được Quỹ bán ra sau hơn 8 năm nắm giữ. Một trong những lý do được VAF đưa ra để giải thích cho việc thoái vốn khỏi Lộc Trời là quỹ này tới thời hạn đóng quỹ (10 năm).

Ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc Quỹ đầu tư DFJV (thuộc VinaCapital) cho biết, DFJV đang rốt ráo chốt các khoản đầu tư mà Quỹ đã rót trước đây. “Nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến các khoản đầu tư vào các công ty Yeah1, Chicilon Media, GAPIT và khả năng thoái vốn cho các công ty này là tốt”, ông Phúc cho biết.

Có thể thấy, thời điểm nửa cuối 2017 và năm 2018, thị trường M&A sẽ xuất hiện một lượng lớn hàng hoá từ các xu hướng nêu trên. Đó sẽ là những “món ngon” hấp dẫn cho các nhà đầu tư muốn thâm nhập hoặc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Điều này hứa hẹn một “mùa” M&A sôi động với nhiều thương vụ “bom tấn” trong thời gian tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư