Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nguồn nhân lực R&D - cơ hội hay thách thức
Thanh Tùng - 12/10/2016 06:52
 
Các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực R&D tại Việt Nam đang có những lợi thế rất lớn: chính sách ưu đãi đầu tư, nguồn nhân lực dồi dào, chi phí nhân công cạnh tranh... Tuy nhiên, liệu Việt Nam có thể là thung lũng Silicon thứ 2 trên thế giới hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực nước nhà.
TIN LIÊN QUAN

Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam đang là thị trường đầu tư hấp dẫn cho các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là các dự án thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Một vài cái tên như Panasonic, Yamaha, GE hay Bosch đều đã xây dựng các trung tâm R&D của mình tại Việt Nam từ nhiều năm trước. Gần đây nhất, Samsung đã được duyệt dự án xây dựng trung tâm R&D trị giá 300 triệu USD tại Hà Nội. Dự án sau khi hoàn thành sẽ là trung tâm R&D lớn nhất của hãng tại Đông Nam Á. 

Có thể thấy, các dự án R&D tại Việt Nam đang gia tăng cả về số lượng và quy mô. Một phần không nhỏ là nhờ những chính sách ưu đãi mà gần đây Chính phủ Việt Nam đã dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, như ưu đãi thuế, quyền lợi sử dụng đất… Tất cả đang góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển, đặc biệt là tạo ra nhiều việc làm cho nguồn nhân lực địa phương. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực như công nghệ cao, chất lượng của nguồn nhân lực Việt Nam lại đang chưa đáp ứng được những yêu cầu từ các nhà đầu tư.

Theo ông Jong Hyun Park, Tổng giám đốc DASAN Việt Nam, công ty cung cấp các giải pháp và thiết bị mạng viễn thông của Mỹ, khi thành lập trung tâm R&D tại Việt Nam 6 năm về trước, một trong những thách thức lớn nhất mà ông gặp phải là chất lượng nguồn nhân lực thấp, không đáp ứng được công việc. Các sinh viên mới ra trường của Việt Nam thông minh, có kiến thức tốt, ham học hỏi, nhưng lại thiếu các kỹ năng và kinh nghiệm thực tế, dẫn đến khả năng bắt nhịp công việc chậm chạp và không hiệu quả.

Trung tâm R&D của DASA Việt Nam
Trung tâm R&D của DASAN Việt Nam

Ông Jong Hyun Park cũng cho biết, đối với ngành công nghệ nền tảng (fundamental technology), lý do đến từ nhiều phía: thứ nhất, trường học chưa có điều kiện tiếp cận các thiết bị công nghệ hiện đại, luôn thay đổi và tốn chi phí đầu tư; thứ hai, công nghệ nền tảng chưa nhận được sự quan tâm phát triển và đào tạo trong các trường đại học kỹ thuật, bởi nó không phải là ngành “hot” nên ít sinh viên đăng ký học. Tuy nhiên, với bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển thành một cường quốc về công nghệ như Hàn Quốc, thì công nghệ nền tảng là sự đầu tư đúng nhất. Nó là cốt lõi, là nền móng cho sự phát triển ngành công nghệ thông tin nước nhà.

Thực tế, một số nhà đầu tư nước ngoài đã nhận  thấy điều này và đã hợp tác với các trường đại học công nghệ nhằm tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận, trải nghiệm và phát triển kỹ năng thực tiễn thông qua các khóa đào tạo chuyên ngành bổ sung, các chương trình tài trợ học bổng, thực tập sinh tại trung tâm R&D của doanh nghiệp...

Từ năm 2010, khi lần đầu tiên vào Việt Nam, DASAN Network Solutions đã hợp tác với Trường đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo và đưa các sinh viên vào thực tập, sau đó giữ lại làm tại trung tâm R&D của Công ty ở Việt Nam. Chỉ sau vài năm, các thế hệ kỹ sư đầu tiên tại Trung tâm đã được đánh giá có kỹ năng cao hơn hẳn so với các kỹ sư R&D của Tập đoàn tại Trung Quốc và Ấn Độ. Họ đã dần trở thành các kỹ sư phát triển chính cho nhiều dự án của Tập đoàn về thiết kế mạng lõi, công nghệ thế hệ mới N-GPON, hay các dự án phát triển thiết bị IoT (Internet of Things). Tính đến tháng 6/2016, hơn 500.000 thiết bị GPON được triển khai tại Việt Nam do các kỹ sư người Việt của trung tâm R&D tại DASAN Việt Nam phát triển. Ngoài ra, họ cũng được giao hỗ trợ các dự án nước ngoài như phát triển GPON cho nhà mạng LG+ của Hàn Quốc và Softbank của Nhật Bản.

Hiện nay, khi bảo mật và an toàn thông tin mạng đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam, DASAN Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đào tạo cho các kỹ sư người Việt tự phát triển các giải pháp và thiết bị mạng 100%, hạn chế sự phụ thuộc vào bất kỳ một quốc gia hay công nghệ nào. Năm ngoái, các kỹ sư R&D người Việt tại DASAN Việt Nam đã phát triển thành công GPON có khả năng tương thích với các thiết bị mạng của các nhà cung cấp khác nhau cho nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng như Viettel, VTVcab…

Trong năm 2016, DASAN Việt Nam cũng có kế hoạch tăng gấp đôi nguồn nhân lực của trung tâm R&D tại Việt Nam và trong tương lai sẽ trở thành trung tâm R&D chính của Tập đoàn, nghiên cứu và phát triển các công nghệ bảo mật và các thiết bị IoT. Để thực hiện được điều này, việc chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo các sinh viên mới ra trường là mục tiêu hàng đầu của các kỹ sư R&D người Việt lâu năm tại DASAN Việt Nam.

Vừa qua, các kỹ sư R&D của DASAN Việt Nam đã tổ chức thành công khóa học Linux miễn phí lần thứ 4 dành cho các sinh viên công nghệ tại Hà Nội để giúp họ trang bị các kiến thức thực tiễn cũng như có cơ hội tích lũy kinh nghiệm khi ra trường. “Đây là khóa học rất hữu ích cho những sinh viên công nghệ điện tử như chúng em. Các kỹ sư của DASAN Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn mà trên ghế nhà trường chúng em chưa có cơ hội được trải nghiệm. Em hy vọng rằng, trong tương lai sẽ có nhiều khóa học như thế này để sinh viên sắp ra trường như chúng em có thể bắt tay ngay vào công việc”, Nguyễn Quang Thắng, sinh viên năm thứ 4, Khoa Điện tử và Công nghệ, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư