Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nguy cơ chậm giải ngân ODA vì thiếu vốn kế hoạch
Hà Nguyễn - 11/08/2017 08:17
 
Không còn được giải ngân theo tiến độ thực hiện và cam kết trong hiệp định như trước đây, các dự án ODA có nguy cơ chậm giải ngân vì thiếu vốn kế hoạch nước ngoài.

Chậm giải ngân vì thiếu vốn kế hoạch

Các dự án Xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM tuyến 1, đoạn Bến Thành - Suối Tiên; Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Bến Lức - Long Thành; Phát triển cơ sở hạ tầng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện) đều là dự án quan trọng quốc gia, cần sớm được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án này có thể bị đình trệ vì lý do nghe rất… nghịch lý, đó là giải ngân… nhanh quá. Nói một cách chính xác, các dự án này có khả năng giải ngân lớn hơn mức phân bổ vốn đã được cấp có thẩm quyền quyết định, dẫn tới tình trạng không đủ vốn để thanh toán và triển khai tiếp.

Nhà ga Bến Thành thuộc Dự án Xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM tuyến 1, đoạn Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Đức Thanh
Nhà ga Bến Thành thuộc Dự án Xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM tuyến 1, đoạn Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Đức Thanh

Câu chuyện bắt đầu từ những quy định mới của Luật Ngân sách nhà nước 2015 và Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước của Quốc hội. Theo đó, các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán; các bộ, ngành, địa phương chỉ được thực hiện và giải ngân theo kế hoạch vốn đã giao. Theo quy định này, bắt đầu từ năm 2016, các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi không còn được giải ngân theo tiến độ thực hiện và cam kết trong hiệp định như trước đây.

Thế là, vướng mắc bắt đầu nảy sinh. Mức phân bổ vốn cho các bộ, ngành, địa phương không đủ để giải ngân hết cho các dự án, dẫn tới một số dự án thiếu vốn triển khai. “Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2017 của các dự án là hơn 11.000 tỷ đồng”, ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Cả 3 dự án quan trọng nói trên, cũng như các dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Chuyển đổi nông nghiệp bền vững… đều thuộc diện thiếu vốn kế hoạch để triển khai và có nhu cầu bổ sung vốn kế hoạch lớn.

“Tính chất của công tác lập kế hoạch giải ngân vốn ODA đã thay đổi, chỉ còn được giải ngân theo kế hoạch, nhưng vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị khi xây dựng kế hoạch lại chưa cao, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng chung. Nhiều bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch vốn nước ngoài chưa sát với tiến độ thực hiện của dự án, có trường hợp còn tổng hợp sót dự án, nên không dự kiến đủ mức vốn cho các dự án kết thúc trong năm kế hoạch”, báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề cập một thực tế như vậy.

Lại cũng có trường hợp, như Dự án Thoát nước và Xử lý nước thải TP. Hà Giang, Dự án Cung cấp phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của Bộ Công an…, được ký kết sau thời điểm lập kế hoạch năm 2017, nên chưa kịp bổ sung kế hoạch vốn để triển khai. Theo quy định, phải sau 1 năm nữa, các dự án này mới được bố trí vào kế hoạch vốn nước ngoài.

Gỡ rối cách nào?

Một nguyên nhân nữa khiến giải ngân vốn ODA chậm là cơ chế điều chuyển, bổ sung kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi theo các quy định mới tại Luật Đầu tư công đã chặt chẽ hơn rất nhiều. Theo đó, muốn điều chuyển vốn kế hoạch hàng năm giữa các dự án trong nội bộ cơ quan chủ quản phải chờ Thủ tướng Chính phủ thông qua. Còn nếu là điều chuyển vốn liên bộ, ngành, thì thẩm quyền thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Chỉ có một cách giải quyết vướng mắc là cho phép các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án trong tổng kế hoạch vốn đã được giao cho phù hợp với tiến độ của các dự án, ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án kết thúc trong năm 2017 và các dự án có tiến độ giải ngân tốt”, ông Lưu Quang Khánh đề xuất.

Cũng theo ông Khánh, trường hợp đã giải ngân hết số vốn nước ngoài đã được phê duyệt, nhưng vẫn có nhu cầu bổ sung vốn, các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép ứng trước kế hoạch trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020. Tất nhiên, điều kiện là phải đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước.

Các đề xuất trên đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã chấp thuận. Thậm chí, Thủ tướng đã nhấn mạnh việc đẩy mạnh phân cấp, giảm thủ tục phê duyệt; ủy quyền cho phép các bộ, ngành, địa phương chủ động chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án.

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan rà soát, tổng hợp các vướng mắc của Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn, đồng thời đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

TP.HCM: Ban hành Quy định về quản lý và sử dụng vốn ODA
UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư