Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Nguyễn Quang Thiều: Mất cây đa, bến nước... không lo ngại bằng "mất đại từ nhân xưng"
Ngọc Doanh - 12/02/2016 08:59
 
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, mất đi cây đa, chúng ta chưa mất đi văn hóa; mất đi bến nước, con đò, chúng ta cũng chưa mất đi văn hóa; ngôi nhà hai mái được thay thế bằng ngôi nhà tầng mái bằng, thậm chí, ngôi đình được thay thế bằng nhà văn hóa cũng không làm văn hóa mất đi, nhưng chúng ta sẽ thay đổi và sẽ tự đánh mất văn hóa cộng đồng khi đánh mất đại từ nhân xưng. Đại từ nhân xưng chia ngôi thứ, chia trên dưới, chia trái phải, chia nội ngoại, chia hàng xóm láng giềng…

Hân hoan với thành công của Đổi mới, tuyệt đối tin tưởng và coi bản chất nhân hậu của người dân Việt là tiền đề của thành công. Đó là quan điểm mà nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Phó tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư nhân Tết Bính Thân - cũng là thời điểm đất nước bước vào mùa Xuân thứ 30 của công cuộc Đổi mới. 

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, 30 năm trước, Đổi mới là mệnh lệnh của toàn dân tộc, nhưng hành trang để bước vào “trận đánh lớn thế kỷ” còn sơ sài, nên nhất thời có những lúc chúng ta rơi vào thế bị động và phần nào bị xô đẩy. Ông thấy ý kiến đó thế nào?

Trước tiên, cần phải khẳng định rằng, thành công của Đổi mới là hệ quả của một định hướng đúng, của sự đồng lòng và một quyết tâm sắt đá của dân tộc Việt.

Còn nói về hành trang của chúng ta để tham gia tiến trình Đổi mới, theo tôi, cần chia làm hai tầng riêng biệt.

nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Tầng thứ nhất, tôi tạm gọi là phần nổi, hay tầng kỹ thuật, đó là hạ tầng xã hội, giao thông, công nghệ, kỹ thuật và kể cả cách nhìn và đánh giá về kinh tế thị trường… thì thử hỏi, một dân tộc vừa trải qua hai cuộc kháng chiến kéo dài nhiều thập kỷ còn có gì đáng kể để làm hành trang, mà lại là hành trang cho một cuộc chơi lớn, cuộc chơi sinh tử cho một đất nước, một dân tộc! Không những vậy, tình hình quốc tế lúc đó rất không thuận lợi cho đất nước ta, càng làm cho tâm thế của người mới ốm dậy thêm mong manh.

Nếu hành trang chỉ là những thứ đó, thì quả là đáng lo lắng khi thấy một kẻ yếm thế tham gia cuộc chơi lớn, nhưng như trên tôi đã nói, tầng thứ hai mới là “món đồ” đáng kể trong hành trang của chúng ta. Đó là một sự chuẩn bị bền vững, mà theo tôi, không phải dân tộc nào cũng có được. Đó là nền tảng văn hóa, một khái niệm mà tôi đã từng đưa ra khi đăng đàn tại nhiều quốc gia - Minh triết Việt. Nền tảng được kế thừa từ truyền thống dựng nước và được hun đúc trong những tháng năm vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt.

Với tâm thế đó, trong suốt quá trình Đổi mới, chúng ta đã tìm ra những khoảng hở, những thiếu hụt để bù đắp cho phần kỹ thuật và nếu nhìn vào hạ tầng xã hội của những ngày sau 30 năm Đổi mới, tôi cho rằng, chiến lược đó đã dẫn chúng ta đến thành công.

Trong thực tế đổi mới của các quốc gia khác, có thể thấy, không ít trường hợp ngược lại với xuất phát điểm của chúng ta, đó là những quốc gia có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tốt hơn nhiều, thậm chí đã chạm ngưỡng hoàn hảo, nhưng chỉ trong khoảnh khắc không ý thức đúng về nền tảng văn hóa dân tộc đã khiến họ, thay vì tiến lên thì bị kéo thụt lùi hàng thập kỷ, thậm chí nhiều thập kỷ. Nếu nhìn sang các nước thành công trong đổi mới như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… thì thấy rằng, họ thành công do đổi mới dựa trên nền tảng của dân tộc.

Tôi cho rằng, với hành trang giàu có đó, chúng ta đã tiếp cận cái mới một cách bình tĩnh, kỹ lưỡng và có lý giải để xác định được hướng đi chính xác cho tới ngày hôm nay. Vì vậy, theo tôi, ý kiến trên chỉ phản ánh bề nổi, còn trong sâu thẳm thì cần tiếp cận vấn đề theo một hướng sâu hơn, trên cơ sở hiểu được bản chất con người Việt.

Ông có thể nói rõ hơn về khái niệm “Minh triết Việt”, có vẻ như đây là một khái niệm… hơi trừu tượng?

“Minh triết Việt” không thể là trừu tượng nếu chịu để tâm quan sát kỹ những sinh hoạt văn hóa của người Việt. Có một loại hình nghệ thuật mà tôi đã từng nói chuyện ở nhiều nơi trên thế giới, đó là rối nước - loại hình nghệ thuật đặc trưng của Việt Nam, bởi nó khác biệt với tất cả các loại hình sân khấu truyền thống khác trên thế giới. Sự khác biệt của loại hình này được thể hiện trong quan điểm về vũ trụ, về mô hình xã hội và về nhân sinh quan của người Việt.

Tại các quốc gia phong kiến, xã hội được phân thành các tầng với trên cùng là thánh thần, sau đó là vua - chúa, dưới đó là con người, lớp cuối cùng là thiên nhiên, muông thú, cây cỏ. Nhưng trong rối nước, tất cả vật chất trong vũ trụ đều hòa quyện với nhau, ở đó, thánh thần, vua chúa, người lao động rồi cả trâu, bò, lợn, gà… quần tụ và nhuyễn lại trong một môi trường chung nhất, quan trọng nhất với sự sống - NƯỚC. Tuy nhiên, hòa quyện nhưng không lẫn lộn; hòa đồng nhưng vẫn thể hiện tôn ti. Đó là biểu hiện tư tưởng, quan điểm, thái độ ứng xử của người Việt đối với tất cả mọi thứ trong vũ trụ.

Ai đã đi xem biểu diễn rối nước đều nhận ra rằng, trong loại hình nghệ thuật này, không có chỗ cho nỗi phiền muộn, không có nỗi sợ hãi, chỉ có niềm vui hòa đồng. Phải lưu ý thêm rằng, thời điểm rối nước ra đời đã cách đây 10 thế kỷ, những khuôn mẫu về tôn ti trật tự xã hội hoàn toàn cứng nhắc trong một xã hội phong kiến nặng nề khi đó, mới thấy được ý nghĩa của việc đưa vị vua, thánh thần vào thế giới nước, con cá trong thế giới nước, con vịt cũng trong thế giới đó.

Theo tôi, với những người dân Việt cổ, triết lý của loại hình nghệ thuật này thể hiện ở chỗ, dẫu có là thánh thần, hay vua chúa cũng có thể hòa quyện được trong nước - vật chất cội nguồn của cuộc sống.

Như vậy, có thể thấy, sự khác biệt được đẩy lên tới mức thánh thần - con vịt, vua chúa - anh cu Tễu, nhưng nhất định giữa chúng phải có một mối liên hệ, mà là mối liên hệ hữu cơ, nếu vì sự hòa đồng, vì mục đích làm cho cuộc sống hạnh phúc.

Chính minh triết như vậy đã khiến những bỡ ngỡ, lạ lẫm về thể chế kinh tế, về công nghệ, kỹ thuật mà chúng ta phải đối mặt trong quá trình Đổi mới, nếu vì một mục tiêu đề ra là vì cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc, thì nhất định chúng ta tìm ra được mối liên hệ hữu cơ nào đó và hệ quả tất yếu là sự hòa quyện.

Thưa ông, thành tựu của Đổi mới là không thể phủ nhận, nhưng kèm với đó lại là mối lo ngại rằng, có vẻ như đó đây có sự “hao hụt” của văn hóa, của tình người?

Trở lại thời điểm khi chúng ta bắt đầu công cuộc Đổi mới, khi mọi người đang hăng say với những con đường hàng tỷ đô, với những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với những công xưởng hoành tráng… và khi đời sống vật chất có những thay đổi cơ bản, thì một bộ phận dân chúng thoát nghèo đi liền với việc ly khai cái bản ngã của mình. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng tạo nên những hậu quả ngoài mong đợi, đó là sự biến chất của một bộ phận dân chúng, nhưng tôi không chấp nhận quan điểm về sự “hao hụt” văn hóa và tình người.

Theo tôi, tệ nạn tham nhũng trở nên tràn lan, côn đồ lộng hành, bàng quan, lãnh đạm với đồng bào trở thành hội chứng chung là sản phẩm không mong đợi của các cơ quan truyền thông… lá cải!

Thử hỏi, nếu tham nhũng tràn lan tới mức… ra ngõ gặp quan tham thì liệu có thể thành công trong Đổi mới để có được những thành tựu kinh tế - xã hội như hôm nay? Thử hỏi, nếu các băng nhóm côn đồ không bị các cơ quan bảo vệ pháp luật trấn áp, liệu con cháu chúng ta có dám tung tăng ra đường?

Nếu nói lãnh đạm, bàng quan với đồng bào thì những phong trào “lá lành đùm lá rách”, “chung tay với đồng bào vùng lũ” và các chương trình học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, các chuyến hàng từ thiện lên vùng cao, các chương trình chung tay với biển đảo… làm sao có thể nhận được sự hưởng ứng của đại đa số những người dân Việt? Trong mỗi ngôi nhà Việt, ngày lại ngày, những người mẹ nói với các con về sự cần thiết phải học hành, về sự cần thiết trong chan hòa với bạn bè, về sự cần thiết phải kính trọng thầy cô..., đó chính là văn hóa và đó chính là nền tảng cho sự phát triển.

Tôi cho rằng, văn hóa được thể hiện qua sự phản ứng của toàn xã hội với những hiện tượng tiêu cực, những sắc thái biểu cảm tích cực của người dân sẽ quyết định và tạo đà cho sự tiến lên của xã hội.

Cũng cần phải nói thêm về vấn đề này. Khi mà những cây đa, bến nước, con đò, ngôi đình… dần biến mất trong đời sống, đó đây, đã xuất hiện những lo ngại về sự mất tích của cộng đồng văn hóa Việt. Tôi cho rằng, đó là những lo ngại đầy trách nhiệm, bởi trong lịch sử phát triển của dân tộc đã khẳng định tầm quan trọng của cộng đồng văn hóa Việt. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mất đi cây đa, chúng ta chưa mất đi văn hóa; mất đi bến nước, con đò, chúng ta cũng chưa mất đi văn hóa; ngôi nhà hai mái được thay thế bằng ngôi nhà tầng mái bằng, thậm chí, ngôi đình được thay thế bằng nhà văn hóa cũng không làm văn hóa mất đi, nhưng chúng ta sẽ thay đổi và sẽ tự đánh mất văn hóa cộng đồng khi đánh mất đại từ nhân xưng. Đại từ nhân xưng chia ngôi thứ, chia trên dưới, chia trái phải, chia nội ngoại, chia hàng xóm láng giềng… Khi một người không biết sử dụng đại từ nhân xưng đúng, tức là anh ta đã đánh mất gia phả của mình, đánh mất lịch sử của mình, khi đó, cho dù anh ta có sống dưới gốc đa, cho dù anh ta vẫn đi con đò trên bến sông có từ ngàn năm trước thì anh ta đã thực sự trở nên vô ảnh. Và cá nhân vô ảnh ắt sẽ dẫn tới cộng đồng vô ảnh.

Nhưng đổi mới là một quá trình liên tục và theo quy luật, qua điểm nút, lượng sẽ biến thành chất. Nguyễn Quang Thiều của năm 2016, hẳn không thể là ông Thiều của năm 1986, thưa ông?

Trong một cuộc hội thảo do Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam tổ chức, tôi có kể câu chuyện về đám mây như sau: Khi nhìn lên trời, ông cố nội tôi thấy một đám mây hình chiếc thuyền, cụ cúi xuống nói với người con trai: “Này con trai, hãy nhìn lên, có con thuyền lớn trên bầu trời”. Khi ông tôi nhìn lên thì gió đã thổi đẩy đám mây thành hình con cá, ông lại cúi xuống và bảo: “Này con trai, hãy nhìn con cá lớn đang bơi trên bầu trời”. Khi bố tôi nhìn lên, chỉ thấy một con chim lớn bay trên bầu trời. Cúi xuống ông nói với tôi: “Con trai, hãy nhìn con chim lớn bay trên bầu trời”… và cứ thế, cứ thế, nghĩa là trong những thời khắc, thế giới biến đổi và ngay cả đổi mới cũng biến đổi, nhưng điều quan trọng nhất, trong tiến trình bay, đám mây đã biến đổi và mỗi người trong những khoảnh khắc khác nhau sẽ cảm nhận được những hình thù khác nhau của đám mây. Tuy nhiên, quan trọng nhất, đám mây đó phải là đám mây, nó phải là tập hợp của hơi nước. Hình hài không thể quyết định bản chất.

Tôi cho rằng, chỉ cần chúng ta giữ được bản chất Việt, giữ được sự Minh triết Việt thì có thể bất chấp thời gian, bất chấp không gian và bất chấp tất cả mọi thử thách, trong tiềm thức của mỗi con người Việt sẽ vẫn có những con đò, những bến nước, gốc đa và ở những vị trí trang trọng, nhất định sẽ là những ngôi đình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng cội nguồn của Đổi mới
Trong suốt cuộc đời phụng sự cách mạng, phụng sự nhân dân của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thường trực một tư duy đổi mới, luôn thực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư