Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Nhà đầu tư ngoại rốt ráo triển khai dự án thực phẩm
Hồng Sơn - 13/08/2017 08:50
 
Nhà đầu tư ngoại được cấp phép đầu tư trong lĩnh vực thực phẩm tại TP.HCM đang rốt ráo triển khai dự án, trong khi không ít dự án khác cũng lọt “tầm ngắm” của đối tác ngoại.
TIN LIÊN QUAN

Rốt ráo làm dự án

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư giữa tuần này, ông Nguyễn Trường Bảo Khánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC, huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho biết, nhà đầu tư ngoại đang rốt ráo triển khai các dự án trong lĩnh vực thực phẩm đã được cấp phép vào khu công nghiệp này.

.
.

Cụ thể, Dự án của Công ty TNHH Thực phẩm quốc tế Nam Dương với vốn đầu tư đăng ký 25,6 triệu USD đã hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị, máy móc. Dự án được cấp phép vào cuối năm 2015, là liên doanh giữa Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) và Tập đoàn Wilmar International Limited (Singapore), với tỷ lệ góp vốn lần lượt là 49% và 51%. Dự án có mục tiêu hoạt động sản xuất các loại nước chấm và gia vị phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Việc đại gia này đầu tư tại Việt Nam và hợp tác với Saigon Co.op là nhằm tận dụng thế mạnh từ 2 phía để nâng cao sức cạnh tranh và độ phủ của thương hiệu Nam Dương cũng như đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành hàng nước chấm và gia vị.

“Dự án đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và dự kiến chính thức đi vào hoạt động sản xuất trong ít ngày tới”, ông Khánh cho biết.

Trong khi đó, dự án của Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre, với vốn đầu tư 53,3 triệu USD, được cấp phép cuối tháng 5/2017, cũng đang được nhà đầu tư khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định để chuẩn bị khởi công xây dựng.

Đây là một tổ hợp về chế biến thực phẩm trên diện tích 7,1 ha, gồm các hạng mục: nhà máy chế biến thực phẩm, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm an toàn thực phẩm hiện đại… Giai đoạn I của nhà máy có công suất thiết kế 12.000 tấn sản phẩm/năm, được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU...

Dự án do Tập đoàn CJ Cheiljedang (Hàn Quốc) đầu tư thông qua việc sở hữu 71,6% cổ phần của Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp cận thị trường thông qua việc thâu tóm hoặc nắm cổ phần chi phối các doanh nghiệp trong nước và dự báo xu hướng này còn tiếp diễn.

Gia tăng xu hướng M&A

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM nhìn nhận, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp cận thị trường thông qua việc thâu tóm hoặc nắm cổ phần chi phối các doanh nghiệp trong nước và dự báo xu hướng này còn tiếp diễn.

Ngoài 2 dự án nêu trên, gần đây, có thông tin cho biết, Tập đoàn CJ Cheiljedang đã chi khoảng 300 tỷ đồng để mua lại 64,9% cổ phần của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt. Dù các bên liên quan chưa chính thức công bố thông tin, song thương vụ này được nhiều người quan tâm, bởi Minh Đạt là một công ty chế biến thịt viên từ bò và cá, chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam, với doanh thu 300 tỷ đồng trong năm 2016.

Trước đó, cuối tháng 4/2017, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan công bố thông tin về việc Công ty đầu tư toàn cầu KKR đã hoàn tất việc giải ngân 250 triệu USD vào Masan Group và Masan Nutri-Science (doanh nghiệp phát triển nền tảng thịt và các sản phẩm từ thịt có thương hiệu của Masan).

Chia sẻ về xu hướng thu hút đầu tư thời gian tới, ông Nguyễn Tấn Phước, Phó ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cho biết, Thành phố có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư đối với dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu, đó là chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất - cao su, cơ khí và điện tử - công nghệ thông tin. Lĩnh vực chế biến lương thực - thực phẩm nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và thực tế nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư khá lớn đã được cấp phép.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư