Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nhà đầu tư ngoại săn cơ hội ở Việt Nam
Anh Hoa - 23/07/2015 14:52
 
Hầu hết các ngành, lĩnh vực ở Việt Nam đều tăng trưởng cao và hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng thiếu và yếu về thông tin của đối tác đang là một rào cản lớn. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quang Thuân, CEO CTCP Stoxplus.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn nhận tiềm năng thị trường Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Mặc dù có nhiều thăng trầm trong mấy năm trở lại đây, nhưng Việt Nam vẫn là nước được ưu tiên hàng đầu trong khối ASEAN.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài thì cơ hội đầu tư ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều. Không chỉ là khối doanh nghiệp (doanh nghiệp) tư nhân lớn mạnh dần lên và có xu hướng hợp nhất về quy mô doanh nghiệp trong nhiều ngành, mà còn cơ hội từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt là cơ hội từ việc thoái vốn và chủ trương Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối trong nhiều ngành của Việt Nam.

.
Ông Nguyễn Quang Thuân, CEO Stoxplus

 

Ngoài dòng vốn từ Nhật Bản trong những năm gần đây và các trung tâm tài chính trung gian trong khu vực như Singapore và Hồng Kông, chúng tôi thấy sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Đông Âu và các nước ASEAN, như Thái Lan, Malaysia. Dòng vốn này không chỉ thể hiện bằng việc các doanh nghiệp từ các khu vực này tập trung đầu tư qua hình thức vốn cổ phần (private equity) và mua bán - sáp nhập (M&A), mà còn đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Điểm nhấn năm nay và các năm tới sẽ là dòng vốn từ Hàn Quốc. Không chỉ các gương mặt cũ như Lotte, CJ hay SK, mà có rất nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ trong nhiều ngành khác nhau như hóa chất, nông nghiệp, thực phẩm... cũng đã và đang đầu tư vào Việt Nam.

Riêng với thị trường chứng khoán, chúng tôi cũng chứng kiến một số định chế tài chính lớn của Hàn Quốc đã tham gia mua lại công ty chứng khoán và đẩy mạnh các dịch vụ đầu tư cho các quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phần tư nhân.

Các nhà đầu tư tiếp cận thông tin vào Việt Nam đang gặp những thách thức gì?

Rất nhiều thách thức và những thách thức này phụ thuộc vào các giai đoạn khác nhau của nhà đầu tư khi tiếp cận thị trường Việt Nam. Ở giai đoạn tìm hiểu ban đầu và sàng lọc, nhà đầu tư trông đợi rất nhiều vào các đơn vị xúc tiến thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, cách thức đó đã không còn đáp ứng được bề sâu và chiều rộng của thông tin phục vụ các quyết định đầu tư, vì đầu tư vốn đòi hỏi phải có thông tin chính xác, có chọn lọc, nhanh chóng và được hỗ trợ bởi đội ngũ chuyên viên có nghề và am hiểu chuyên môn sâu rộng.

Ở giai đoạn đánh giá và tiếp cận doanh nghiệp Việt Nam, họ quan tâm không chỉ thông tin tài chính, mà cả các thông tin về ngành và thị trường. Đây là thách thức lớn do thông tin chủ yếu giới hạn ở các công ty niêm yết.

Đối với thông tin ngành thì quả thực chưa có đơn vị nào ở Việt Nam có đủ báo cáo phân tích ngành để giúp họ có cách nhìn trực diện, đầy đủ về thị trường và ngành mà họ nhắm tới. Một số báo cáo của các đơn vị nước ngoài như BMI, Euromonitor viết về Việt Nam và các ngành của Việt Nam, nhưng quả thực đó chỉ là các nghiên cứu sơ bộ và tổng hợp từ báo chí là chính.

Riêng với thông tin tài chính thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất kỹ tính. Họ quan tâm đến rất nhiều góc độ mà chúng ta thường không quan tâm lắm, như ai là đơn vị kiểm toán, ý kiến kiểm toán ra sao và tại sao doanh nghiệp đó lại có cơ cấu lợi nhuận khác với các doanh nghiệp cùng ngành ở Việt Nam hoặc trong khu vực…

Ở giai đoạn trước khi đàm phán thì họ quan tâm rất nhiều đến chất lượng quản trị doanh nghiệp và đội ngũ lãnh đạo. Có thể nói, chưa bao giờ nhu cầu thông tin về đối tác lại quan trọng như thế đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Chúng tôi tiếp xúc rất nhiều khách hàng thuê bao dữ liệu và nghiên cứu theo yêu cầu, họ đều có chung quan điểm là, ở Việt Nam, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng cao và hấp dẫn. Cái chính là chúng ta đang làm việc với ai, đối tác nào và có tin tưởng được không.

Vậy theo ông, các bên cần có cách tiếp cận thông tin như thế nào để cùng khai thác thị trường nhiều tiềm năng này?

Thực ra, vấn đề thông tin phục vụ đầu tư và kết nối thương mại đã được thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau do nhiều cơ quan, đơn vị và cả góc độ dịch vụ thị trường như xúc tiến đầu tư hay qua các công ty tư vấn đầu tư.

Với tư cách một đơn vị dữ liệu và thông tin thị trường, chúng tôi thấu hiểu nhu cầu của các nhóm nhà đầu tư nước ngoài khác nhau để có các nhóm sản phẩm phù hợp.

Ông thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm những gì ở thị trường chứng khoán Việt Nam?

Họ tìm kiếm tất cả các cơ hội đầu tư và hợp tác, đặc biệt sau quyết định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Dĩ nhiên, họ đang chờ đợi nhiều từ các thông tư hướng dẫn cũng như điều chỉnh luật chuyên ngành.

Nikkei và QUICK mua 35,1% cổ phần của StoxPlus
Công ty cổ phần StoxPlus (StoxPlus), vừa  ký kết hợp tác đầu tư chiến lược và kinh doanh với đối tác Nhật Bản là Tập đoàn Nikkei Inc. (Nikkei) và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư