Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Nhà mạng đua xuất khẩu thiết bị viễn thông
Hữu Tuấn - 24/02/2017 07:18
 
Viettel và VNPT đều đang có động thái chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu số lượng lớn các sản phẩm thiết bị công nghệ viễn thông do họ tự sản xuất.

VNPT đầu tư 3 nhà máy, đẩy mạnh xuất khẩu

Cách đây 2 năm, khối sản xuất công nghiệp của VNPT gần như chỉ là con số 0. Nhưng kết thúc năm 2016, VNPT đã đưa ra thị trường hơn 90.000 km cáp quang và 2,4 triệu sản phẩm gồm thiết bị đầu cuối quang, sản phẩm MyTV box,  đầu thu DVB-T2 và Smartbox, Smartphone, Wifi Access Points… có tổng giá trị lên tới gần 9.000 tỷ đồng.

Chưa hết, không chỉ tiêu thụ trong nước, các sản phẩm công nghiệp của VNPT còn được các đối tác nước ngoài đánh giá cao. Năm 2016, VNPT đã giới thiệu các sản phẩm công nghiệp của mình tới hơn 30 quốc gia khác nhau ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ... Kết thúc năm 2016, VNPT đã bước đầu xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài (Lào, Myanmar, Malaysia) với doanh thu đạt 4 triệu USD.

.
Trong 5 năm tới, VNPT sẽ cung cấp các sản phẩm sản xuất công nghiệp của mình đến các nhà mạng, đối tác tại ít nhất 10 quốc gia trên thế giới

Để đáp ứng nhu cầu sản phẩm, thiết bị cho thị trường trong nước và quốc tế, năm 2016, VNPT đã đầu tư, xây dựng thêm Nhà máy điện tử số 2 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc với dây chuyền, máy móc, trang thiết bị hiện đại, nâng công suất lên xấp xỉ 1 triệu sản phẩm/tháng. VNPT hiện còn một nhà máy tại 124 - Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội).

Mới đây nhất, ngày 18/2/2017, tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, VNPT đã tổ chức lễ khởi công Nhà máy sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang trên diện tích xây dựng hơn 5.000 m2, tổng mức đầu tư trên 287 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc mới đây với Tập đoàn VNPT, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã nêu bật tầm quan trọng của hoạt động đầu tư, mở rộng kinh doanh ra nước ngoài trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp phải vươn ra biển lớn, bởi “chỉ có vậy mới đưa được Việt Nam thành nước mạnh về công nghệ thông tin trong khu vực và thế giới".

Các hướng kinh doanh quốc tế khả thi là dịch vụ dữ liệu, băng rộng, vừa có thể đáp ứng ngay nhu cầu băng thông quốc tế của VNPT, vừa mang lại nguồn doanh thu ngày càng lớn và bền vững.  

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn VNPT, trong vòng 5 năm tới, VNPT đặt mục tiêu sẽ cung cấp các sản phẩm sản xuất công nghiệp của mình đến các nhà mạng, đối tác tại ít nhất 10 quốc gia, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Đồng thời, sẽ đa dạng hóa danh mục sản phẩm, phát triển các sản phẩm công nghệ phục vụ thị trường tiêu dùng, y tế, sức khỏe,... đặc biệt là các sản phẩm đón đầu xu hướng phát triển mạng lưới thiết bị kết nối...

Với những động thái trên, VNPT đang đặt mục tiêu  trở thành doanh nghiệp công nghệ công nghiệp hàng đầu Việt Nam và xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Viettel và “vũ khí mới”!

Từ cuối năm 2016 đến nay, trong 4 nhà mạng đang triển khai 4G thì Viettel là nhà mạng lắp đặt trạm 4G nhanh nhất. Chỉ trong vài tháng, Viettel đã lắp đặt được hơn 10.000 trạm BTS 4G và “bí quyết” của sự thần tốc này là Viettel đã tự sản xuất được cơ bản thiết bị 4G.

Các thiết bị do Viettel sản xuất cũng có  tính năng như của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Theo lãnh đạo Tập đoàn Viettel, quý I/2017, Viettel sẽ chính thức xuất khẩu, đưa thiết bị hạ tầng 4G vào sử dụng tại Lào, Đông Timor. Viettel cũng đang thúc đẩy nghiên cứu mạng lõi 4G và thiết bị truyền dẫn Site Router để đưa vào thử nghiệm, từ năm 2018, tiến hành thay thế thiết bị mạng lõi nhập ngoại bằng sản phẩm do Công ty sản xuất.

Theo ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel, Viettel bắt đầu tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thiết bị mạng viễn thông, lĩnh vực mà trên thế giới chỉ có 5 nhà cung cấp. Trong chiến lược mở rộng sang lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ làm chủ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất70% hạ tầng viễn thông của mình.

Trên thực tế, Viettel là nhà mạng đầu tiên, trước cả VNPT, bước vào sản xuất công nghiệp để xuất khẩu. Cuối tháng 10/2012, Viettel đã cho xuất xưởng loạt điện thoại di động Sumo 2G V6206 đầu tiên tự sản xuất trên dây chuyền của mình. Từ thời điểm đó đến nay, hơn 90% điện thoại, smartphone, cáp quang…do Viettel tự sản xuất đã được xuất khẩu sang các thị trường mà Viettel đang đầu tư.

Cả Viettel và VNPT đang tập trung mạnh mẽ cho nghiên cứu, sản xuất công nghiệp để hướng tới xuất khẩu. Thời gian tới, thị trường sẽ chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của 2 doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông lớn nhất thị trường. Điều này sẽ làm thay đổi cán cân xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông vốn đang có tỷ trọng lớn từ các tập đoàn nước ngoài như Samsung, LG…

Cạnh tranh ngang ngửa với các “trùm viễn thông” Viettel truyền cảm hứng, cổ vũ doanh nghiệp Việt
Việc Viettel cạnh tranh ngang ngửa và thậm chí giành phần thắng các “trùm viễn thông” thế giới đã tiếp thêm sức mạnh để doanh nghiệp Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư