Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nhà mạng dừng thanh toán thẻ cào cho game: Cuộc chơi thiếu công bằng?
Hữu Tuấn - 12/05/2018 08:12
 
Việc nhà mạng “cấm cửa” trung gian thanh toán Việt Nam dùng thẻ viễn thông thanh toán dịch vụ nội dung số, trong khi các quầy ứng dụng nước ngoài vẫn thoải mái thanh toán, tạo nên sự bất bình đẳng.

Muôn kiểu lách

Một tháng sau quyết định “tạm dừng thanh toán bằng thẻ cào cho các dịch vụ nội dung số”, các nhà phát hành game trong nước đang vật vã khổ sở vì bị cắt kênh thanh toán chủ lực, thì việc thanh toán thẻ cào cho game qua các cổng nước ngoài vẫn diễn ra hoàn toàn bình thường, thậm chí sôi động hơn cả trước đây.

Nhiều người dùng vẫn có thể thanh toán bằng thẻ cào cho game thông qua tin nhắn SMS (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Nhiều người dùng vẫn có thể thanh toán bằng thẻ cào cho game thông qua tin nhắn SMS (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Như Báo Đầu tư đã phản ánh, nhiều người dùng vẫn có thể thanh toán bằng thẻ cào cho game, truyền hình và một số dịch vụ khác, nhưng phải “vòng vèo” hơn và thông qua tin nhắn SMS. 

Tương tự, nhiều loại thẻ đang phổ biến trên thị trường như thẻ Garena, thuộc sở hữu và quản lý của Công ty Garena, một công ty đã được SEA mua lại hồi năm ngoái và thực chất đang là một doanh nghiệp của Singapore với phạm vi hoạt động toàn Đông Nam Á, hay thẻ Gate (trước đây thuộc sự quản lý của FPT Online, nhưng nay đã được chuyển sang cho MeCorp)… còn cho phép người dùng mua mã thẻ rồi nạp tiền vào tài khoản thông qua cách nhắn tin tới tổng đài nhà mạng (nhiều nhất là Viettel). 

Với hình thức nhắn tin này, người dùng sẽ phải chịu mức phí dịch vụ lên tới 15% mệnh giá thẻ, nhưng dù sao vẫn hơn là không thanh toán được. Do đó, các từ khóa tìm kiếm về nạp tiền tài khoản thông qua tin nhắn đã tăng vọt trên các công cụ tìm kiếm kể từ sau ngày 23/4. 

Theo các chuyên gia, thì đây là một cách thức lách khá khôn khéo. Nhìn sơ qua, nhiều người sẽ tưởng đây là thao tác nạp tiền vào tài khoản di động bình thường. Thế nhưng, về bản chất, người dùng đang dùng thẻ của nhà mạng để mua mệnh giá của một loại thẻ cào khác (trong trường hợp này là thẻ game). Theo quy định hiện hành, thẻ cào của nhà mạng chỉ được phép thanh toán cho các dịch vụ viễn thông di động, chứ không hề có quy định nào về việc nó được sử dụng để… mua một loại thẻ khác thay cho tiền mặt như vậy. Và tất nhiên, nếu như hành vi thanh toán bằng thẻ cào cho các dịch vụ ngoài viễn thông đang bị siết lại, thì việc dùng thẻ cào để mua các sản phẩm khác (dù là qua tin nhắn tới Tổng đài nhà mạng) cũng cần phải được quy định cụ thể là được phép hay không. 

Tiền chảy đi đâu?

Hiện nay, với một số dịch vụ nội dung số, trong đó có game online, người chơi vẫn có thể dùng thẻ cào để thanh toán cho game trên các quầy ứng dụng như Google Play, hay thanh toán thẻ Visa, Mastercard trên Apple App Store.

Chẳng hạn với Google Play, người chơi có thể nạp tiền cho game thông qua tài khoản điện thoại (đối với các thuê bao trả trước). Với cách thức đơn giản, người sử dụng có thể dễ dàng thanh toán bằng dịch vụ Viettel, MobiFone hay Vinaphone.

Thông tin đăng ký thanh toán sẽ ngay lập tức gửi đến tổng đài. Một tin nhắn xác nhận tài khoản đăng ký thanh toán thành công sẽ được nhà mạng gửi đến người chơi. 

Trên cổng ứng dụng của Google Play, có rất nhiều ứng dụng cũng như game trong nước đang cho phép sử dụng hình thức thanh toán này. Phóng viên đã kiểm tra thử việc nạp thẻ cào để thanh toán cho một số tựa game nổi tiếng như: Âm dương sư (Garena), Phong thần (VTC), Anh hùng xạ điêu (Gamota), Crossfire Legends (VNG), Vĩnh hằng kỷ nguyên (ASM Mobile)… Tất cả đều diễn ra suôn sẻ mà không gặp phải bất cứ sự hạn chế nào, như thể quyết định “tạm dừng thanh toán bằng thẻ cào cho các dịch vụ nội dung số” của nhà mạng chưa hề được ban hành vậy. 

Điều này rõ ràng đã tạo ra một sự bất công. Trong khi các cổng trung gian thanh toán trong nước bị nhà mạng sập cửa, thì các quầy ứng dụng nước ngoài vẫn có thể hoạt động một cách bình thường, không chịu bất cứ tác động nào. Nhiều doanh nghiệp nội dung số quy mô nhỏ chưa kịp đưa ứng dụng, game lên các quầy ứng dụng nước ngoài chắc chắn chịu tổn thất lớn từ thực trạng này. 

Không những vậy, chính sự “nhất bên trọng, nhất bên khinh” khó hiểu này của nhà mạng còn dẫn đến nguy cơ quản lý trung gian thanh toán càng trở nên khó khăn hơn. Một khi dòng tiền chảy trực tiếp vào túi của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ rất khó kiểm soát, và nguy cơ thất thu thuế là điều hiển hiện. 

“Google, Facebook còn được các nhà mạng miễn phí tiền thuê máy chủ đặt tại Việt Nam, nay cũng chẳng bị dừng kênh thanh toán thẻ cào. Doanh nghiệp trong nước thì vừa phải trả đủ thứ phí, vừa bị ép tỷ lệ ăn chia từ thanh toán thẻ cào lên tới 15 - 16%, nhưng khi có nguy cơ thì bị cắt luôn không cần thông báo. Tất cả đều xuất phát từ việc nhà mạng có vị thế quá lớn trong cuộc chơi nội dung số, bởi họ nắm trong tay thẻ cào là phương tiện thanh toán áp đảo trong nhiều năm qua. Phải chăng, đang có một sự thiên vị không hề nhỏ cho các đại gia Internet nước ngoài trong cuộc chơi này?”, đại diện các doanh nghiệp nội dung số đặt dấu hỏi.

Tại Hội nghị giao ban quản lý tháng 4/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông được yêu cầu phải hoàn thành Đề án quản lý thẻ cào di động trong thanh toán dịch vụ nội dung số và báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 15/5. Sau đó, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về biện pháp quản lý thẻ cào di động. 

Hy vọng rằng, Đề án này đã tính đến những chiêu thức lách quy định tinh vi nói trên, cũng như giải quyết được thấu đáo câu chuyện không công bằng giữa nhà mạng với doanh nghiệp nội dung số, cũng như giữa doanh nghiệp nội dung số trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.n 

Trong khi các cổng trung gian thanh toán trong nước bị nhà mạng sập cửa, thì các quầy ứng dụng nước ngoài vẫn có thể hoạt động một cách bình thường, gây ra sự bất bình đẳng.

Khách hàng "mắc lỡm" với khuyến mại 200% thẻ cào của Vinaphone
Nhiều khách hàng phải ánh việc họ đã nạp tiền điện thoại sau khi VinaPhone gửi quảng cáo khuyến mại 200% giá trị thẻ nạp nhưng không thể nạp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư