Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân ngừng sản xuất: Gánh nặng cho cả bốn nhà
Hoàng Thủy - 02/08/2015 09:13
 
Sau khi ngừng hoạt động từ tháng 11/2012, Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân (Đại Lộc, Quảng Nam) do Công ty Đồng Xanh làm chủ đầu tư khiến người lao động lao đao, gây có khăn cho cả Nhà nước, ngân hàng và nhà đầu tư mới.

Nhà máy vỡ nợ, công nhân chịu thiệt

Vừa qua, rất đông công nhân của Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân đã tụ tập trước trụ sở Nhà máy Cồn Đại Tân để đòi nợ tiền lương và bảo hiểm mà phía Công ty Đồng Xanh đã nợ suốt 3 năm qua.

Anh Lê Duyên Hải (công nhân Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân) cho biết, trước lúc chính thức nghỉ việc, tiền bảo hiểm vẫn nộp đến tháng 10/2012, nhưng trong sổ bảo hiểm, họ chỉ chốt đến tháng 5/2011. Anh Hải nghỉ việc theo thông báo của Công ty từ tháng 11/2012, trước thời điểm nghỉ việc, lương cơ bản của anh là 2,9 triệu đồng và số tiền dùng để đóng bảo hiểm chiếm 8% lương (bao gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm lao động, bảo hiểm thất nghiệp).

.
Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân (Đại Lộc, Quảng Nam) do Công ty Đồng Xanh làm chủ đầu tư đang khiến cả "4 nhà" lao đao

 

Tương tự, anh Đỗ Thanh Hùng (công nhân Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân) cho hay, Công ty vẫn còn nợ 3 tháng lương cuối cùng đối với toàn thể công nhân.

Anh Bùi Xuân Cường, nhân viên cũ vận hành lò Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân cho biết, việc công ty cũ không thanh toán tiền lương 3 tháng cuối (tháng 8, tháng 9, tháng 10/2012) cũng như không giải quyết thủ tục giao trả sổ bảo hiểm, thủ tục nghỉ việc đã khiến rất nhiều công nhân rơi vào hoàn cảnh “sống dở, chết dở”, vì không thể đi xin được công việc ở các công ty mới.

“Giờ mình vẫn còn hợp đồng với công ty cũ, sổ bảo hiểm chưa lấy được, công ty cũ đều giữ lấy hết, rất khó khăn khi chỗ làm nào họ cũng yêu cầu phải có giấy tờ chứng mình đã chấm dứt hợp đồng lao động với công ty cũ”, anh Cường cho biết.

Ông Phạm Văn Tỉnh, Phó giám đốc Công ty Đồng Xanh cho biết, do Công ty Đồng Xanh làm ăn thua lỗ, Nhà máy Cồn Đại Tân đã bị chủ nợ tịch thu bán lại cho chủ đầu tư mới, vì thế Công ty đã mất khả năng trả nợ.

Trước tình trạng nợ lương - bảo hiểm chưa có lối thoát, một số công nhân đã kéo xuống trụ sở UBND huyện Đại Lộc để “kêu cứu”. Tại đây, cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các công nhân viết đơn khiếu nại để đòi lại quyền lợi.

Chính quyền không bỏ rơi người lao động

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư, tính đến thời điểm ngày 31/3/2014, tổng nợ của Công ty Đồng Xanh - chủ đầu tư Nhà máy Cồn Ethanol Đại Tân đã lên đến 1.028,164 tỷ đồng, trong đó nợ tiền lương người lao động là 7,614 tỷ đồng.

Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân được khởi công xây dựng từ năm 2007 và đi vào hoạt động chính thức năm 2010, do Công ty Đồng Xanh làm chủ đầu tư với số vốn lên đến 500 tỷ đồng. Với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm, thời điểm bấy giờ, Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân là nhà máy cồn ethanol lớn nhất Việt Nam. Sau 2 năm đi vào sản xuất, đến tháng 11/2012, Nhà máy đã phải dừng hoạt động do làm ăn thua lỗ.

Tại thời điểm đó, số nợ của nhà máy này lên đến gần 700 tỷ đồng. Theo phán quyết của Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam, toàn bộ tài sản Nhà máy Cồn Ethanol Đại Tân phải bàn giao lại cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để xử lý nợ.

Tháng  8/2014, BIDV có văn bản gửi tỉnh Quảng Nam cam kết ưu tiên trả nợ cho các tiểu thương khi bán Nhà máy. Trong buổi làm việc giữa các bên với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam ngày 21/1/2015, phía doanh nghiệp đã cam kết trả 100% số nợ gốc cho tất cả 24 hộ dân với số tiền 26 tỷ đồng, nhưng phải chia thành 2 đợt.

Tháng 6/2015, BIDV đã bán nhà máy cồn lại cho Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm (Hà Nội). Ngày 2/7 vừa qua, tỉnh Quảng Nam và BIDV đã dành một phần số tiền bán tài sản Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân của Công ty cổ phần Đồng Xanh để thanh toán nợ cho 24 chủ nợ với số tiền hơn 16 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã tích cực làm việc với 3 bên gồm: Công ty Đồng Xanh, BIDV và Công ty Tùng Lâm, với mục đích ưu tiên khôi phục hoạt động sản xuất cho Nhà máy.

Ông Thu cho rằng, đây là hướng đi tốt nhất để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trước đây làm việc cho nhà máy và đang thất nghiệp. Đáng chú ý, UBND tỉnh đã cùng BIDV tìm đối tác mới cho nhà máy (Công ty Tùng Lâm) và giải quyết phần nợ đối với những người dân trồng nguyên liệu sắn.

“Dưới góc độ quản lý nhà nước, UBND tỉnh cho rằng, vấn đề ưu tiên hiện nay là tạo điều kiện để Công ty Tùng Lâm khôi phục hoạt động sản xuất của Nhà máy”, ông Thu khẳng định.

“Sờ gáy” 3 dự án ethanol của PVN
Thanh tra Chính phủ vừa công bố quyết định thanh tra toàn diện 3 dự án nhiên liệu sinh học tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với thời gian làm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư