Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Nhà thầu lại phát giác vụ thang máy nội bị chối bỏ
Ngọc Tuấn - 13/07/2017 08:42
 
Bất chấp sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, “căn bệnh” phân biệt đối xử hàng Việt Nam đang có dấu hiệu tái phát.

Khắp nơi… sính ngoại

Tuần qua, các nhà thầu đã phát giác 2 gói thầu mua sắm, lắp đặt thang máy vướng bệnh “sính ngoại”. Điều khó hiểu là sự việc xảy ra tại thời điểm nhạy cảm khi các địa phương đang quyết liệt thực hiện Chỉ thị 13/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành đầu tháng 4/2017 về tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.

Gói thầu thứ nhất là gói cung cấp và lắp đặt thang máy thuộc Dự án Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc Chi cục Thuế quận Bình Thuỷ do Cục Thuế TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư. Hồ sơ mời thầu gói này phát hành ngày 16/6/2017 theo Quyết định số 1488/QĐ - CT ngày 14/6/2017 do Cục trưởng Cục Thuế TP. Cần Thơ Võ Kim Hoàng ký.

Theo hồ sơ mời thầu, gói thầu có mục tiêu cung cấp và lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống thang máy bao gồm 2 thang máy tải khách (mỗi thang có tải trọng 750 kg, tốc độ 60 m/phút, 6 điểm dừng, sản xuất từ năm 2017 trở về sau, thiết bị đồng bộ mới 100%). Gói thầu sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Điểm lưu tâm nhất trong hồ sơ mời thầu là trong phần yêu cầu về mặt kỹ thuật, mục đặc tính kỹ thuật chi tiết chỉ định rõ xuất xứ hàng hóa nhập khẩu đồng bộ mới 100%.

Tương tự, gói thầu cung cấp lắp đặt 2 thang máy thuộc Dự án Trụ sở chi nhánh Phú Quốc và nhà khách nội bộ do Ban Quản lý dự án Khu vực phía Nam của một ngân hàng TMCP (Nhà nước nắm cổ phần chi phối) làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư mời các nhà thầu cung cấp, lắp đặt 2 thang máy chở người. Ngoài các thông số cho loại thang máy thông dụng về số điểm dừng, tải trọng, tốc độ..., thì hồ sơ mời thầu gói này cũng quy định rất rõ “nhà thầu phải cung cấp loại thang máy có xuất xứ nhập khẩu đồng bộ nguyên chiếc”, với những địa chỉ cụ thể là “nhãn hiệu châu Âu, G7” hoặc “xuất xứ châu Âu, G7, Thái Lan” trong mục các thông số kỹ thuật cơ bản.

Trước đó không lâu, thêm một gói thầu thang máy “chuộng” hàng ngoại được phát hiện là gói thầu thuộc Dự án Trụ sở làm việc HĐND tỉnh Bến Tre được phát hành ngày 12/4/2017. Gói thầu mời các nhà thầu chào hàng cạnh tranh cung cấp 1 thang máy tải khách loại không phòng máy, trọng tải 825 kg, 4 điểm dừng S/O, tốc độ 60 m/phút, điều khiển nhóm 3, xuất xứ châu Á hoặc tương đương, hàng hoá mới 100%. Trong bảng thông số kỹ thuật hàng hoá, hồ sơ mời thầu đã thiết lập hàng loạt tiêu chuẩn thang máy thương hiệu Mitsubishi để chọn nhà thầu.

Ngó lơ chỉ thị của Thủ tướng?  

Khi được phóng viên liên hệ hỏi về gói thầu cung cấp và lắp đặt thang máy Trụ sở làm việc Chi cục Thuế quận Bình Thuỷ, ông Võ Kim Hoàng, Cục trưởng Cục Thuế TP. Cần Thơ cho biết, ông không rành nội dung này. Chủ đầu tư thuê Viện Quy hoạch Xây dựng TP. Cần Thơ làm tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu. Ông Hoàng khẳng định, đã chỉ đạo bên tư vấn đấu thầu rà soát và sẽ có văn bản trả lời cho Báo Đầu tư. Tuy nhiên, tới đầu tuần này, Báo Đầu tư vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào từ Cục Thuế Cần Thơ, cũng như từ phía tư vấn đấu thầu là Viện Quy hoạch Xây dựng TP. Cần Thơ.

Với gói thầu mua sắm thang máy thuộc Dự án Trụ sở làm việc HĐND tỉnh Bến Tre, sau khi được Báo Đầu tư phản ánh, bên mời thầu đã rà soát lại và nhận thấy đây là một thiếu sót. Bên mời thầu sẽ rút kinh nghiệm để không tái diễn hiện tượng phân biệt đối xử với hàng Việt trong tương lai.

Đại diện chủ đầu tư gói này cũng cho biết, do yêu cầu bức thiết cộng với nguyện vọng lựa chọn nhà thầu cung cấp thang máy chất lượng, song chủ đầu tư không nắm hết quy định về đấu thầu, nên đã không quán xuyến được hết hồ sơ yâu cầu chào hàng cạnh tranh do tư vấn đấu thầu trình duyệt.

Riêng với gói thầu cung cấp lắp đặt 2 thang máy thuộc Dự án Trụ sở chi nhánh Phú Quốc và nhà khách nội bộ của ngân hàng TMCP do Nhà nước nắm phần lớn cổ phần vẫn bảo lưu và khẳng định bên mời thầu đã làm đúng luật.  

Cần phải nhắc lại rằng, Điểm a, Mục 4, Phần I của Chỉ thị 13/CT-TTg quy định: “Khi lập và phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không được đưa ra yêu cầu hoặc định hướng đối với việc nhà thầu tham dự thầu phải chào hàng hóa nhập khẩu khi hàng hóa trong nước đã sản xuất hoặc lắp ráp được đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng, giá cả”.

Một nhà thầu thang máy ở TP.HCM (xin được giấu tên) cho rằng, chủ đầu tư, bên mời thầu và tư vấn đấu thầu lấy lý do không rành luật là không thể chấp nhận được, bởi những quy định về xuất xứ hàng hoá trong đấu thầu rất rõ ràng. Hơn nữa, tình trạng này đã được báo chí nêu rất nhiều lần.

Theo nhà thầu này chỉ có thể lý giải rằng, chủ đầu tư, bên mời thầu và tư vấn đấu thầu lại vướng bệnh “sính ngoại”, hoặc đang định hướng cuộc thầu tới nhà thầu cung cấp thang máy ngoại nhập, tạo ra sự phân biệt đối xử, thiếu công bằng trong đấu thầu. Đặc biệt, có ý kiến cho rằng, bên mời thầu đang cố tình ngó lơ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Giao thông: Sẽ đấu thầu dự án BOT giao thông
Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, với dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư