Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nhắm doanh thu 10.000 tỷ đồng và “nước cờ” của CMC
Chí Tín - 12/07/2018 20:40
 
Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (mã CMG, sàn HoSE) vừa hé lộ tham vọng nhắm tới mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng đến năm 2020. Vậy doanh nghiệp này sẽ có những nước cờ gì trong thời gian tới để hiện thực hóa mục tiêu tham vọng này?

Tham vọng lớn

Nhìn vào thực tế hiện tại, nhà đầu tư có cảm giác rằng, doanh nghiệp này đang tự đặt ra cho mình những áp lực khá lớn, bởi thời gian từ nay đến năm 2020 không còn nhiều. Trong khi đó, trong năm tài chính 2017 (từ ngày 1/4/2017 đến 31/3/2018), kết quả doanh thu hợp nhất của Tập đoàn CMC đạt doanh thu 4.870 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 218 tỷ đồng, tăng 11% doanh thu và 17% lợi nhuận so với năm 2016. Theo đó, để đạt được tham vọng cán đích doanh thu 10.000 tỷ đồng, thì trong 2 năm tới, doanh thu của CMC phải có mức tăng trưởng 30 - 40%/năm.

.
CMC đang đặt nhiều kỳ vọng có thể khai thác nhóm khách hàng tổ chức

Trong khi đó, năm tài chính 2018, CMC khó có thể đạt tốc độ tăng trưởng phi mã này. Theo kế hoạch năm 2018, Tập đoàn CMC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 5.656 tỷ đồng, lợi nhuận 268 tỷ đồng, tương đương mức tăng 16% và 22%.

Theo đó, nếu như CMC chỉ đạt được mục tiêu kinh doanh như kế hoạch đặt ra cho năm tài chính 2018, thì nhiệm vụ cho công ty này trong năm 2019 và 2020 sẽ là rất nặng nề trong mục tiêu doanh thu năm 2020 mà doanh nghiệp này muốn hướng đến.

“Vựa lúa” từ nhóm khách hàng tổ chức

Trong những “vựa lúa” mà CMC đang đặt nhiều kỳ vọng có thể khai thác trong thời gian tới là việc khai thác sâu thế mạnh các dịch vụ cung cấp cho nhóm khách hàng tổ chức, trong đó có nhiều nhóm doanh nghiệp lớn, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm khách hàng là các cơ quan chính phủ…

Một trong những tiềm năng mà công ty này tin tưởng có thể sẽ có những bước nhảy trong tương lai là xu hướng các tổ chức chuyển từ đầu tư hạ tầng công nghệ sang sử dụng dịch vụ thuê ngoài trong các cơ quan, doanh nghiệp.

Để cán đích doanh thu 10.000 tỷ đồng, thì trong 2 năm tới, doanh thu của CMC phải có mức tăng trưởng 30 - 40%/năm.

Ông Hà Thế Phương, Phó tổng giám đốc Công ty An ninh an toàn thông tin CMC (CMC InfoSec) cho biết, thuê dịch vụ từ các đối tác thứ 3 đang là mô hình phù hợp với xu hướng phát triển của chính phủ điện tử ở các tỉnh. Với mô hình thuê ngoài, chi phí của tổ chức sẽ giảm tới gần 70% so với phương pháp tự phát triển. Nếu triển khai giải pháp cùng quản trị, chi phí sẽ giảm 50%. Trong các cơ quan chính phủ có yêu cầu cao về bảo mật, Tổng cục Hải quan Việt Nam là đơn vị đã áp dụng thành công mô hình này với sự hỗ trợ của các chuyên gia CMC Infosec.

Ngoài khách hàng trong nước, CMC cũng đặt kỳ vọng khá nhiều vào cuộc viễn chinh tại thị trường hải ngoại. Từ năm 2017, CMC đã đẩy mạnh phát triển kinh doanh tại các thị trường Nhật Bản, Hàn quốc, Singapore, bằng việc thành lập Công ty CMC Global (tháng 4/2017) và khai trương Công ty CMC Japan (tháng 11/2017) tại Yokohama (Nhật Bản). Với căn cứ địa này, CMC Global đã ký được những hợp đồng lớn với khách hàng chiến lược.

Kiểm soát sức khỏe tài chính

Ngoài định hướng kinh doanh và thực thi các nghiệp vụ công nghệ thì câu chuyện được giới đầu tư quan tâm là việc công ty này sẽ phải để mắt đến việc kiểm soát sức khỏe tài chính trong bối cảnh guồng máy kinh doanh đang tăng tốc.

Trong các năm trước, một trong những thế mạnh của CMC là luôn có một cơ cấu tài chính khá an toàn, nhưng cơ cấu này đang có xu hướng thay đổi. Trong năm tài chính 2017, vốn chủ sở hữu của CMC chỉ tăng vừa nhẹ, từ 1.169 tỷ đồng lên 1.267 tỷ đồng (tăng 8,3%). Trong khi đó, nợ phải trả trong năm đã tăng khá nhanh, từ 1.242 tỷ đồng lên 1.729 tỷ đồng (tăng 39,2%), trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn, với 1.428 tỷ đồng (chiếm 82,6%).

CMC hiện vẫn duy trì dòng tiền dương trong các giai đoạn kinh doanh. Tuy vậy, dòng tiền thuần trong kinh doanh có xu hưởng giảm. Do đó, việc duy trì dòng tiền ổn định cũng sẽ là một áp lực không nhỏ đối với CMC trong thời gian tới.

Doanh nhân Triệu Trần Đức, Tổng giám đốc CMC InfoSec: Chuyên môn là gốc để tạo lợi nhuận lâu bền
Thường xuyên gặp những “ca” khó về chuyên môn mà không biết hỏi ai, nhưng doanh nhân Triệu Trần Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần An ninh An...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư