Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nhắm lợi nhuận lớn, H.A.I loay hoay tìm điểm tựa
Chí Tín - 08/06/2018 10:07
 
Công ty cổ phần Nông dược H.A.I dự kiến đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2018 lên tới 100 tỷ đồng. Đây sẽ là một thử thách cho doanh nghiệp này khi không đạt lợi nhuận như kỳ vọng trong năm 2017.

Nhắm lợi nhuận trăm tỷ

Theo tờ trình mà H.A.I dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 diễn ra hôm nay (ngày 8/6), Công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.850 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 125 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng. Trước đó, năm 2017, H.A.I đặt mục tiêu doanh thu 1.615 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 84 tỷ đồng và đã cán đích doanh thu với hơn 1.721 tỷ đồng, nhưng chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 38,6 tỷ đồng, bằng 45,98% kế hoạch. 

Không riêng gì H.A.I, các doanh nghiệp bảo vệ thực vật đều gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt
Không riêng gì H.A.I, các doanh nghiệp bảo vệ thực vật đều gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt

Thực tế, việc H.A.I gặp khó khăn một phần do các yếu tố thị trường chung khi các doanh nghiệp bảo vệ thực vật đều gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, thị trường ngày một cạnh tranh gay gắt. Để khắc phục các yếu tố bất lợi này, năm qua, Công ty đã hoàn thiện hệ thống điều hành kinh doanh, kênh phân phối, thực hiện giám sát, siết chặt các chi nhánh và đơn vị thành viên, nhằm giữ vững các chỉ tiêu kinh doanh. 

Cùng với đó, Công ty cũng đã trở thành đối tác chiến lược của hàng loạt doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, Hungary và Hồng Kông. Trong năm qua, Công ty đã được Dow AgroSciences Hoa Kỳ ủy quyền là đơn vị sản xuất độc quyền các dòng sản phẩm mang thương hiệu Dow AgroSciences tại Việt Nam, bao gồm thuốc trừ bệnh BEAM 75WP, thuốc trừ cỏ Clincher 200EC và thuốc trừ cỏ Clipper 25OD.

Ngoài ra, H.A.I đang rất nỗ lực đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, thông qua việc tổ chức các chương trình tiếp sức nhà nông nhằm triển khai tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân tăng gia sản xuất. Ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Ban Kinh doanh tiếp thị của Công ty cho biết, chương trình tiếp sức nhà nông đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tư vấn bán hàng tại các đại lý cấp 2 và đẩy nhanh việc tiếp cận các khách hàng tiềm năng tại các vùng sâu vùng xa, hướng đến xây dựng hệ thống bán lẻ trực tiếp đến nông dân trong thời gian tới.

Chấp chới một điểm tựa

Nỗ lực là vậy, nhưng tình hình đầu năm 2018 tại H.A.I cho thấy bức tranh kinh doanh chưa hé lộ điểm sáng, mà còn có tín hiệu khó khăn hơn. Cụ thể, doanh thu quý I/2018 của H.A.I đạt hơn 149 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 53% so với kết quả 279 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế quý I âm 5,9 tỷ đồng, trong khi quý I năm ngoái, Công ty vẫn có mức lợi nhuận 17,5 tỷ đồng. 

Hiện tại, Công ty còn khoản dự trữ khá lớn, nên sau khi thua lỗ 5,9 tỷ đồng thì vẫn còn hơn 123 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Do đó, tình trạng thua lỗ trong giai đoạn đầu năm 2018 chưa đến mức đẩy Công ty vào đường cùng. Nhưng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, sẽ khiến các cổ đông rất sốt ruột, đặc biệt là chưa thấy có một điểm tựa vững chắc nào để có thể tạo sức bật trong ngắn hạn.

Trong cơ cấu tài sản của H.A.I, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng khá lớn (lên gần 1.860 tỷ đồng trên tổng tài sản ngắn hạn hơn 2.400 tỷ đồng), trong đó có gần 35 tỷ đồng các khoản dự phòng phải thu khó đòi. Công ty cũng đang có biểu hiện lệ thuộc vào một số khách hàng lớn, dẫn đến việc phải để khách hàng “lề mề” chuyện tiền bạc. Theo đó, rất nhiều công ty con của H.A.I có dư nợ phải thu tập trung vào một số đại gia như Công ty Thương mại quốc tế Biscem và Tập đoàn FLC (gồm nhiều công ty trong hệ thống FLC như Công ty Xây dựng Faros, Công ty FLC Quy Nhơn Golf và Resort, Công ty Đầu tư và Phát triển FLC Vĩnh Phúc…).

Trong khi đó, nguồn tài chính của H.A.I có vẻ không được tận dụng tối đa cho hoạt động kinh doanh chính, mà cho vay khá dàn trải cho nhiều công ty khác nhau. Theo đó, Công ty đang có hơn 978 tỷ đồng cho vay ngắn hạn với một số doanh nghiệp như Công ty Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Dameco, Công ty Đầu tư địa ốc Thanh Hóa, Công ty Đầu tư thương mại SCO, Công ty Xây dựng hạ tầng đô thị giao thông. Chỉ riêng số tiền cho vay này đã chiếm gần 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Phát hiện nhiều hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
Theo thông tin từ Thanh tra Bộ NN&PTNT, kết quả thanh tra trong 8 tháng đầu năm 2016 cho thấy nhiều hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư