Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Nhân dân tệ, VND và cú sốc phá giá
Hà Nguyễn - 14/08/2015 14:47
 
Việc Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - quyết định phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) không chỉ gây sốc toàn cầu mà đang “làm khó” kinh tế Việt Nam, đòi hỏi phải sớm có giải pháp ứng phó.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Việc điều chỉnh biên độ tỷ giá VND/USD có thể sẽ khiến nợ công trở nên nặng gánh hơn, đẩy lạm phát lên cao hơn... Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

 

Thực sự là gây sốc bởi trong 3 ngày vừa qua, Trung Quốc đã liên tiếp điều chỉnh tỷ giá. Trong hai ngày 11 - 12/8, CNY được điều chỉnh giảm tổng cộng tới 3,5%. Và ngày 13/8, lại một lần nữa, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố tỷ giá tham chiếu thấp hơn tới 1,1% so với mức được công bố ngày hôm trước. Đây là mức phá giá đồng nội tệ lớn nhất trong vòng 20 năm qua của Trung Quốc.

Trung Quốc phá giá đồng CNY đã gây sốc, khiến cả thế giới ngỡ ngàng và kéo theo một loạt đồng tiền châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm. Và những ảnh hưởng tới Việt Nam đã ngay lập tức được khẳng định, nhất là khi Việt Nam đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc (ước tính trong 7 tháng đầu năm là 19,5 tỷ USD.

Việc CNY giảm giá làm hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam rẻ đáng kể và điều này khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, nhập siêu, nhất là nhập khẩu qua biên giới, có thể tăng mạnh trong thời gian tới.

Việc CNY giảm giá cũng gián tiếp khiến nhiều đồng tiền của các nền kinh tế trong khu vực như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan… giảm giá, tạo thêm áp lực gia tăng nhập siêu của Việt Nam trong năm nay.

Chưa kể, việc CNY giảm giá cũng sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng như sang các quốc gia khác, vốn đã đắt nếu được tính theo USD do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiên định lập trường không phá giá VND, càng trở nên đắt đỏ hơn, nên sẽ khó cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, ngay sau khi Trung Quốc phá giá CNY, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã gây sửng sốt dư luận khi bất ngờ quyết định nới biên độ tỷ giá VND/USD từ mức +/-1% lên +/-2% vào ngày 12/8. Động thái này được Ngân hàng Nhà nước lý giải là để ứng phó với việc CNY giảm giá và cũng đã nhận được sự đồng tình của dư luận. Nhiều quan điểm cho rằng, VND đã được điều chỉnh đúng thời điểm và sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc CNY giảm giá.

Mặc dù vậy, cũng cần nhắc lại một điều rằng, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới biên độ tỷ giá chưa đủ để Việt Nam ứng phó với việc Trung Quốc phá giá đồng CNY. Chưa thể biết trước, Trung Quốc sẽ có những bước đi thế nào và toan tính những gì sau chuyện phá giá đồng CNY. Có những dự báo cho rằng, Trung Quốc có thể phá giá CNY tới 10%. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với hàng hóa xuất khẩu tràn ngập thị trường toàn cầu, động thái của Trung Quốc không chỉ tác động tới kinh tế trong khu vực, mà còn là kinh tế toàn cầu, thậm chí có thể dẫn đến một “cuộc chiến” tiền tệ.

Tính toán kỹ các tác động này để có biện pháp ứng phó là cần thiết. Thêm vào đó, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biên độ tỷ giá VND/USD, một mặt giải quyết các vấn đề do việc CNY giảm giá đem lại, hay góp phần thúc đẩy xuất khẩu, thì hệ lụy của nó lại là có thể sẽ khiến nợ công trở nên nặng gánh hơn, đẩy lạm phát lên cao hơn...

Chuyên gia nhận định về diễn biến tỷ giá đến cuối năm
Chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, áp lực về tỷ giá đối với NHNN từ nay đến cuối năm sẽ nặng nề và căng thẳng hơn so với các năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư