Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nhân đạo với tham nhũng là có tội với xã hội
Mạnh Bôn - 31/10/2015 08:35
 
Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 vừa được Chính phủ trình Quốc hội đã đề cập nhiều vấn đề nổi cộm. Làm thế nào để đẩy lùi được tham nhũng là câu hỏi được Báo Đầu tư đặt ra với Thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Chắc ông cũng rất bức xúc khi tiếp cận Báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2015?

Không chỉ bức xúc, mà còn phẫn nộ. Không phẫn nộ sao được khi từ đầu năm đến nay, Thanh tra Chính phủ mới tiến hành 122.850 cuộc thanh tra, kiểm tra, song đã kiến nghị thu hồi 52.253 tỷ đồng và 1.788 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 14.447 tỷ đồng, 824 ha đất; kiến nghị xử lý tài chính 23.024 tỷ đồng.

Cách đây vài năm, khi bàn về tham nhũng, một lãnh đạo cao cấp đã bức xúc  phát biểu rằng: “Tham nhũng bây giờ ăn cả giày lẫn tất, ăn cả đất xung quanh”. Ông bình luận thế nào về phát biểu này?

Nhận định này “chính xác tới từng milimét”. Có thể nói, ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, cứ “hở ra” là bị tham nhũng.

Nhiều đại biểu Quốc hội vô cùng bức xúc khi thấy không ít người tham nhũng cả tiền chính sách cho người có công, thương binh, gia đình liệt sỹ; tham nhũng cả tiền hỗ trợ cho người nghèo; tham nhũng cả khẩu phần ăn của các cháu học sinh tiểu học, mẫu giáo…

.
 Thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Tham nhũng đã trở thành quốc nạn, làm mất lòng tin của xã hội. Theo ông, làm thế nào để đẩy lùi quốc nạn này?

Muốn giải quyết, xử lý bất cứ việc gì đều phải hiểu rõ nguyên nhân, bản chất của sự việc. Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng thì có rất nhiều, nhưng theo tôi, những nguyên nhân chính là quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ; thủ tục hành chính còn nhiêu khê, phiền hà, phức tạp và có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, nên tạo ra kẽ hở cho hành vi tham nhũng; đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ xuống cấp; xử lý tham nhũng chưa thực sự nghiêm minh.

Để đẩy lùi được tham nhũng thì phải giải quyết tất cả những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng để người có quyền không có cơ hội tham nhũng, không dám tham nhũng, bởi họ biết rằng, nếu tham nhũng chắc chắn sẽ bị phát hiện và hậu quả phải trả là vô cùng lớn.

Nếu xử lý tham nhũng không nghiêm, như nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu thẳng trên nghị trường, kẻ tham nhũng sẵn sàng “hy sinh đời bố để củng cố đời con”.

Ông có nhớ tới vụ án Trần Dụ Châu?

Đây là vụ án xử tham nhũng nổi tiếng trong lịch sử. Bị cáo là Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu, can tội biển thủ công quỹ và nhận hối lộ, đã bị Tòa án Quân sự xử tử hình ngày 5/9/1950 tại Thái Nguyên. Trước khi phải đền tội, tử tù Trần Dụ Châu gửi đơn lên Hồ Chủ tịch xin tha tội chết, nhưng Bác dứt khoát: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”.

Nếu các vụ án tham nhũng ngày nay được xử nghiêm minh, không khoan nhượng trên tinh thần “luật pháp bất vị thân” như vụ án Trần Dụ Châu, thì mới mong đẩy lùi được tham nhũng, mới không còn tình trạng vụ tham nhũng phát hiện sau lớn hơn vụ trước.

Tôi cho rằng, do pháp luật xử lý chưa nghiêm khắc, chưa có tính chất răn đe, nên mới có tình trạng, vụ án nhận hối lộ tại Ban quản lý Dự án Đại lộ Đông - Tây (TP.HCM) do Huỳnh Ngọc Sỹ chủ mưu vừa mới xử vài năm, thì bây giờ lại xảy ra vụ án tương tự. Đó là vụ tham ô, tham nhũng xảy ra tại Ban quản lý Các dự án đường sắt (RPMU).

Dư luận hy vọng, lấy tinh thần thượng tôn pháp luật như vụ án Trần Dụ Châu, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội xét xử nghiêm minh Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại RPMU.

Muốn chống tham nhũng, theo ý ông là phải có thiết chế đủ sức răn đe. Tuy nhiên, cho ý kiến vào Bộ luật Hình sự sửa đổi (sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10), nhiều người cho rằng, nên bỏ án tử hình với tội phạm này?

Muốn chống được tham nhũng thì cả hệ thống chính trị phải đồng thuận, cả xã hội phải đồng thuận và chính các cơ quan báo chí cũng phải đồng thuận rằng, cần phải có chế tài xử lý nghiêm minh với hành vi tham nhũng theo những nguyên tắc sau.

Thứ nhất, tham nhũng là kẻ thù của xã hội thì dứt khoát phải tuyên mức án cao nhất là tử hình, nếu tội danh đến mức phải loại bỏ đối tượng tham nhũng ra khỏi xã hội.

Thứ hai, khi tuyên án tham nhũng, không được đưa yếu tố nhân thân, thân nhân để làm giảm nhẹ tình tiết của vụ án.

Thứ ba, dứt khoát không cho người tham nhũng được hưởng án treo.

Thứ tư, dứt khoát không giảm án, tha tù trước thời hạn đối với phạm nhân tham nhũng, nếu người đó chưa hoàn trả tối thiểu 80% số tiền, tài sản đã chiếm đoạt.

Nhân đạo với tham nhũng chẳng khác gì “nhân đạo mù sương”, là có tội với xã hội, có tội với người nghèo, có tội với sự phát triển của dân tộc.

Xét xử đại án tham nhũng tại RPMU: Án phạt nặng và quyết tâm chống tham nhũng
Trong 2 ngày (26 và 27/10), bị cáo Phạm Hải Bằng và các đồng phạm đã ra trước vành móng ngựa, khi Tòa án nhân dân TP. Hà Nội chính thức xét xử vụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư