Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nhận diện nông nghiệp 2014
Minh Nhung - 31/12/2014 21:59
 
() Nông nghiệp được Chính phủ coi là một trong 4 trọng tâm tái cơ cấu hiện nay vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức để có những bước đột phá mới.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
10 mặt hàng nông thủy sản lọt Top xuất khẩu tỷ USD
Đưa nông sản Việt vào hệ thống bán lẻ quốc tế
Đại gia Việt bàn chuyện làm nông nghiệp

Năm 2014, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được nhận diện trên nhiều góc độ.

Nhận diện nông nghiệp 2014
Xuất khẩu cà phê năm 2014 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 32,6%. Ảnh: Trọng Hải

Đầu tiên là sản lượng sản xuất tiếp tục tăng so với năm trước và đạt kỷ lục mới. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng với tốc độ cao nhất trong 3 năm qua (năm 2012 tăng 2,7%, năm 2013 tăng 2,2%). Sản lượng lúa tăng cao hơn tốc độ tăng của năm trước (1,1% so với 0,77%) và cao hơn tốc độ tăng dân số.

Một số sản phẩm liên quan đến thực phẩm cũng có mức độ tăng trưởng cao hơn như đàn bò, bò sữa, đàn lợn, gia cầm, sản lượng sản phẩm chăn nuôi, sản lượng lâm nghiệp, sản lượng thuỷ sản. Nhờ sự tăng trưởng sản lượng liên tục trong nhiều năm tiếp tục được tiếp sức trong năm 2014, nên giá lương thực năm 2012 giảm (5,66%), năm 2013 tăng thấp (1,98%) và năm 2014 tăng thấp hơn năm trước và thấp hơn tốc độ tăng chung (1,3%).

Giá lương thực tăng thấp đã góp phần quan trọng vào việc tăng chậm lại của tốc độ tăng giá tiêu dùng từ năm 2012 đến nay (năm 2012 tăng 6,81%, năm 2013 tăng 6,04%, năm 2014 tăng 1,84%), giúp giảm áp lực đối với người nghèo, những người bị thất nghiệp, thiếu việc làm hoặc gặp rủi ro trong đời sống.

Xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2014 cũng đạt nhiều điểm vượt trội. Đó là quy mô với kim ngạch đạt 30,8 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay; tỷ trọng xuất khẩu nông, lâm nghiệp - thuỷ sản cao hơn tỷ trọng trong tổng GDP của nhóm ngành này (gần 21% so với dưới 20%). Đây là tốc độ tăng khá, không phải năm nào cũng đạt được,  góp phần đưa tốc độ tăng của nhóm ngành này cũng như của toàn bộ nền kinh tế cao hơn năm trước.

Năm 2014, nhiều sản phẩm cụ thể cũng mang về những thành tích tốt. Cụ thể thuỷ sản đạt 7,92 tỷ USD, chiếm 25,4% kim ngạch xuất khẩu nông, lâm - thuỷ sản, đứng đầu nhóm ngành này, lớn thứ 5 trong tất cả các mặt hàng và tăng so với tốc độ khá cao (18%). Xuất khẩu gỗ và sản phẩm của  gỗ đạt 6,54 tỷ USD, chiếm 21,2%, đứng thứ 2 nhóm ngành này và lớn thứ 8 trong tất cả các mặt hàng, tăng 12,7%. Cà phê đạt 3,6 tỷ USD, tăng 32,6%. Gạo đạt 3 tỷ USD, giảm 1,9%. Hạt điều đạt 2 tỷ  USD, tăng 21,1%. Rau quả đạt 1,47 tỷ USD, tăng 34,9%. Hạt tiêu đạt 1,2 tỷ USD, tăng 34,1%. Riêng cao su đạt 1,8 tỷ USD, giảm 28,9%.

Nhóm ngành nông, lâm -  thủy sản cũng đóng góp 9 mặt hàng trong số 23 nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tính trên các mặt hàng chính, kim ngạch xuất khẩu tăng 3,1 tỷ USD được đóng góp bởi yếu tố tăng về lượng (2,6 tỷ USD) và yếu tố được giá (0,6 tỷ USD).

Trong số các thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai thị trường lớn nhất. Xuất khẩu nông, lâm - thuỷ sản vào Hoa Kỳ chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm - thủy sản của Việt Nam với các mặt hàng chính là gỗ và sản phẩm gỗ, thuỷ sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu... Với thị trường Trung Quốc, con số tương ứng là khoảng 16%, với các mặt hàng lớn là gạo, sắn và sản phẩm sắn, gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su, thuỷ sản, rau quả, hạt điều.

Điểm đặc biệt nhất là nông, lâm - thuỷ sản đã xuất siêu lớn với 9,5 tỷ USD, góp phần chuyển vị thế của Việt Nam từ nhập siêu lớn sang xuất siêu trong 3 năm nay.

Việc xây dựng nông thôn mới - công cuộc đổi mới lần hai đối với nông nghiệp, cũng đạt kết quả tích cực bước đầu. Đến cuối 2014 có khoảng 790/9.001 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, chiếm 8,8%, bình quân 10 tiêu chí/xã. Giao thông nông thôn đã có sự biến đổi rõ nét; ở nhiều xã đã có các cơ sở sản xuất công nghiệp để thu hút lao động tại chỗ theo phương thức “ly nông bất ly hương”. Một số nơi đã có sự cải thiện trong các lĩnh vực cung cấp nước hợp vệ sinh, quản lý mạng lưới điện, thu gom xử lý rác.

Dẫu vậy thì nông nghiệp vẫn còn những tồn tại phải khắc phục sớm mới mong tạo đà phát triển mới. Nhìn tổng quát, sản xuất nông nghiệp phần lớn vẫn là bán nguyên liệu, xuất khẩu thô, thiếu thương hiệu, khiến giá trị gia tăng thấp, thu nhập thấp. Mức GDP bình quân đầu người của nhân khẩu và lao động nông, lâm nghiệp - thủy sản thấp và tăng chậm, chỉ giúp cho nông dân lấy công làm lãi, đủ ăn, không thể tăng các khoản chi tiêu khác, chưa nói tới tích lũy, đầu tư phát triển và làm giàu được. Bình quân 1 lao động chỉ đạt dưới 2,5 triệu đồng/tháng, khiến cho tái sản xuất sức lao động cũng còn khó khăn, nói chi đến nuôi người ăn theo và có tích lũy, đầu tư. Năng suất lao động của nông, lâm nghiệp - thủy sản rất thấp (chỉ bằng khoảng 39% của cả nước, chỉ bằng 29% của dịch vụ và chỉ bằng 21,5% của công nghiệp - xây dựng).

Điều đó giải thích tại sao sức mua có khả năng thanh toán - yếu tố quyết định đến tổng cầu - yếu và tăng chậm. Tỷ lệ nghèo ở nông thôn tuy đã giảm xuống nhưng còn cao gấp 3 thành thị. Số người nghèo ở nông thôn chiếm tới gần 90% tổng số người nghèo của cả nước và tập trung cao hơn ở các huyện nghèo. Tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cho nông, lâm nghiệp - thủy sản thấp rất xa so với tỷ trọng trong GDP (dưới 6% so với 18,39%). Với thực tế này, vấn đề nông, lâm nghiệp - thủy sản phải có hiệu quả và năng suất lao động cao hơn, để vừa có tích luỹ, đầu tư tái sản xuất mở rộng, vừa để có thu nhập cao hơn, vừa rút bớt lao động sang công nghiệp - xây dựng và dịch vụ cũng đòi hỏi thời gian và những giải pháp đột phá.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần coi nông nghiệp, nông thôn là trọng điểm và có những đầu tư thích hợp. Bên cạnh đó phải kéo người nông dân quen thuộc hơn nữa với cơ chế thị trường để thích ứng kịp thời với những thay đổi khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư