Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nhận diện tân binh Bảo hiểm nhân thọ BIDV MetLife
Chí Tín - 27/07/2014 08:59
 
Vừa khai sinh, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ BIDV MetLife (BIDV MetLife) được kỳ vọng tạo thêm một luồng gió mới cho thị trường bảo hiểm nhân thọ. Tân binh Bảo hiểm Nhân thọ BIDV MetLife sẽ là đối thủ đáng gờm với Prudential, Bảo Việt, PVI SunLife...
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
BIDV bắt tay đại gia Mỹ lập công ty bảo hiểm nhân thọ
CEO Lâm Hải Tuấn và triết lý kinh doanh ACE Life
Manulife Việt Nam vào danh sách DN bảo hiểm đáng làm việc

Tuy nhiên, chặng đường phía trước của BIDV MetLife không hề bằng phẳng, khi các tên tuổi cũ đều là những đối thủ nặng ký.

  BIDV MetLife sẽ tận dụng sức mạnh hệ thống chi nhánh rộng khắp của Ngân hàng BIDV để khai thác kênh bán bảo hiểm  
  BIDV MetLife sẽ tận dụng sức mạnh hệ thống chi nhánh rộng khắp của Ngân hàng BIDV để khai thác kênh bán bảo hiểm  

BIDV MetLife là công ty thứ 17 trên thị trường BHNT. Đây là liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC) và Tập đoàn MetLife Inc (Mỹ). BIDV MetLife có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng (tương đương 48 triệu USD), trong đó MetLife sở hữu 60%, BIDV sở hữu 35%, BIC sở hữu 5%.

Mặc dù sinh sau đẻ muộn, nhưng tham vọng của BIDV MetLife không hề nhỏ, khi đặt mục tiêu phát triển nhanh để bước vào nhóm các công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu.

Theo ông Tôn Lâm Tùng, Tổng giám đốc BIC, với sức mạnh của hệ thống chi nhánh rộng khắp của BIDV, BIDV MetLife sẽ khai thác tối đa kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng. “MetLife là công ty bảo hiểm nhân thọ quốc tế của Mỹ cũng sẽ hỗ trợ tích cực về kinh nghiệm quản lý cho BIDV MetLife trong thời gian tới”, ông Tùng nói.

BIDV hiện có 117 chi nhánh và trên 551 điểm mạng lưới. Ngoài ra, ngân hàng này còn có các công ty thành viên gồm công ty chứng khoán, công ty cho thuê tài chính, công ty bảo hiểm phi nhân thọ, với tổng số 20 chi nhánh trong cả nước…

Trong khi đó, cổ đông nước ngoài - MetLife là công ty BHNT lớn nhất ở Mỹ và đã có mặt ở châu Á hơn 60 năm. MetLife hiện đang nắm giữ vị trí dẫn đầu thị trường tại Mỹ,  Mỹ La - tinh, châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Trung Đông. 

Chiến lược bám vào kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng của BIDV MetLife hoàn toàn có tính khả thi, bởi BIC (cổ đông của BIDV MetLife) là công ty bảo hiểm có kinh nghiệm nhất trong việc khai thác kênh này. BIC hiện là một trong 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về thị phần bảo hiểm gốc và là công ty dẫn đầu thị trường về phát triển kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng và các kênh bảo hiểm trực tuyến.

Thế mạnh của BIDV MetLife tuy đã rõ, nhưng ước mơ vươn lên nhóm các công ty dẫn đầu của công ty lại là một điều không hề dễ dàng hiện thực hóa, bởi các đối thủ của họ hoàn toàn không kém cỏi.

Điểm qua một số công ty bảo hiểm nhân thọ mới thành lập mấy năm gần đây, có thể thấy, ngoài Bảo hiểm nhân thọ Phú Hưng tỏ ra khá im hơi lặng tiếng, thì các tên tuổi khác đều là những đối thủ rất khó vượt mặt.

Theo đó, PVI SunLife cũng có lợi thế là liên doanh của một doanh nghiệp mạnh trong nước là Công ty cổ phần PVI và thời gian qua, PVI SunLife cũng đã tận dụng tối đa kênh phát triển sản phẩm bám theo mạng lưới của Tập đoàn Dầu khí, đồng thời là công ty có tốc độ tăng trưởng thuộc loại nhanh nhất trên thị trường. Ngoài ra, PVI SunLife tỏ ra khá tinh tường trong việc khai thác những mảnh đất mới và sớm chiếm vị trí số một trong mảng bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

Cổ đông nước ngoài của PVI SunLife (là Sun Life Financial của Canada) cũng là một doanh nghiệp sừng sỏ trên thị trường quốc tế với vị trí số 1 tại Canada, cũng như mạng lưới là hoạt động rộng trên nhiều thị trường lớn như Mỹ, Anh, Ireland, Hồng Kông, Philippines, Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, Bermuda...

Doanh nghiệp được coi là gương mặt trẻ khác của thị trường là Generali Việt Nam, ngoài ưu thế của cổ đông nước ngoài là Generali (tập đoàn bảo hiểm nhân thọ hàng đầu châu Âu) hiện đã xây dựng được hình ảnh khá đậm nét với vị trí số một trong mảng bảo hiểm nhóm.

Trong khi đó, tham vọng cải thiện vị trí của nhiều doanh nghiệp càng làm tăng thêm sức nóng trên đường đua chiếm lĩnh thị trường. Theo ông Back Jong Kook, Tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam, mục tiêu của công ty này đến năm 2017 sẽ trở thành công ty hàng đầu về chất lượng dịch vụ và đến năm 2020 sẽ bước chân vào nhóm 5 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường.

Đương nhiên, cuộc cạnh tranh càng khốc liệt hơn bởi các công ty đang ở tốp dẫn đầu không dễ gì để các doanh nghiệp tốp dưới thu hẹp khoảng cách và hiện tại, họ rất chắc chân tại phần lãnh địa đã có, cũng như không bỏ qua mọi cơ hội để mở rộng sức ảnh hưởng.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, Prudential vẫn là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bảo hiểm nhân thọ với tổng doanh thu phí của doanh nghiệp này tăng trưởng khoảng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối thủ cạnh tranh số 1 của Prudential vẫn luôn là Bảo Việt Nhân thọ và công ty này hoàn toàn không che giấu tham vọng chiếm lĩnh lại vị trí số 1 mà Bảo Việt từng thống trị trước khi vị trí này rơi vào tay Prudential. Đặc biệt, từ sau khi Sumitomo Life - công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu tại Nhật Bản - trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tập đoàn Bảo Việt, thì tham vọng của Bảo Việt càng được hâm nóng hơn. Với tính chất này, cả Prudential và Bảo Việt không dễ gì để cho một doanh nghiệp thứ 3 chen chân vào cuộc đua trong nhóm dẫn đầu này. Cơ hội theo đó, sẽ càng ít ỏi hơn cho các tân binh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư