Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nhiều doanh nghiệp còn xa lạ với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế
Linh Chi (Vietnam+) - 16/06/2016 20:04
 
“Hiện tại, không nhiều doanh nghiệp niêm yết trên HoSE thực hành chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Chủ yếu chỉ là các doanh nghiệp có giao dịch với các đối tác quốc tế, còn các doanh nghiệp khác thì vẫn khá xa lạ với các chuẩn mực quốc tế này.”
Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc HoSE tại Hội thảo “Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.” Ảnh: HoSE
Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc HoSE tại Hội thảo “Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.” Ảnh: HoSE

Tại Hội thảo “Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) - Những thách thức và kinh nghiệm áp dụng,” được tổ chức ngày 16/6, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) cho rằng, thực tế trên đang cản trở kinh tế Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy kinh tế thế giới, trong đó có dòng chảy rất quan trọng về nguồn vốn.

Trên toàn thế giới, IFRS hiện được áp dụng toàn bộ hoặc gần như toàn bộ tại hơn 100 quốc gia, trong đó có nhiều nền kinh tế thuộc khu vực Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế bước vào giai đoạn hội nhập mạnh mẽ cả phạm vi khu vực và quốc tế thì IFRS đã trở thành đề tài nóng, thu hút sự quan tâm từ các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây chính là những doanh nghiệp đầu tiên được yêu cầu tiên phong áp dụng IFRS theo khung lộ trình áp dụng IFRS của Bộ tài chính đến năm 2020.

Theo ông Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính, báo cáo tài chính doanh nghiệp luôn được xem là nguồn tin chủ đạo đáng tin cậy đối với các nhà đầu tư.

“Hiện, Việt Nam đang trở nên thu hút đối với nhà đầu tư nước ngoài và IFRS được ví như ‘ngôn ngữ tài chính toàn cầu’ giúp đảm bảo tính so sánh, thống nhất và minh bạch, qua đó ‘chắp cánh’ cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế đồng thời giúp thúc đẩy sự phát triển của toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung,” ông Hùng nói.

Ông này cũng cho biết, Luật Kế toán sửa đổi đã được Quốc hội thông qua có đề cập bổ sung "Nguyên tắc giá trị hợp lý" để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai áp dụng IFRS ở Việt Nam. Điều này phù hợp với  Chiến lược phát triển kế toán đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đưa lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính Việt Nam tiếp cận gần nhất với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

“Kế toán phải hướng đến mục tiêu hội nhập quốc tế, được quốc tế thừa nhận,” ông nhấn mạnh.

Hội thảo “Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) - Những thách thức và kinh nghiệm áp dụng,” được tổ chức ngày 16/6. (Ảnh: HoSE)
Hội thảo “Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) - Những thách thức và kinh nghiệm áp dụng,” được tổ chức ngày 16/6. (Ảnh: HoSE)

Tại Hội thảo, ông Eddy James, chuyên gia Ban báo cáo tài chính của ICAEW toàn cầu, đã trình bày những bài học kinh nghiệm của các quốc gia châu Âu trong suốt quá trình 10 năm chính thức áp dụng bắt buộc IFRS. Bên cạnh ông cũng chỉ ra các lợi ích và điểm đáng lưu ý về kinh nghiệm áp dụng IFRS cùng những cập nhật mới nhất của IFRS 9, IFRS 15 và IFRS 16.

"Kinh nghiệm của châu Âu đã cho thấy IFRS mang lại nhiều lợi ích về lâu dài. Bất kỳ quốc gia nào đang xem xét áp dụng IFRS nên tập trung vào những lợi ích của nó chứ không nên quá chú trọng đến những chi phí ngắn hạn không thể tránh khỏi và những thách thức trước mắt về mặt thực hiện. Ở một chừng mực nào đó, để chuyển sang áp dụng IFRS sẽ luôn luôn cần ‘đức tin’. Nhưng nó là một ‘bước nhảy’ mà nhiều nước trên thế giới, bao gồm các nước trong khu vực ASEAN đã làm. Tôi rất vui mừng khi biết rằng Việt Nam cũng đang trên con đường tiến tới ‘bước nhảy đó’ và gia nhập gia đình IFRS, " ông Eddy James chia sẻ.

Tuy nhiên trên thực tế, việc áp dụng IFRS vào Việt Nam sẽ gặp những khó khăn và thách thức là không nhỏ. Cụ thể, ông Trịnh Đức Vinh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính chỉ ra các thách thức, bao gồm thị trường hoạt động, vấn đề nội tại của IFRS, hạ tầng cơ sở thông tin, rào cản ngôn ngữ, năng lực nguồn nhân sự...

Song đồng quan điểm với ông Eddy James, ông Vinh cũng cho rằng, tiến tới IFRS là con đường tất yếu của Việt Nam. Việc nhìn nhận được những khó khăn, thách thức sẽ giúp các cơ quan hữu quan cùng tìm ra giải pháp hiệu quả để sớm đưa IFRS vào áp dụng tại Việt Nam.

Danh sách các công ty vào chung khảo Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên 2016
Đầu tư xin công bố danh sách công ty có báo cáo thường niên và báo cáo phát triển bền vững vào vòng chung khảo ARA 2016.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư