Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nhiều kiến nghị để nâng chất lượng quản lý tôm giống nước lợ, gỡ khó cho doanh nghiệp
Ngọc Tuấn - 15/08/2016 12:50
 
Sáng nay, 14/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị “Quản lý chất lượng giống tôm nước lợ” tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Nhiều vấn đề quan trọng được đem ra bàn thảo để tìm giải pháp phát triển bền vững và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tôm giống Việt Nam. Nhận dịp này, phóng viên Báo Đầu tư Online – Baodautu.vn phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận quanh việc nâng chất lượng quản lý tôm giống nước lợ.

Ông đánh giá thế nào về những thách thức mà các doanh nghiệp tôm giống tỉnh Bình Thuận và trong cả nước đang phải đương đầu?  

Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi tỉnh Bình Thuận về tiềm năng phát triển nghề sản xuất tôm giống. Nhờ đó, đội ngũ doanh nghiệp tôm giống đã phát triển hùng hậu và tích lũy kinh nghiệm, tâm huyết với nghề. Hiện nay, tỉnh đã hình thành trung tâm sản xuất tôm giống tập trung với nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, mạnh về năng lực sản xuất, chất lượng tốt nhất. Ước tính sản lượng tôm giống do các doanh nghiệp tại Bình Thuận chiếm khoảng 20% về sản lượng cả nước.

Tuy nhiên, ngành sản xuất tôm giống đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Thách thức lớn nhất là vấn đề thời tiết diễn biến ngày một khắc nghiệt, biến đổi khí hậu, nước biển ô nhiễm, chi phí sản xuất tăng cao. Riêng với các doanh nghiệp sản xuất tôm giống tỉnh Bình Thuận chịu ảnh hưởng nguồn phát thải từ Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân ngày càng rõ rệt.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Chủ tịch Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận
Ông Nguyễn Hoàng Anh Chủ tịch Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận

Một thách thức nữa là vấn đề quản lý chất lượng tôm giống tại các địa phương chưa chặt chẽ. Có thể thấy tình trạng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản xuất Naus kém chất lượng được bán tràn lan. Việc tôm bố mẹ sản xuất chưa được kiểm soát chặt chẽ làm cho người nông dân nuôi không thể xác định nguồn gốc tôm giống thả nuôi. Tình trạng thật giả lẫn lộn góp phần làm nguyên do gây dịch bệnh, tôm chậm lớn và tôm nuôi thịt bị nhiễm đốm trắng cũng như các bệnh vi rút khác. Hệ quả là thiệt hại nặng nề cho người nuôi, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp sản xuất chân chính.

Đặc biệt là bất cập trong quản lý thuốc thú y, thủy sản. Hiện nay, công tác kiểm soát thị trường thuốc thú y, thủy sản còn lỏng lẻo nên một lượng lớn thuốc hóa chất, men vi sinh chất lượng kém lưu thông trên thị trường gây ra hậu quả khôn lường và tác động rất lớn, trực tiếp tới môi trường nuôi tôm.

Cuối cùng là thách thức ở khâu thương mại. Các doanh nghiệp nhỏ lẻ thu gom tôm giống tràn lan từ cơ sở sản xuất rồi đóng gói bao bì nhãn mác của mình xuất bán đã tiếp tay cho việc sản xuất sử dụng kháng sinh vô tội vạ làm tôm giống còi, chậm lớn nhưng không truy xuất được tôm giống sản xuất tại cơ sở nào. Hiện tượng doanh nghiệp không có cơ sở sản xuất giống nhưng vẫn có tôm giống bán trên thị trường khá phổ biến.

Trước thực trạng như vậy, Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận khuyến cáo các hội viên thực hiện giải pháp gì để nâng cao chất lượng tôm giống?

Vấn đề chất lượng sản xuất tôm giống không chỉ là vấn đề sống còn của doanh nghiệp tôm giống mà là của cả chuỗi giá trị ngành tôm Việt Nam. Dưới góc độ là tổ chức xã hội, nghề nghiệp Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận đã khuyến cáo doanh nghiệp hội viên thực hiện nhiều giải pháp để đối phó với thách thức.  

Cụ thể chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp cần đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất bể ươm nuôi, nâng cấp quy trình xử lý nước và lọc nước để có nguồn nước biển sạch phục vụ sản xuất, sử dụng quy trình nuôi tảo tươi, men vi sinh đặc biệt không dùng kháng sinh.

Về tôm giống bố mẹ các doanh nghiệp cần lựa chọn nguồn cung cấp tốt, chất lượng cao, không nuôi tôm bố mẹ quá thời gian quy định, mua naus có nguồn gốc tôm bố mẹ rõ ràng và thường xuyên tìm kiếm nguồn tôm bố mẹ chất lượng cao, để chủ động trong sản xuất. Về thức ăn chúng tôi khuyên doanh nghiệp lựa chọn thương hiệu uy tín để chắc chắn tôm giống đủ chất dinh dưỡng từ hàm lượng, vi lượng, vitamin và các chất dinh dưỡng cần thiết; chọn loại Actemia chất lượng để tôm giống phát triển nhanh, đồng đều và có sức đề kháng cao.

Trong khâu xuất bán tôm giống Hiệp hội cũng khuyến nghị hội viên tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nhà nước như kiểm dịch, tiêu chuẩn kích cỡ, sạch bệnh, chất lượng cao để không làm ảnh hưởng tới thương hiệu tôm giống Bình Thuận.

Song song đó vấn đề bảo vệ môi trường nuôi tôm cũng là một giải pháp trọng tâm. Đây là mục tiêu, nền tảng để phát triển bền vững cho ngành tôm giống Bình Thuận. Dưới góc độ doanh nghiệp hôi viên cần xây dựng hệ thống nước thải đạt chuẩn, không xả nước thải chưa xử lý ảnh hưởng đến môi trường chung. Các doanh nghiệp hội viên cũng đẩy mạnh áp dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Có thể thấy công tác quản lý nhà nước là nhân tố “trọng yếu” lái ngành tôm giống phát triển đúng quỹ đạo. Trước bất cập ở khâu quản lý hiện tại, với tư cách chủ tịch Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận ông có kiến nghị gì?

Chúng tôi sẽ kiến nghị 4 nhóm vấn đề trong Hội nghị “Quản lý chất lượng giống tôm nước lợ” về công tác quản lý để tạo lập một “sân chơi” kinh doanh minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Một là, công tác quản lý chung. Hiệp hội kiến nghị Bộ Bộ NN&PTNT chỉ đạo quyết liệt các địa phương ven biển siết chặt công tác quản lý nhà nước về nuôi tôm, đặc biệt các tỉnh có sản xuất tôm giống. Các địa phương cần phải cùng quyết tâm vào cuộc một cách đồng bộ.

Theo đó, nhà nước cần tăng cường nhân lực, hỗ trợ kinh phí quản lý, cho các địa phương trọng điểm; Thành lập đường dây nóng để người dân phản ánh về chất lượng, công tác quản lý về chất lượng tôm giống; Thống nhất quản lý tôm giống về một đầu mối, có thể giao Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Thú y để đảm bảo công tác quản lý không bị chồng chéo để hiệu quả cao hơn.

Hai là, việc quản lý tôm bố, mẹ. Hiện nay chúng ta đã xây dựng và thực hiện được quy trình quản lý rất rõ ràng và kiểm soát rất chặt chẽ về tôm bố mẹ nhập khẩu. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng cần kiểm tra và chỉ cấp phép bán vào Việt Nam cho tập đoàn nước ngoài sản xuất tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng. Đối với tôm bố mẹ sản xuất trong nước thì việc nhận chuyển giao công nghệ hoặc nghiên cứu tạo đàn tôm bố mẹ chỉ nên được tiến hành khi đáp ứng điều kiện trang thiết bị, đội ngũ nghiên cứu khoa học đầy đủ. Kết quả nghiên cứu chỉ được phổ biến rộng rãi khi đã được kiểm định chất lượng.

Bộ NN&PTNT cần thường xuyên ra soát, đánh giá về chất lượng đàn tôm bố mẹ tại đơn vị được sản xuất tôm bố mẹ trong nước. Phải có quy định quản lý, kiểm định, kiểm tra chất lượng xét nghiệm bệnh, quy trình giám sát cụ thể,. Đặc biệt, khi sản xuất giống phải đóng gói bao bì ghi rõ là giống sản xuất do nguồn tôm bố mẹ sản xuất trong nước. Tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn” khó cho người nuôi khi chọn mua tôm giống.

Đối với tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc xuất xứ, Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT mạnh tay xử lý dứt điểm.  Vì tình trạng sử dụng tôm bố mẹ không có nguồn gốc xuất xứ, thậm chí sử dụng tôm bố mẹ lấy từ tôm thịt nuôi dưới ao, đìa lên hoặc nhập lậu từ Trung Quốc đang gây thiệt hại khá nghiêm trọng.

Ba là, Chúng tôi kiến nghị cần có quy định quản lý rõ ràng hơn trong khâu thương mại. Cụ thể, mỗi một cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tôm giống chỉ được đăng ký một thương hiệu. Bởi hiện nay tình trạng một cơ sở sản xuất đăng ký nhiều thương hiệu và có hiện tượng cùng một doanh nghiệp hôm nay dán thương hiệu này bán cho bà con nuôi tôm chất lượng thấp, ngày mai lại dán thương hiệu khác để bán. Điều đáng nói các đơn vị đó không có trại sản xuất mà chỉ đi thu gom tôm giống rồi bán nên chất lượng khó kiểm soát, tiểm ấn nhiều rủ ro. Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất cần công bố chất lượng và nhãn mác bao bì đầy đủ thông tin như tên công ty, cơ sở sản xuất, địa chỉ, số điện thoại, nguồn gốc tôm bố mẹ nhập khẩu hoặc tôm gia hóa.           

Bốn là, Bộ NN&PTNT cần siết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất, thuốc thú y, thủy sản, chế phẩm sinh học xử lý cải tạo môi trường. Cụ thể, Bộ có biện pháp rá soát, đánh giá một cách tổng thể tất cả các loại thuốc, hóa chất, men vi sinh… đang lưu hành trên thị trường. Qua đó đưa ra khuyến cáo rộng rãi để người nuôi tôm năm bắt thông tin và lựa chọn sử dụng. Đồng thời xử lý mạnh tay, đưa ra khỏi danh mục được phép kinh doanh, lưu hành các sản phẩm kém chất lượng.

Năm là, công tác quản lý giống khi nhập tỉnh. Hiện nay, ngoài phương thức mua bán tôm giống có đặt kế hoạch trước khi thả cho người nuôi thì còn phương thức chợ tôm giống. Khu vực phía Nam, hiện có 3 chợ bán tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà mau, Kiên Giang. Phương thức chợ tôm giống tiếm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh hơn và chất lượng thấp hơn vì thời gian chờ đợi sức khỏe tôm giống giảm vì quản ở nhiệt độ từ 18 đến 24 độ C. Do đó, Bộ NN&PTNT nên chỉ đạo các địa phương nuôi thả tôm giống theo kế hoạch trước mới được phép thả thẳng xuống ao nuôi. Còn đối với tôm giống chợ buộc phải dèo để đảm bảo chất lượng.

Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT khảo sát đánh giá cùng các địa phương đủ điều kiện qui hoạch khu vực hải đảo hoặc vùng đảm bảo cách ly an toàn sinh học để qui hoạch cho các doanh nghiệp tham gia đăng ký đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ việc nghiên cứu chọn tạo tôm bố mẹ, tiến tới chủ động cho việc sản xuất, tiến tới chủ động hoàn toàn con tôm bố mẹ trong nước, giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu.  

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Tài chính xem xét lại việc áp thuế actemia trong thời gian tới vì đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến ngành tôm giống. Về phía UBND tỉnh chủ động có cảnh báo ô nhễm, phương án sẵn sàng đối phó với nguy cơ từ nguồn phát thải của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân tác động đến vùng vùng nuôi tôm giống tập trung Bình Thuận.

Doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh: “Ông hoàng” tôm giống Việt
Là ông chủ của doanh nghiệp tôm giống Việt tầm cỡ khu vực ASEAN, doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư