Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Nhiều ngân hàng chưa thể tất toán dư nợ vàng
 
Mặc dù chưa có một quy định về hạn chót để các ngân hàng tất toán trạng thái dư nợ cho vay bằng vàng như đối với trạng thái huy động vàng (tháng 6/2013), song với các ngân hàng cũng như khách hàng vay vốn bằng vàng trước đây, giá vàng giảm được xem là cơ hội tốt để tất toán trạng thái dư nợ bằng vàng, tránh rủi ro đáng có khi vàng tăng.
Giá vàng giảm là cơ hội tốt để tất toán trạng thái dư nợ bằng vàng. Ảnh: Đào ngọc Thạch
Giá vàng giảm là cơ hội tốt để tất toán trạng thái dư nợ bằng vàng. Ảnh: Đào ngọc Thạch

Đây cũng là lý do vì sao, tổng số dư nợ cho vay bằng vàng của các ngân hàng được sớm tất toán trong thời gian ngắn 4 tháng đầu năm nay khi giá vàng giảm mạnh.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP. HCM cho biết, tính đến thời điểm này, dư nợ cho vay bằng vàng của các ngân hàng trên địa bàn thành phố chỉ còn hơn 36.575 lượng (tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng), giảm khoảng 50% so với cuối năm 2014.

Sở dĩ, đến thời điểm này chưa thể hoàn tất được việc đóng trạng thái dư nợ vàng, theo lý giải của lãnh đạo một ngân hàng, là do các hợp đồng cho vay bằng vàng trước đây thường dài hạn và đến thời điểm này chưa kết thúc hợp đồng tín dụng nên khách hàng không chịu trả trước hạn. Các hợp đồng ngân hàng cho vay bằng vàng thường có thời hạn lên đến 10 – 15 năm.

Mặt khác, lãi suất vay vàng trước đây khá thấp, nếu chuyển sang tiền đồng hiện nay, lãi suất phải trả ở mức tương đối cao. Đồng thời, các khách hàng đã ký hợp đồng vay vàng với ngân hàng lúc trước hiện cũng gặp không ít khó khăn, do vàng đã biến động tăng mạnh nhiều năm trước khiến khách hàng khó trả được nợ.

Đáng chú ý là vào thời điểm giá vàng tăng cao trong năm 2013 và cả năm 2014, có thời điểm giá vàng vượt qua ngưỡng 45 triệu đồng/lượng, khiến người vay vàng khó trả được nợ.

Cụ thể, theo NHNN TP. HCM, tính đến tháng 6/2014, còn khoảng 157.317 lượng vàng của 10 ngân hàng cho vay trước đây chưa thể tất toán. Con số này chỉ giảm 1/9 so với tổng dư nợ vàng thời điểm 30/6/2013 nhờ những chiêu giảm lãi suất cho vay nếu trả trước hạn.

Thực tế, để chấp hành hạn định tất toán trạng thái huy động vàng theo yêu cầu của NHNN, các NHTM đã khuyến khích người gửi vàng, bán vàng lại cho ngân hàng, lấy tiền đồng gửi tiết kiệm với lãi suất cao và tặng thêm quà. Thế nhưng, việc đề nghị người vay vàng với lãi suất 4 - 5%/năm kỳ hạn 10 - 15 năm trước đây đến trả trước hạn, không tính lãi phạt hoặc chuyển đổi dư nợ vàng thành tiền đồng là không dễ thực hiện.

Chưa kể những tổ chức vay vàng trong các ngân hàng TMCP nhiều năm trước đây đều là những đơn vị chế tác nữ trang, một số không nhỏ đã đầu tư bất động sản, nay vốn vàng đã chuyển hóa hết vào các dự án nên họ không biết lấy vàng ở đâu để trả nợ ngân hàng.

Để loại vàng ra khỏi bảng cân đối, một số ngân hàng TMCP đã tính đến khả năng sử dụng vốn của mình để tự xử lý số dư nợ vàng còn tồn tại, sau này thu nợ được sẽ đưa vào phần tài sản của ngân hàng. Tuy nhiên, nhờ giá vàng thế giới đang theo đà đi xuống và giảm mạnh thời gian qua, việc tất toán trạng thái vàng, thu hồi nợ vay đã có phần dễ hơn đối với các ngân hàng.

Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, một trong những kết quả đạt được trong 3 năm tái cơ cấu vừa qua của nhà băng này chính là đã tất toán được trạng thái vàng thành công. Cụ thể, đối với tất toán trạng thái huy động vàng, ngân hàng đã tất toán đúng với yêu cầu đưa ra của NHNN là tháng 6/2013.

Còn đối với số dư trạng thái dư nợ cho vay bằng vàng, nhà băng này đã ra sức thương thảo với khách hàng để chuyển đổi sang tiền đồng, hoàn thành việc tất toán trạng thái dư nợ vàng.

Theo vị tổng giám đốc trên, thuận lợi lớn nhất cho việc tất toán trạng thái dư nợ cho vay bằng vàng hiện nay chính là vàng đang trên đà giảm.

Với việc chuyển dư nợ sang tiền đồng, khách hàng sẽ có lợi khi giảm được dư nợ vàng nhờ sự sụt giảm mạnh của giá vàng, từ thời điểm lên tới 48 triệu đồng/lượng xuống dưới 34 - 35 triệu đồng/lượng.

Còn ngân hàng sẽ thu được lãi cao hơn khi chuyển được dư nợ sang tiền đồng. Bởi vậy, các ngân hàng đang cố gắng hoàn tất trạng thái dư nợ cho vay vàng sớm.

Phó giám đốc NHNN TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, số dư nợ bằng vàng còn lại khoảng trên 36.000 lượng không phải là con số lớn nên việc tất toán trạng thái dư nợ cho vay bằng vàng chỉ cần thời gian ngắn. Đặc biệt trong bối cảnh xu hướng của giá vàng thế giới được dự báo sẽ tiếp tục đi xuống do kinh tế Mỹ hồi phục.

Thị trường vàng đang tiếp tục ổn định trong xu thế giá vàng giảm dần về mức hợp lý hơn trước. Sự ổn định này ngày càng bền vững hơn khi vàng (cả thế giới và trong nước) không còn là kênh đầu tư, trú ẩn như những năm trước đây. Một phần, do kinh tế thế giới đã và đang hồi phục. Mặt khác, hiệu quả quản lý nhà nước về thị trường vàng miếng tiếp tục phát huy hiệu quả, có tác động tích cực đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Giá vàng thế giới được nhận định sẽ còn chịu áp lực giảm mạnh trong thời gian tới nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất cơ bản.

Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch CTCP Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), khó có thể khẳng định được vàng sẽ không về dưới mức giá 1.150 USD/ounce (mức giá được nhiều người cho là giá thành phẩm của các mỏ sản xuất vàng trên thế giới).

Giá vàng giảm sẽ là cơ hội tốt để trả nợ vay bằng vàng. Thực tế cho thấy, khách hàng có dư nợ bằng vàng cũng đang nhìn thấy được điểm lợi khi giá vàng giảm dần nên đã chủ động chuyển đổi sang tiền đồng.

Giá chênh cao sao người dân vẫn giữ vàng?
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xóa bỏ tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp can thiệp,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư