Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nhiều ngân hàng cuốn vào làn sóng M&A
Thùy Liên - 18/01/2017 13:32
 
Những thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng đầu tiên đã xuất hiện ngay từ đầu năm 2017, báo hiệu một năm nhộn nhịp trong lĩnh vực này.

Những thương vụ mở màn

Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ ngày 12/1/2017, Công ty tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) đã chính thức sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Trong vòng 45 ngày làm việc, kể từ ngày 12/1, SHB sẽ hoàn tất các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, sớm cho ra đời Công ty Tài chính tiêu dùng SHB với số vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng.

Chưa hết, theo ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, sau thương vụ này, SHB cũng đã sớm đặt ra mục tiêu sẽ tiếp tục M&A Công ty Tài chính tiêu dùng SHB với một đối tác ngoại.

.
.

Ngoài thương vụ mở màn của SHB, năm 2017, ít nhất sẽ có thêm hai thương vụ M&A nữa khả năng sẽ sớm diễn ra. Thương vụ thứ nhất là sáp nhập PGBank vào VietinBank, thương vụ thứ hai là Vietcombank bán thành công 7,73% cổ phần cho đối tác chiến lược GIC (Singapore).

Thương vụ sáp nhập PGBank vào VietinBank đã được Đại hội cổ đông hai bên thông qua, song hai năm nay vẫn chưa thể hoàn tất. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank, ngân hàng này đã hỗ trợ PGBank Đề án tái cơ cấu để trình NHNN, Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, năm 2017, VietinBank sẽ thực hiện nhiệm vụ sáp nhập PGBank.

Tại Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT giải thích, lý do khiến thương vụ bán cổ phần cho GIC bị trễ hẹn là do giá cổ phiếu của Vietcombank quá cao trên thị trường. Lãnh đạo Vietcombank kỳ vọng, thương vụ này sẽ sớm hoàn tất. Theo thông tin rò rỉ, thương vụ có giá khoảng 9.000 tỷ đồng. 

Còn nhiều ẩn số bất ngờ

Ngoài những thương vụ đã được nhận diện, dự báo làn sóng M&A ngân hàng năm 2017 sẽ diễn ra rất sôi động với nhiều ẩn số bất ngờ. Chủ trương quyết liệt tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn II sẽ cuốn nhiều ngân hàng vào làn sóng này, cùng với những cơ hội mở ra cho cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Hiện NHNN đang trình Chính phủ và Bộ Chính trị đề án tái cơ cấu 5 ngân hàng, bao gồm 3 ngân hàng 0 đồng (CB Bank, GPBank, OceanBank) và DongABank, Sacombank. Trong số này, nhiều ngân hàng sẽ phải tái cơ cấu bằng giải pháp M&A.

Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam đang có kế hoạch mua lại một ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam (bị mua lại với giá 0 đồng) và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu cùng các ngân hàng thương mại yếu kém.

Nhiều quỹ đầu tư cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường ngân hàng Việt Nam. Dù lĩnh vực ngân hàng ngày càng mở cửa, song đối với nhà đầu tư ngoại, để thiết lập một mạng lưới sâu rộng như ngân hàng trong nước là rất khó. Vì vậy, việc bỏ ra 100 - 200 triệu USD để mua lại một ngân hàng trong nước vẫn là một cơ hội hấp dẫn.

Không chỉ các ngân hàng yếu kém, mà với ngân hàng lớn, việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để bán cổ phần cũng đang diễn ra gấp rút. Hiện nay, áp lực bán cổ phần để tăng vốn lớn nhất là với BIDV. Trong số 3 ngân hàng TMCP quốc doanh, BIDV là ngân hàng duy nhất chưa gọi được đối tác chiến lược nước ngoài.

Ngoài BIDV, thời gian qua, một số ngân hàng Việt Nam cũng đang thừa room vốn ngoại và đang tiếp tục chào mời đối tác chiến lược nước ngoài. Nếu room sở hữu được mở hơn, chắc chắn các thương vụ mua bán cổ phần trong lĩnh vực ngân hàng sẽ càng nhộn nhịp.

Dọn cơ chế gọi ngân hàng lớn tham gia tái cơ cấu
Ngân hàng Nhà nước cam kết tạo cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện để các ngân hàng tham gia tái cơ cấu hệ thống.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư