Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Nhìn từ việc trạm BOT Cai Lậy "vỡ trận": BOT cần cách làm mới
Bảo Như - 18/08/2017 08:37
 
Cho đến thời điểm này, nguy cơ vỡ trận trạm thu giá sử dụng đường bộ BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đã phần nào được tháo gỡ khi Bộ Giao thông - Vận tải đạt được sự thống nhất với nhà đầu tư về việc giảm giá sâu cho tất cả phương tiện; áp dụng giá 0 đồng cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của các hộ dân tại 4 xã xung quanh trạm thu giá.

Gần 2 tuần trước đó, nhân viên trạm BOT Cai Lậy đã phải khốn khổ đối phó tình trạng nhiều lái xe phản đối, gây khó bằng cách trả tiền lẻ. Nhà đầu tư BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy bất lực, phải cầu cứu các cơ quan chức năng vì hiện tượng gây khó bằng các cọc tiền lẻ này diễn ra liên tục, gây ùn tắc giao thông, dẫn tới phải xả trạm, tháo khoán.

Không chỉ nóng rẫy trên mặt đường, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trạm BOT Cai Lậy thậm chí trở thành tâm điểm tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đợt giám sát chuyên đề BOT vào giữa tuần này. Hơn thế, trạm này còn được không ít người cho là một trong những bất cập điển hình về các dự án xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng.    

.
.

Khởi đầu từ trạm BOT Bến Thủy (Hà Tĩnh) cách đây 6 tháng, việc phản đối mức phí, vị trí đặt trạm bằng tiền lẻ như hiệu ứng domino, lan sang nhiều dự án BOT, từ Tam Nông (Phú Thọ) đến Cai Lậy. Cách thức phản ứng này trở thành nỗi ám ảnh của nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chính quyền địa phương trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực trạm thu giá.

Cần phải nói thêm rằng, điểm chung tại những điểm nóng nói trên là mức giá chưa thực sự hợp lý; người tham gia giao thông không lưu thông trên tuyến thuộc dự án BOT, nhưng vẫn phải trả phí. Những bất cập đó, theo từng góc độ đều ảnh hưởng nhất định đến lợi ích nhà đầu tư, Nhà nước, đặc biệt là tạo áp lực về giá phí cao đối với người dân tham gia giao thông cũng như chi phí hoạt động vận tải. Thực tế đã xảy ra một số vụ việc người dân bức xúc, tụ tập đông người phản đối đến nay chưa có hướng giải quyết dứt điểm.

Bài học từ các vụ việc này là thu hút đầu tư PPP tuy cần thiết, nhưng lợi ích của người tham gia giao thông được hưởng lớn hơn số phí bỏ ra phải là thước đo quan trọng nhất để khẳng định một dự án BOT có ích hay trở thành gánh nặng cho cộng đồng.

Thực tế từ hơn một năm qua đã có sự chuyển biến rất lớn trong cách tiếp cận đầu tư các dự án hạ tầng dự kiến triển khai theo hình thức PPP của Bộ Giao thông – Vận tải. Cụ thể, kể từ tháng 9/2016 trở đi, các dự án BOT ngành giao thông chỉ được triển khai nếu có được sự đồng thuận của người dân và chỉ được thu phí hoàn vốn trên chính tuyến đường mà nhà đầu tư rót vốn.

Đây thực sự là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, bởi nếu tiếp tục cách làm cũ, thì ngoài việc hạn chế quyền đi lại của người dân, sẽ làm bùng phát những bất ổn xã hội không mong đợi, trong đó vụ việc tại trạm thu phí cầu Bến Thủy, Tam Nông, Cai Lậy… là những thí dụ điển hình.

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP là mô hình mới, phức tạp hơn nhiều phương pháp đầu tư công truyền thống. Điều này đòi hỏi các bên liên quan, cả cơ quan quản lý nhà nước các cấp và nhà đầu tư, ngân hàng, người sử dụng… phải có cách tiếp cận thích hợp để có thể triển khai thành công.

Có thể khẳng định rằng, mấu chốt dẫn đến thành công cũng như sự phát triển bền vững của các dự án hạ tầng giao thông là phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước - nhà đầu tư - người dân. Đó cũng là trách nhiệm, là nghĩa vụ của các cơ quan quản lý nhà nước để xã hội đồng thuận hơn nữa về một chủ trương lớn của Đảng và là giải pháp tất yếu để phát triển kết cấu hạ tầng trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế như hiện nay.

Dự án giao thông BOT: “Con đường xưa em đi”, giờ đây phải trả tiền
Tài xế ô tô đang phản ứng tiêu cực trước việc thu phí giao thông BOT ở Trạm Cai Lậy góp phần làm nóng phiên thảo luận về Báo cáo giám sát đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư