Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Những dự án FDI đăng ký rầm rộ, triển khai lề mề
Hà Nguyễn - 20/05/2013 07:27
 
Khá nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau khi rầm rộ đăng ký đầu tư, lại triển khai rất chậm.

Kế hoạch tăng vốn đầu tư lên 4,5 tỷ USD của Guang Lian vẫn đang
giậm chân tại chỗ. (Ảnh: Hà Thanh)

Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi Tập đoàn JFE (Nhật Bản) ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn E-United (Đài Loan) về việc cùng nhau nghiên cứu, triển khai xây dựng Dự án Thép Guang Lian (Dung Quất, Quảng Ngãi), vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc nhà sản xuất thép hàng đầu Nhật Bản có đầu tư dự án thép 3,5 tỷ USD này hay không.

Và vì thế, kế hoạch tăng vốn đầu tư lên 4,5 tỷ USD của Guang Lian vẫn đang giậm chân tại chỗ, giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh vẫn chưa được cấp.

Tất nhiên, hiện thời, theo thông tin của Báo Đầu tư, JFE vẫn đang nỗ lực làm việc với các cơ quan chức năng Việt Nam và có vẻ, vẫn đang quyết tâm theo đuổi Dự án. Vào cuối tuần trước, tập đoàn này đã có cuộc làm việc với Quảng Ngãi để báo cáo về quy hoạch cảng chuyên dụng, cũng như báo cáo tiền khả thi dự án nhà máy điện và cũng đã cơ bản được thông qua.

Theo kế hoạch, khoảng tháng 7 tới, JFE sẽ đệ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án thép lên các cơ quan chức năng Việt Nam. Như đã báo cáo với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, nhiều khả năng, JFE sẽ tham gia 80 - 90% phần vốn trong Guang Lian.

Mặc dù vậy, sự chậm trễ là có thật. Theo cam kết ban đầu, JFE đáng lẽ phải đưa ra quyết định đầu tư từ cuối năm ngoái và khởi công Dự án vào giữa năm nay. Nhưng hồi cuối năm 2012, JFE đã xin giãn tiến độ triển khai thêm 1 năm. Và với những động thái hiện nay, cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy dự án được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2006 này sẽ sớm khởi động trở lại.

Thậm chí, giới “trong nghề” đồn đoán, với việc đồng yên Nhật đang mất giá so với đồng USD (từ đầu năm tới nay đã lên tới 16%), JFE sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về quyết định đầu tư của mình.

Một dự án lớn khác cũng đang gặp khó khăn, do giải phóng mặt bằng, đó là Dự án Khu Du lịch liên hợp cao cấp NewCity, 4,3 tỷ USD, ở Phú Yên. Theo ông Dương Chí Hiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên, vướng mắc lớn nhất đối với dự án này, là một phần diện tích Dự án lại nằm trong khu vực rừng phòng hộ, được phát triển bằng vốn ODA Nhật Bản.

“Chúng tôi sẽ cố gắng đàm phán với các bộ, ngành, cũng như phía Nhật Bản để tháo gỡ khó khăn cho Dự án”, ông Hiến cho biết.

Dự án NewCity được cấp chứng nhận đầu tư hồi tháng 7/2008, với kế hoạch xây dựng 4.300 phòng khách sạn 5 sao, 8.900 phòng khách sạn 4 sao, 1 sân golf 36 lỗ và nhiều công trình dịch vụ khác. Theo kế hoạch, Dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I từ năm 2008 đến năm 2012, đưa vào sử dụng 3.500 phòng khách sạn 5 sao và 5.250 phòng khách sạn 4 sao và hàng loạt hạng mục khác, như resort phí Nam Hòn Chùa, sân golf, khách sạn cao cấp phía Tây…

Nhưng thời gian cam kết thì đã sang giai đoạn II, mà giai đoạn I còn chưa được khởi động. Giải phóng mặt bằng còn dang dở.

Trong khi đó, thông tin từ ông Dương Ngọc Oanh, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư (Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định) cho biết, tuần này, Ban sẽ làm việc với chủ đầu tư Dự án Khu du lịch Vĩnh Hội để “thúc” tiến độ đầu tư dự án này.

Được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2007, với tổng vốn đăng ký giai đoạn I là 250 triệu USD, Dự án Vĩnh Hội dự kiến được triển khai trên diện tích 235 ha của Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định). Theo kế hoạch, Dự án sẽ xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, bao gồm trung tâm hội nghị quốc tế, khách sạn, resort 5 sao, sân golf 18 lỗ, villa cao cấp, du lịch thể thao…

Tuy nhiên, tiến độ triển khai Dự án rất chậm chạp và đã hơn một lần, Bình Định ra tối hậu thư về việc sẽ thu hồi Dự án nếu Công ty TNHH một thành viên Du lịch và Khách sạn Việt Mỹ (100% vốn nước ngoài) không đẩy nhanh quá trình triển khai. Cuối năm ngoái, Việt Mỹ đã một lần xin “hoãn binh”, chưa chuyển khoản tiền ứng trước kinh phí bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng và Bình Định cũng đã tạm chưa xem xét việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư Dự án.

Tuy nhiên, giữa tháng 4 vừa qua, Bình Định lại một lần nữa có văn bản yêu cầu nhà đầu tư triển khai thực hiện Dự án, nếu không cải thiện, sẽ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Tình hình có vẻ “khá” hơn với Dự án Khu dịch vụ hậu cần của nhà đầu tư Swire (Australia), bởi tỉnh Long An không “đe” thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, mà thậm chí còn đồng ý để nhà đầu tư giãn tiến độ triển khai. Dự án này được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2007.

“Vấn đề không phải nằm ở chủ đầu tư, mà là ở chúng ta. Họ đã trả tiền thuê đất, sẵn sàng kế hoạch triển khai, nhưng cảng chưa đi vào hoạt động, việc nạo vét cửa sông Xoài Rạp chậm chạp, thì xây kho hậu cần để làm gì”, ông Phan Thành Phi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Long An cho biết.

Swire đang phát triển rất tốt hoạt động của mình ở Bình Dương, trong khi đó, dự án có vốn đầu tư chỉ hơn 20 triệu USD, được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2007 lại chưa thể triển khai.

Không chỉ những dự án FDI nói trên chậm tiến độ. Và vấn đề không phải chỉ nằm ở những khó khăn của chủ đầu tư, mà còn là từ nội tại của Việt Nam, trong đó, giải phóng mặt bằng là một trong những trở ngại lớn nhất. Khi mà vốn dành cho đầu tư phát triển hạn hẹp, thì việc thúc đẩy giải ngân vốn FDI là cần thiết.

Và trong bối cảnh này, theo các chuyên gia kinh tế, phải làm sao vừa dọn dẹp dự án FDI xấu, chậm triển khai để dành cơ hội cho nhà đầu tư khác, mà các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng phải tích cực tháo gỡ khó khăn để các dự án sớm được triển khai.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư