Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Những hệ lụy từ sự thiếu công bằng trong đấu thầu
Ngọc Tuấn - 31/01/2018 10:42
 
Trong nhiều cuộc thầu, khi chủ khảo không giữ được quan điểm độc lập, công bằng trong khâu chấm thầu đã kéo theo nhiều rối rắm ở quá trình lựa chọn nhà thầu.

Áp tiêu chuẩn “kép”

Vấn nạn phân biệt đối xử trong khâu chấm thầu trong thời qua trở nên phức tạp, được nhận diện rõ nét ở nhiều gói thầu, khi tư vấn đấu thầu tạo lợi thế cho nhà thầu này bằng cách bỏ qua những lỗi chính yếu, nhưng lại triệt hạ nhà thầu khác bằng cách “bới lông tìm vết”.  

Xin nhắc lại việc chấm thầu tại 2 gói thầu gây sự chú ý đặc biệt của giới nhà thầu.

.
Hiện tượng phân biệt đối xử trong chấm thầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tiến trình lựa chọn nhà thầu.

Thứ nhất, gói thầu thang máy tại Dự án Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, với việc đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn thang máy Thăng Long và nhà thầu liên doanh Công ty TNHH Kỹ nghệ Toàn Tâm - Công ty TNHH thang máy Mitsubishi Việt Nam.

Theo đó, liên danh nhà thầu Toàn Tâm - Mitsubishi Việt Nam bị loại ngay từ vòng chấm kỹ thuật, với lý do nhà thầu này bảo lưu ý kiến lắp thang máy ký hiệu P13 lệch về một phía trong khi hồ sơ yêu cầu lắp chính giữa hố thang. Trong khi đó, với cùng loại thang máy nhãn hiệu Mitsubishi, nhưng nhà thầu Thăng Long đề xuất phương án cải tạo hố PIT để lắp thang P13 vào chính giữa hố thang, mặc dù phương án cải tạo này ảnh hưởng nhiều đến kết cấu tòa nhà so với thiết kế ban đầu. Việc chấp thuận trên cũng đồng nghĩa chủ khảo đã thay đổi “đề bài” nêu trong hồ sơ mời thầu ban đầu. Quan trọng hơn, tại gói thầu này, bên mời thầu đã cố tình bỏ lọt lỗi về nội dung quyền bảo hành, bảo trì hợp pháp của chính hãng sản xuất tại Việt Nam và cam kết có khả năng bảo hành, bảo trì trong và sau thời hạn bảo hành đối cho nhà thầu Thăng Long. Cần lưu ý rằng, tại Việt Nam chỉ có Mitsubishi Việt Nam được cấp quyền này.

Những lấn cấn trong khâu chấm thầu cũng xảy ra trong gói thầu máy phát điện Bệnh viện Sản nhi Kiên Giang. Chủ khảo gói thầu này là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Thống Nhất đã bỏ qua những lỗi có tính chất trọng yếu cho nhà thầu Công ty TNHH Thương mại Nhơn Hoà. Đó là nghi vấn các lỗi về tính pháp lý của giấy chứng nhận ISO 9001:2015 và nghi vấn giả mạo chứng nhận đào tạo về lắp ráp, vận hành và bảo trì cho nhân lực chủ chốt của nhà thầu Nhơn Hoà.

Hệ lụy khó lường

Hiện tượng phân biệt đối xử trong chấm thầu sẽ dung dưỡng sự bất bình đẳng, thiếu công bằng đẩy các cuộc thầu vào vòng khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến trình lựa chọn nhà thầu.

Cụ thể, bên mời thầu ở gói thầu thang máy Dự án Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long vẫn bảo lưu quan điểm cho nhà thầu Thăng Long trúng thầu khiến các nhà thầu khác nghi ngại có tiêu cực trong dự án này. Ở gói thầu máy phát điện Bệnh viện Sản nhi Kiên Giang, sau khi các cơ quan công quyên ra tay làm rõ, cuộc thầu buộc phải huỷ và tới nay, việc lựa chọn nhà thầu phải bắt đầu lại từ đầu, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ dự án.  

Một nhà thầu (xin được không nêu tên) tại TP.HCM cho rằng, hiện tượng phân biệt đối xử trong chấm thầu, tạo ra sự bất công bằng dẫn tới không đánh giá được thực lực của các ứng thầu bởi “có hơi hám của định hướng trong đấu thầu”. 

Nhiều nhà thầu đã cho rằng, việc triệt hạ nhà thầu có năng lực ở vòng chấm kỹ thuật khiến cho các nhà thầu “trong định hướng” gần như không còn đối thủ tại vòng chấm tài chính và hệ quả là, giá trúng thầu luôn sát với dự toán, với tỷ lệ giảm giá thầu luôn thấp hơn 1%.  

Nhà thầu TNE, một nhà thầu uy tín trong lĩnh vực thang máy, cũng lo ngại, sự bất bình đẳng sẽ tạo nên các cuộc tranh cãi pháp lý khiến cả nhà thầu, chủ đầu tư và chủ khảo và cả các cơ quan quản lý Nhà nước tốn kém công sức, tiền bạc. Những lình xình khiếu kiện ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân đầu tư công và tất nhiên, vì thế làm giảm hiệu quả đồng vốn đầu tư khi công trình chậm đưa vào khai thác.  

Vấn nạn phân biệt đối xử, bất công ở khâu chấm thầu đang làm xói mòn lòng tin vào kỷ cương, vào tính thượng tôn pháp luật trong hoạt động đấu thầu.

Đấu thầu qua mạng: Nửa đêm mở thầu là hoàn toàn khả thi
“Đối với đấu thầu qua mạng, việc mở thầu vào 12h đêm là hoàn toàn khả thi bởi biên bản mở thầu được đăng tải lên là cả nước biết,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư