Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Những kế hoạch tỷ USD đang chờ chảy đến thị trường nào minh bạch nhất Việt Nam
Anh Hoa - 23/07/2017 15:02
 
Xu thế của M&A tiếp tục thể hiện sự bền bỉ của mình với nhiều hoạt động sôi nổi, nhưng các nhà đầu tư cần nhìn thấy những tín hiệu tích cực hơn và họ sẽ cân nhắc đầu tư vào thị trường nào được cho là minh bạch nhất.

Những kế hoạch tỷ USD

Cuối tháng 6, Tập đoàn Hankyu Hanshin Holdings, Inc cùng một số doanh nghiệp Nhật Bản đến gặp Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Hankyu Hanshin là tên tuổi lão làng trong giới đầu tư vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng, bất động sản, du lịch, truyền thông giải trí, khách sạn, giao thông - vận tải… Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đã giới thiệu với các doanh nghiệp Nhật Bản về 197 dự án PPP và 120 dự án trọng điểm cấp quốc gia tại TP.HCM đang kêu gọi đầu tư. 

Một bước khởi đầu suôn sẻ cho các bên và ông Châu khẳng định, Tập đoàn Hankyu chọn TP.HCM làm địa điểm đầu tư là hướng đi chắc chắn. Tuy nhiên, họ phải lựa chọn được đối tác tin cậy, có năng lực và hai bên cùng có lợi. Ngoài ra, địa điểm đầu tư sẽ là yếu tố quyết định.

.
Những nhà đầu tư lớn nhất tại Nhật Bản có thể đầu tư trực tiếp hơn 500 tỷ USD vào bất động sản trong thập kỷ tới.

Trước đó, giới đầu tư đã có thông tin, hàng chục doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản có thể rót tới 2 tỷ USD vào thị trường bất động sản Việt Nam thời gian tới và đích ngắm là các dự án tại TP.HCM, Hà Nội...

Đáng chú ý, theo ước tính của Công ty Jones Lang Lasalle (JLL), chuyên nghiên cứu về thị trường bất động sản, những nhà đầu tư lớn nhất tại Nhật Bản có thể đầu tư trực tiếp hơn 500 tỷ USD vào bất động sản trong thập kỷ tới, tập trung vào các thị trường có tính minh bạch cao. Hiện các nhà đầu tư lớn vẫn chỉ đứng bên lề và gần đây họ mới công bố dự định đầu tư vào bất động sản cả trong nước và quốc tế. 

Tuy nhiên, ít người biết rằng, các quỹ đầu tư Nhật Bản đang là những tổ chức quản lý số lượng vốn nhiều nhất thế giới và đó là cơ sở để tin rằng, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ có sự trở lại mạnh mẽ. Thực tế, có nhiều cơ hội M&A đang mở ra cho doanh nghiệp Nhật (cũng như doanh nghiệp các nước khác), khi Việt Nam đang đẩy mạnh thoái vốn khỏi các công ty nhà nước. Nhiều công ty trong số đó sở hữu quỹ đất có vị trí đắc địa. Theo Quyết định 707/QĐ - TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/5/2017, giai đoạn 2016 - 2020 Chính phủ sẽ tiếp tục cổ phần hóa khoảng 240 doanh nghiệp nhà nước. Cơ hội sở hữu chi phối nằm ở 106 doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. 

Qua quan sát của JLL, hiện có hàng trăm triệu USD đang chờ đợi để đổ vào thị trường Việt Nam ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp.

Nhiều nút thắt cần được tháo gỡ để thị trường Việt Nam có thêm những nguồn hàng tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, sau khi Việt Nam ký Hiệp định Thương mại song phương (FTA) với Hàn Quốc đang có những “làn sóng” đầu tư từ Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội “đổ” vào Việt Nam bằng hình thức đầu tư gián tiếp thông qua mua cổ phần từ việc Nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước và các đợt IPO của khối doanh nghiệp tư nhân. Thời gian qua, nhà đầu tư Hàn Quốc cũng có thương vụ M&A đáng chú ý trong ngành bán lẻ khi CJ mua cổ phần của Cầu Tre và Deasang mua Công ty Thực phẩm Đức Việt với giá trị 33 triệu USD.

Khác với Hàn Quốc, các nhà đầu tư Thái Lan tập trung vào mảng bán lẻ, với 2 thương vụ lớn trong năm 2016, như Central Group mua lại Big C và Singha trở thành nhà đầu tư chiến lược của Masan. Trước đó, TCC cũng đã mua lại hệ thống Metro tại Việt Nam. Như vậy, hai chuỗi siêu thị lớn tại Việt Nam đều đã thuộc về sở hữu của nhà đầu tư Thái Lan. Các ngành mà Thái Lan đầu tư tại Việt Nam, như hạ tầng, vật liệu xây dựng, bán lẻ, tiêu dùng..., đều là những ngành họ chưa có kế hoạch dừng lại.

Mong thị trường minh bạch hơn

Mặc dù những có những tín hiệu tích cực, nhưng dòng vốn đó không ngay lập tức chảy vào thị trường Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc đầu tư vào thị trường nào được cho là minh bạch nhất. Các doanh nghiệp Việt Nam cần minh bạch hơn về thông tin về hoạt động và tài chính để nhà đầu tư có thể tiếp cận, phân tích cơ hội nhằm ra quyết định đầu tư sinh lời nhất.

Đó là chưa kể đến nhiều nút thắt cần được tháo gỡ để thị trường Việt Nam có thêm những nguồn hàng tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cổ phần hóa, nhưng tỷ lệ cổ phần của nhà nước vẫn còn quá cao và nhiều năm vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược.

Ngoài ra, hệ thống pháp lý và thực thi liên quan đến đầu tư và M&A cần được hoàn thiện và tháo gỡ các rào cản cũng như các vấn đề về giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư, vấn đề quy hoạch, vấn đề thuế cho các giao dịch M&A.

Metro, chuyển giá và bài học quản lý
Câu chuyện chuyển giá của Metro, với quyết định cuối cùng từ phía Tổng cục Thuế là điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư