Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Những nhóm hàng nào tăng giá cao?
Mạnh Bôn - 24/06/2016 11:43
 
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính thì có tới 10 nhóm tăng giá, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất (2,99%).
.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,35% so với tháng tháng 12/2015. Những chỉ số này vừa được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo sáng nay.

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính thì có tới 10 nhóm tăng giá, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất (2,99%) không làm ai bất ngờ vì từ tháng 3 trở lại đây giá bán lẻ xăng dầu tăng liên tục sau khi giảm liên tiếp 4 lần trong hơn 2 tháng đầu năm, ngoại trừ lần giảm giá gần đây (ngày 23/6), nhưng chưa được tính vào chu kỳ tính CPI.

“Giá xăng tăng 920 đồng/lít, dầu diesel tăng 880 đồng/lít vào ngày 20/5 và 4/6 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46% so với tháng trước góp phần tăng CPI chung 0,27%”, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) giải thích thêm.

Mặc dù giá xăng dầu có xu hướng tăng, xong theo bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), so với cùng kỳ năm 2015, giá dầu thô (giá dầu Brent) cũng mới chỉ giao dịch bình quân ở mức trên dưới 40,5 USD/thùng thay vì mức giá 59 USD/thùng so với cùng kỳ năm 2015. Còn tại Việt Nam, giá bán lẻ xăng dầu hiện tại vẫn thấp hơn 21% so với cùng kỳ năm 2015.

Giải thích về một số nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng cao, bà Thủy cho biết, chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,36% là do ảnh hưởng bởi tâm lý người tiêu dùng lo ngại về hiện tượng cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miển Trung nên có phần dè dặt khi tiêu dùng sản phẩm cá đánh bắt, đã chuyển sang tiêu dùng thịt gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng, khô hạn đã ảnh hưởng đến diện tích ra trồng nên giá rau tăng cao kéo dài ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng điện tăng làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,27% góp phần làm CPI tăng 0,03%.

Ngoài ra, tháng 6 cũng là thời điểm bắt đầu nghỉ hè và bước vào thời gian người dân có nhu cầu đi du lịch, nghỉ mát tăng cũng khiến chỉ số giá nhóm du lịch trọng gói tăng 0,48% so với tháng trước.

Tiếp tục trả lời câu hỏi của các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến lãi suất tác động thế nào đến CPI, bà Đỗ Thị Ngọc cho rằng, vấn đề này không đáng lo ngại, bởi sau một thời gian lãi suất có xu hướng tăng thì từ tháng 5 trở lại đây mặt bằng lãi suất đã tương đối ổn định và chưa có dấu hiệu tăng trong thời gian tới.

Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất không chỉ căn cứ vào CPI (CPI tăng thì tăng lãi suất tiền gửi, theo đó lãi suất cho vay cũng tăng) mà phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố khác nhau như tỷ giá, dữ trữ ngoại hối, cung cầu trên thị trường tiền tệ… Tất cả các yếu tố tác động làm tăng lãi suất trong thời gian tới chưa xuất hiện. Ngay cả CPI tháng 6 so với cùng kỳ (tăng 2,4%) chỉ cao hơn so với năm 2015 (tăng 1%) còn thấp hơn rất nhiều so với các năm trước đây: từ năm 2010 đến 2014 tăng lần lượt 8,69% - 20,82% - 6,9% - 6,69% - 4,98%”, bà Ngọc minh chứng.

Trả lời câu hỏi của các cơ quan thông tin đại chúng liên quan đến sự kiện đang được cả thế giới hồi hộp theo dõi đó là việc người dân Vương quốc Anh bỏ phiếu quyết định việc Vương quốc Anh có tiếp tục “cuộc hôn nhân” với EU hay quyết định “ly hôn” (Brexit) tác động thế nào đến kinh tế - xã hội nói chung và CPI nói riêng, bà Thủy cho rằng, Brexit chỉ tác động mạnh tới EU, Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản… Còn Việt Nam không bị tác động, ảnh hưởng nhiều mặc dù Vương quốc Anh là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam cũng như là thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn của Việt Nam.

“Tất nhiên Brexit cũng có tác động nhất định đến kinh tế nước ta, nhưng hiện tại thì chưa thể đánh giá được. Cũng tương tự như sự kiện đêm 13 rạng sáng ngày 14/5/2014 xảy ra tại Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và Hà Tĩnh, khi mới xảy ra rất nhiều người lo ngại sự việc này sẽ tác động rất xấu tới tình hình kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, môi trường kinh doanh, sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế nên cũng đưa ra các dự đoán, dự báo khác nhau. Nhưng sau một thời gian, đánh giá lại thì thấy sự kiện này không tác động xấu, thậm chí còn tác động ngược lại tới tình hình kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, sự kiện Brexit cũng chưa nên đưa ra đánh giá, nhận định vội vàng”, bà Vũ Thị Thu Thủy phát biểu.

Sự kiện Brexit và tác động với Việt Nam
Brexit là cụm từ có lẽ đã trở nên quen thuộc với những người quan tâm tình hình kinh tế và chính trị trên thế giới trong nhiều tháng qua. Nó chỉ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư