Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Những tân binh "nhỏ mà chất" trên sàn UPCoM
 
19 trên tổng số 42 doanh nghiệp lên UPCoM trong tháng 12/2016 đã được Sở GDCK Hà Nội (HNX) đưa vào bảng UPCoM Premium. Đáng chú ý trong đó là không ít doanh nghiệp có “họ hàng” với đại gia, hay duy trì mức cổ tức cao hằng năm.
Thêm nhiều doanh nghiệp tiềm năng mới gia nhập UPCoM
Thêm nhiều doanh nghiệp tiềm năng mới gia nhập UPCoM

“Con cháu” đại gia lên sàn

Tuần đầu năm mới, HNX thông báo bổ sung lần thứ 3 danh sách cổ phiếu bảng UPCoM Premium (116 cổ phiếu). Theo đó, HNX thêm vào 19 cái tên mới là những “tân binh” vừa gia nhập trong tháng 12/2016. Trong số này, tuy chiếm phần đông là các doanh nghiệp có vốn điều lệ vừa và nhỏ, nhưng khá nhiều “con ông, cháu cha”.

Chẳng hạn, CTCP Nước khoáng Quảng Ninh (QHW) là công ty con của Công ty TNHH MTV Masan Beverage - công ty phụ trách mảng đồ uống không cồn của Masan Group (MSN - sàn HOSE). Tại thời điểm 7/11/2016, Tỉnh ủy Quảng Ninh nắm giữ 14,4% vốn, còn Masan Beverage sở hữu 65,7% cổ phần QHW. Sản phẩm chính hiện nay của QHW là nước khoáng thiên nhiên, với 2 nhãn hiệu Quang Hanh và Suối Mơ.

Ngoài ra, QHW còn cung cấp nước téc và nước máy sinh hoạt cho trường học, khu công nghiệp và các khách sạn. Hiện QHW có gần 1.000 đại lý, nhà phân phối tại 25 tỉnh thành, nhưng chủ yếu ký hợp đồng cung cấp nước cho các hộ gia đình, cá thể và các công ty kinh doanh sản phẩm nước khoáng tại các tỉnh thành khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Năm 2015, thời điểm trước khi hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần (từ 1/1-24/12), QHW đạt doanh thu 374,5 tỷ đồng và lãi sau thuế 25,3 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 29,7%. Sau 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu của QHW giảm nhẹ so với cùng kỳ 2015, đạt 294 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng hơn 27% (9 tỷ đồng) lên 32,2 tỷ đồng và vượt kế hoạch cả năm là 27,3 tỷ đồng. Năm 2016, cổ tức dự kiến là 6%.

Lên UPCoM ngày 20/12/2016, CTCP Hanel xốp nhựa (HNP) có vốn điều lệ 50 tỷ đồng với phần vốn nhà nước chiếm 56,28% do Công ty TNHH MTV Hanel nắm giữ. Công ty này sản xuất các sản phẩm phụ tùng nhựa và xốp chèn cho nhiều khách hàng lớn ở Việt Nam như Samsung, Canon, Panasonic, LG, VietnamAirlines....

Năm 2015, HNP đạt doanh thu 350 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 19 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2014. Kế hoạch năm 2016, HNP dự kiến doanh thu sẽ ở đạt 356 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ở mức 24,5 tỷ đồng và sẽ chi trả cổ tức với tỷ lệ 15%. Trong 6 tháng 2016, HNP đạt 158,2 tỷ đồng doanh thu thuần và  9,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 4,14% và 39% so với nửa đầu năm 2015.

Một cái tên đáng chú ý khác là CTCP Cầu 12 - Cienco1 (C12), công ty con của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – CTCP (Cienco1). C12 tiền thân là đội chủ lực Cầu 2 được thành lập tại Mai Châu – Hòa Bình năm 1952, là đơn vị xây dựng cầu đầu tiên của Việt Nam.

Lĩnh vực hoạt động chính của C12 bao gồm xây dựng các công trình giao thông dân dụng, công nghiệp và kết cấu hạ tầng, đặc biệt là mảng thiết kế công trình xây dựng cầu. C12 là nhà thầu thi công những công trình tiêu biểu thời gian qua như Cầu Sông Hàn, Cầu Mỹ Thuận, Cầu Phú Lương, Cầu vượt Ngã Tư Vọng, Cầu Thanh Trì...

Hiện vốn điều lệ của C12 là 48,5 tỷ đồng, tương ứng toàn bộ 4,85 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch. Tính đến 20/10/2016, C12 có 3 cổ đông lớn, ngoài công ty mẹ - Cienco1 (nắm giữ 50,6% vốn) là CTCP Thương mại Giải khát Khánh An sở hữu 18,56% vốn và ông Trần Đức Cường nắm giữ 5,5% vốn.

Năm 2014 và 2015, C12  đạt doanh thu thuần lần lượt 804,8 tỷ đồng và 740,5 tỷ đồng, lợi nhuận ròng tương ứng 14,4 tỷ đồng và 12,6 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2016, C12 đạt 438,8 tỷ đồng doanh thu thuần và 5,6 tỷ đồng lợi nhuận. Kết quả này không mấy tích cực, khi năm 2016, C12 đặt mục tiêu doanh thu thuần 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 24 tỷ đồng, tăng 35% và 90,79% so với thực hiện 2015. Tỷ lệ cổ tức 2016 dự kiến là 13,5%.

Cổ tức cao và ổn định

Bên cạnh những cái tên gây chú ý nhờ danh tiếng của “cha, mẹ”, thì một số doanh nghiệp nhận được sự quan tâm bởi trả cổ tức cao và ổn định.

Chẳng hạn, CTCP Tư vấn Xây dựng thủy lợi II (HEC) thường trả cổ tức tối thiểu là 20% trong những năm gần đây. Cụ thể, từ 2013-2015, HEC lần lượt trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20%, 25% và 30% đều bằng tiền. Dự kiến giai đoạn 2016-2017, mức cổ tức tối thiểu từ 20%.

HEC là doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công các dự án, công trình thủy lợi, thủy điện, công trình hạ tầng cơ sở. HEC có vốn điều lệ 42 tỷ đồng, trong đó 4 cổ đông lớn đều là cổ đông cá nhân nắm giữ tổng cộng 51,79% cổ phần Công ty.

Năm 2014 và 2015, doanh thu của HEC tăng từ 146,8 tỷ đồng lên 226,8 tỷ đồng, lợi nhuận tăng từ 14,6 lên 20,4 tỷ đồng. Năm 2016, tuy đặt kế hoạch khá khiêm tốn, với doanh thu thuần 110 tỷ đồng  và lợi nhuận 10,56 tỷ đồng, nhưng HEC vẫn duy trì mức cổ tức thấp nhất là 20%.

Một doanh nghiệp có chính sách cổ tức tương đối ổn định khác là CTCP Rau quả thực phẩm An Giang (ANT). Giai đoạn 2013-2015, ANT đều trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ tương ứng là 18%, 18,5%, 15,73%.

Với ngành nghề kinh doanh chính là chế biến và bảo quản rau quả, ANT chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm rau quả nhiệt đới đông lạnh và đóng hộp. Thị trường xuất khẩu truyền thống là các nước khu vực châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... chiếm trên 90% sản lượng xuất khẩu.

Doanh thu 2 năm 2014 và 2015 là 257,5 tỷ đồng và 285,7 tỷ đồng, lợi nhuận tương ứng 9,9 tỷ đồng và 11,7 tỷ đồng. Năm 2016, ANT lên kế hoạch 372,1 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30,23% so với thực hiện 2015, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh 37,56%, chỉ là 7,3 tỷ đồng. Với mục tiêu lợi nhuận này, kế hoạch cổ tức 2016 của ANT cũng khiêm tốn hơn, dự kiến là 11%. Tính đến thời điểm hiện tại, ANT chưa công bố kết quả kinh doanh 2016.

Trong lần bổ sung trước đó, với 8 cổ phiếu mới thêm vào UPCoM Premium, có 3 cái tên đáng chú ý là CTCP Thực phẩm Cholimex (CMF, vốn điều lệ 81 tỷ đồng), CTCP Bảo vệ thực vật 1 Trung ương (BT1, vốn điều lệ 52,5 tỷ đồng) và CTCP Xếp dỡ và dịch vụ Cảng Sài Gòn (SAC, vốn điều lệ 40,5 tỷ đồng). Trong đó, nhận được nhiều sự quan tâm nhất là CMF, doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm nước chấm/gia vị, với sản phẩm chủ lực là tương ớt có thị phần đứng thứ 2 trên thị trường (chỉ sau sản phẩm tương ớt của Masan).

CMF đạt doanh thu 1.268 tỷ đồng và lãi sau thuế 46,3 tỷ đồng trong năm 2015, tương ứng EPS là 4.425 đồng/CP, ROE đạt 21,67%. 9 tháng đầu năm 2016, CMF đạt doanh thu thuần 402,8 tỷ đồng và lãi sau thuế 15,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,4% và 36,6% so với cùng kỳ 2015, nhưng chỉ mới hoàn thành 26,5% và 30% kế hoạch năm 2016 (doanh thu 1.520 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 51,5 tỷ đồng).  

Bảng UPCoM Premium bao gồm chứng khoán đăng ký giao dịch của các tổ chức đăng ký giao dịch đáp ứng các tiêu chí:

Về tiêu chuẩn định lượng, tổ chức đăng ký giao dịch có vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng trở lên, hoạt động kinh doanh năm liền trước có lãi, không có lỗ lũy kế; hoặc tổ chức đăng ký giao dịch có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm liền trước tối thiểu là 5%, không có lỗ lũy kế. Các tiêu chí này được xem xét dựa trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm tài chính gần nhất.

Về tiêu chuẩn định tính, các tổ chức đăng ký giao dịch được lựa chọn vào bảng UPCoM Premium phải báo cáo cho HNX về việc công bố thông tin báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét (nếu có) của năm tài chính gần nhất đúng thời hạn quy định.
Không họp đại hội đồng cổ đông sau 8 tháng IPO: Hanel đang “quên”?
Nhiều nhà đầu tư phản ánh, Công ty TNHH MTV Hanel đã hoàn tất bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 8 tháng nay, nhưng lại không chịu họp Đại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư