Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Những thương vụ M&A đang âm thầm diễn ra
 
Mua bán, sáp nhập (M&A) dưới nhiều hình thức vẫn đang âm thầm diễn ra và một trong những dấu hiệu để nhà đầu tư nhận biết thường là giá cổ phiếu tăng trong khi không có nhiều thông tin hỗ trợ.
.
CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát - công ty con của VIC đã chi hơn 1.200 tỷ đồng để sở hữu 32,5% vốn tại CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF)

Dự báo, các thương vụ M&A sẽ diễn ra sôi động trong nửa cuối năm 2016, từ đó mở ra nhiều cơ hội cho các NĐT bắt đúng nhịp của những cổ phiếu này.

Từ cuối năm 2015, thông tin Vingroup (VIC) trở thành đối tác chiến lược của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đã được đồn đoán trên thị trường. Cuối tháng 2/2016, thông tin CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát - công ty con của VIC chi hơn 1.200 tỷ đồng để sở hữu 32,5% vốn tại TTF được công bố chính thức trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông của TTF. Điểm bất ngờ hơn cả là Tân Liên Phát nhận chuyển nhượng của các cá nhân, nâng tỷ lệ sở hữu tại TTF lên 69% vốn điều lệ.

Cổ phiếu TTF đã có những đợt tăng giá ấn tượng với thông tin tích cực từ tái cơ cấu và hợp tác với VIC. Sau khi có thông tin chính thức về thương vụ VIC nâng tỷ lệ sở hữu tại TTF nêu trên, cổ phiếu TTF tiếp tục tăng giá. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, Tân Liên Phát sẽ không dừng ở tỷ lệ sở hữu 69% vốn tại TTF. 

Một thương vụ khác được nhà đầu tư quan tâm không kém là đối tác mua lại cổ phần do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn tại CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB). Sau khi SCIC thoái vốn, tổ chức duy nhất lộ diện là CTCP Đầu tư Căn nhà Mơ ước (DRH) sở hữu gần 10% vốn điều lệ KSB. Sau cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của DRH, công ty này công bố tiếp tục mua thêm cổ phiếu KSB để nâng tỷ lệ sở hữu lên 15%. Ở thời điểm này, Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận nhiều luồng thông tin, DRH sẽ không dừng ở tỷ lệ 15% nêu trên và với kỳ vọng đó, giá cổ phiếu KSB có mức tăng ngoạn mục, từ lúc SCIC thoái vốn khoảng hơn 37.000 đồng/CP đến nay đã tăng lên 64.000 đồng/CP.

Ngay trong phiên cuối tuần qua, DRH công bố thông tin sẽ mua thêm 1,22 triệu cổ phiếu KSB theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu mua thành công, DRH sẽ sở hữu hơn 20% vốn tại KSB.

Không ít nhà đầu tư nhận định, DRH sẽ còn tăng tỷ lệ sở hữu tại KSB, ít nhất lên mức chi phối 51% vốn. Đây được xem là lý do hợp lý nhất giải thích diễn biến tăng giá chóng mặt của cổ phiếu KSB, dù thị trường chung đang chìm trong “sắc đỏ” do ảnh hưởng tâm lý từ sự kiện Brexit (Anh trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Liên minh châu Âu).

Cặp cổ phiếu khoáng sản cùng nhau tăng giá từ đầu năm đến nay là C32 - DHA, trong đó sự tăng giá diễn ra mạnh mẽ trong vài tuần gần đây bởi thông tin CTCP Đầu tư Xây dựng 3-2 (C32) nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Đá Hóa An (DHA) lên 9%. Mục tiêu tăng tỷ lệ sở hữu của C32 tại DHA được đa phần nhà đầu tư và chuyên viên phân tích tại các công ty chứng khoán nhận định là hướng đến mỏ đá của DHA. Khả năng C32 sẽ không dừng ở tỷ lệ sở hữu 9% DHA đang là cơ sở để nhiều nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng giá cổ phiếu vẫn còn có đà tăng. Kết thúc phiên cuối tuần, qua, C32 đóng cửa ở mức giá 52.500 đồng/CP. Cổ phiếu DHA đã có vài phiên trần, đóng cửa phiên cuối tuần qua ở mức 33.300 đồng/CP.

Cổ phiếu DMC của CTCP Dược Domesco thời gian qua cũng tăng gia mạnh khi nhà đầu tư dự báo cổ đông ngoại sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại DMC. Tính đến thời điểm hiện tại, không có bất cứ thông tin gì mới về DMC, mà chủ yếu là do nhà đầu tư kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý II/2016 khả quan và khả năng cổ đông ngoại tăng tỷ lệ sở hữu lên trên mức 51% khi DMC đã chính thức thông qua việc nới room ngoại lên 100%. Hiện tại, cổ đông nước ngoài lớn nhất của DMC là CFR International SPA (Chile) - công ty con của Tập đoàn Abbott Hoa Kỳ, sở hữu hơn 99% vốn, cũng đang có mong muốn đầu tư sâu vào DMC. Do vậy, kỳ vọng của nhà đầu tư không phải không có cơ sở.

Tương tự DMC, trông chờ nới room để các cổ đông ngoại hiện hữu gia tăng tỷ lệ sở hữu là CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), cổ phiếu này cũng đã có giai đoạn tăng giá mạnh. Hiện cổ đông lớn nhất của TCM là Tập đoàn Eland (Hàn Quốc). Nhiều khả năng, nếu TCM tiến hành nới room, thì Eland sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại TCM.

Một doanh nghiệp khác, CTCP Quốc tế Sơn Hà cho biết, Công ty đang tìm hiểu, làm việc với ban lãnh đạo một số công ty  nhằm mua chi phối 51% cổ phần trở lên. 

Thị trường đang tiếp tục chờ đón những thương vụ M&A chốt vào cuối năm, dựa trên những tín hiệu âm thầm đang diễn ra.

Diễn đàn M&A Việt Nam - sự kiện thường niên lớn nhất Việt Nam về mua bán, sáp nhập và đầu tư chiến lược do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức từ năm 2009 đến nay.

Với chủ đề “Cơ hội trong không gian kinh tế mở”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 sẽ được tổ chức vào ngày 18/8/2016 tại TP. HCM, bao gồm các hoạt động hội thảo, phổ biến kiến thức và kết nối đầu tư. Dự kiến, sẽ có khoảng 500 lãnh đạo doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự sự kiện

Công ty chứng khoán "sống thử" tiền hôn nhân
Tìm được đối tác để M&A với các CTCK nhỏ là không đơn giản, vậy sẽ phải sống ra sao khi cạnh tranh cung cấp dịch vụ chứng khoán ngày càng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư