Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ninh Bình: Những mốc son 25 năm phát triển
25 năm qua, phát huy hào khí linh thiêng của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử - quê hương Cách mạng, Văn hiến và Anh hùng, được sự quan tâm, lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành cùng với ý chí quyết tâm đổi mới, đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, Ninh Bình đã đạt nhiều thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực.

Thành tựu tạo nên điểm nhấn ấn tượng đầu tiên là kinh tế phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng liên tục tăng, bình quân 25 năm đạt 17,59%/năm. Năm 2016, tổng giá trị GRDP gấp 52,2 lần so với năm 1992, trong đó nông lâm nghiệp, thủy sản gấp 11,4 lần, công nghiệp - xây dựng gấp 136,3 lần, dịch vụ gấp 95,4 lần. Thu ngân sách đạt 7.264 tỷ đồng, gấp 181,6 lần. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ: Năm 2016, sản xuất công nghiệp đạt trên 34.500 tỷ đồng, tăng gần 70 lần so với năm 1992. Thu nhập bình quân đầu người tăng gần 42 lần so với năm 1992.

Tỉnh đã quy hoạch và xây dựng 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.472 ha, 25 cụm công nghiệp với tổng diện tích 946,3 ha. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch ở vị trí thuận lợi, hạ tầng từng bước đồng bộ thu hút nhiều dự án đầu tư sản xuất lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, hoạt động hiệu quả đóng góp quan trọng vào ngân sách của tỉnh, giải quyết nhiều việc làm. Điển hình như  khu công nghiệp Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp I, Phúc Sơn và một số cụm công nghiệp. Năm 2016, tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt trên 22.500 tỷ đồng, trong đó vốn NSNN chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại là vốn dân doanh và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

.
Ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình

Thực hiện tốt chủ trương “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, kịp thời lắng nghe và giải quyết trực tiếp các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư góp phần thúc đẩy nhiều dự án sớm hoàn thành đi vào hoạt động như Nhà máy Cán thép Kyoei, Xi măng Tam Điệp, The Vissai, Duyên Hà, Ô tô Thành Công, Nhà máy Lắp ráp cần gạt nước, Nhà máy Sản xuất linh kiện điện tử McNex VINA... Khu du lịch hang động Tràng An, Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Địch Lộng - Vân Long - Kênh Gà...

Cơ cấu thành phần kinh tế đã chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực kinh tế nhà nước, tăng tỷ trọng khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng trên 90%, tập trung vào các nhóm ngành sản xuất lắp ráp ôtô, linh kiện điện tử, xi măng - clinker, may mặc, giày dép, nông sản chế biến. Sản phẩm ô tô, linh kiện điện tử đang được tạo điều kiện phát triển thành sản phẩm chủ lực của tỉnh. 81 làng nghề, 2 nghề truyền thống được công nhận, nhiều làng nghề phát triển mở rộng như làng nghề cói, chế tác đá mỹ nghệ.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ bình quân tăng 23,16%/năm; Năm 2016, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt gần 27.140 tỷ đồng, tăng hơn 148 lần so với năm 1992. Đến nay, đã có 3 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 109 chợ… tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và thương mại, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Hoạt động xuất khẩu có bước tiến vượt bậc về cả kim ngạch và thị trường. Năm 1992, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 2,5 triệu USD thì đến năm 2016 đã lên 1.020 triệu USD, tăng 408 lần. Sản phẩm của Ninh Bình đã được xuất sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có thị trường khó tính Nhật Bản, EU, Mỹ.

Trên mặt trận nông nghiệp, khi tái lập còn thiếu, thì nay đã đảm bảo an ninh lương thực, có dự trữ và làm hàng hóa. Năm 2016, giá trị sản xuất đạt 105 triệu đồng/ha/năm, tăng gần 20 triệu đồng/ha so với 2011. Đã hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu chuyên canh, gắn với chế biến; xuất hiện nhiều mô hình tổ chức sản xuất, tích tụ ruộng đất liên kết chuỗi giá trị hiệu quả tạo ra những sản phẩm nông nghiệp phục vụ nội địa và xuất khẩu. Chăn nuôi chuyển mạnh từ nông hộ, nhỏ lẻ sang gia trại, trang trại tập trung quy mô lớn. Thủy sản phát triển nhanh cả nuôi trồng, đánh bắt, diện tích, năng suất, sản lượng. Khai thác hiệu quả bãi bồi ven biển Kim Sơn phát triển nuôi tôm, cua, ngao… Có nhiều cố gắng trong phát triển rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng cao. Hết năm 2016, toàn tỉnh có 60/119 xã về đích nông thôn mới, đặc biệt Hoa Lư là huyện đầu tiên về đích nông thôn mới, cũng là huyện đầu tiên của cả nước về đích nông thôn mới theo tiêu chí mới.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang về thăm Cố đô Hoa Lư và Quần thể danh thắng Tràng An
Chủ tịch nước Trần Đại Quang về thăm Cố đô Hoa Lư và Quần thể danh thắng Tràng An

Du lịch có bước phát triển đột phá, đặc biệt Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, mở ra cơ hội, vận hội lớn đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và là một trọng điểm du lịch quốc gia. Kết cấu hạ tầng du lịch ngày càng đầu tư đồng bộ, chú trọng vào du lịch sinh thái và du lịch tâm linh, tạo ra bước phát triển vượt bậc, tạo thêm hàng ngàn việc làm, thu nhập ổn định. Khách du lịch tăng mạnh, nhất là những năm gần đây, như  năm 2016 đã đạt tới 6,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt gần 720.000 lượt.

Kết cấu hạ tầng giao thông được quy hoạch, xây dựng đồng bộ, hiện đại tạo liên kết vùng và đẩy mạnh thu hút đầu tư. Nhiều tuyến giao thông được nâng cấp, mở rộng, xây mới như Quốc lộ lA, Quốc lộ 10, Tuyến đường cao tốc qua Ninh Bình, đường tránh, Đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2; đường Bái Đính - Kim Sơn; các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ cùng hàng chục ngàn km đường giao thông nông thôn, nội thị được đầu tư hiện đại.

Thị xã Ninh Bình và Tam Điệp đã trở thành hai thành phố trực thuộc tỉnh. Nhất là Thành phố Ninh Bình đang đầu tư mở rộng cả về quy mô, cấp độ và tính chất để trở thành đô thị loại I, hướng tới thành phố du lịch văn minh, hiện đại; Thành phố Tam Điệp trở thành thành phố công nghiệp hiện đại.

Về văn hóa - xã hội, Ninh Bình gặt hái nhiều thành tựu trên các mặt. Đã cơ bản hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao… đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi, giải trí và sáng tạo của nhân dân, hài hoà phát triển kinh tế và văn hoá. Năm 2016, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 83,4%; chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng lên; học sinh vào đại học, cao đẳng luôn trong tốp đầu.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ được chú trọng, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Đến năm 2016, đã có 8,3 bác sỹ/1vạn dân; nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, huyện được đầu tư  trang bị hiện đại. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được duy trì và phát triển. An sinh xã hội được quan tâm các chính sách ưu đãi đối với người có công, người nghèo, công tác giảm nghèo tiếp tục thực hiện hiệu quả.

Công tác quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng - an ninh; thường xuyên xây dựng lực lượng quân đội, công an, biên phòng vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, chất lượng hoạt động được nâng lên. Phương thức và năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng được đổi mới, nâng cao; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển. Công tác xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả tạo  chuyển biến tích cực. Triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các nghị quyết về xây dựng Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên, công chức và trong các tầng lớp nhân dân.

Từ những kết quả quan trọng đạt được 25 năm qua, Ninh Bình  vinh dự được  Đảng và Nhà nuớc tặng thưởng nhiều  phần thưởng cao quý: tỉnh Ninh Bình và 7 huyện, thị xã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 3 Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ nhất, lần thứ hai và lần thứ ba. 78 tập thể, 23 cá nhân được được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. 425 bà mẹ được phong và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Hàng ngàn tập thể và cá nhân đã được tặng thưởng huân, huy chương.

Phát huy những thành tựu đã đạt được trong 25 năm qua, Ninh Bình tập trung thực hiện tốt 3 khâu đột phá, 7 chương trình trọng tâm, 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chất lượng cao gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Nhân dịp này, Đảng bộ, quân và nhân dân tỉnh Ninh Bình bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành Trung ương, sự hỗ trợ, hợp tác của các tỉnh, thành phố, sự đồng hành của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước… đã góp phần làm nên những thành công của Ninh Bình. Mong rằng, Ninh Bình tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiều hơn nữa để xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp, văn minh.

Đầu tư 5.000 tỷ đồng xây đường nối Vùng Kinh tế biển Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường trục phát triển nối Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư