Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nợ của Hoàng Anh Gia Lai có đáng sợ?
Giản Phúc - 02/12/2015 08:04
 
Kết quả kinh doanh khả quan, song nợ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng tăng nhanh. Khoản nợ này của Hoàng Anh Gia Lai liệu có đáng sợ?
TIN LIÊN QUAN

Kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh thu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đạt trên 5.200 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, nợ của tập đoàn này cũng tăng “chóng mặt”. Tổng nợ của Hoàng Anh Gia Lai đã tăng gần 50% sau 9 tháng, so với mức tăng khoảng 20% của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong năm 2015, nợ của Hoàng Anh Gia Lai không chỉ nhiều hơn, mà còn tăng nhanh hơn so với năm 2014. Tình trạng này có khiến Hoàng Anh Gia Lai lo lắng?

Tổng nợ của Hoàng Anh Gia Lai hiện ở mức hơn 30.000 tỷ đồng, hơn cả gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội dành cho cả nước. So sánh như vậy có thể khiến không ít người giật mình, nhưng nếu so sánh với tương quan quy mô và khả năng sinh lời của doanh nghiệp, thì không phải là chuyện lớn. Tài sản của tập đoàn này vẫn lớn gấp rưỡi tổng nợ, trong khi hàng năm, Hoàng Anh Gia Lai đem về hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận. Nhìn sang những doanh nghiệp cùng ngành như Masan, có thể thấy, tổng nợ của Masan thậm chí còn lớn hơn tài sản Hoàng Anh Gia Lai, nhưng cổ phiếu MSN của Masan vẫn được đánh giá khá cao.

Doanh thu từ hoạt động nuôi bò của Hoàng Anh Gia Lai tăng đột biến trong quý vừa qua
Doanh thu từ hoạt động nuôi bò của Hoàng Anh Gia Lai tăng đột biến trong quý vừa qua

Với quy mô đầu tư của Hoàng Anh Gia Lai hiện tại, nợ cao là chuyện khó tránh khỏi. Nhưng xét kỹ, nợ ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai đang bằng với tài sản ngắn hạn, ngấp nghé bờ vực nguy hiểm, đạt 13.000 tỷ đồng. Dù chưa hết năm và không phải thời điểm trả nợ, nhưng tỷ lệ này cũng đủ khiến nhà đầu chưa yên lòng. Hãy xem mức độ rủi ro của tỷ lệ này.

Trong cơ cấu nợ ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai có hơn 3.000 tỷ đồng có tỷ lệ rủi ro rất thấp. Chỉ có khoản vay và nợ ngắn hạn 8.600 tỷ đồng là đáng chú ý. Trong khi đó, tài sản ngắn hạn loại bớt phần tồn kho vẫn còn khoảng 10.000 tỷ đồng. Con số này đủ đảm bảo thanh toán nợ ngắn hạn, thậm chí phải trả ngay. Ngoài ra, nợ vay là khoản có thể cơ cấu lại hoặc vay thêm, nên rủi ro không lớn. Như trong quý III/2015, Hoàng Anh Gia Lai đã vay gần 11.000 tỷ đồng để cơ cấu lại tài chính. Điều này cho thấy, Hoàng Anh Gia Lai có thể kiểm soát được nợ vay và có khả năng huy động nguồn tài chính mới khá tốt.

Nhìn từ góc độ khác, hoạt động kinh doanh đang khả quan cũng giúp Hoàng Anh Gia Lai đảm bảo khả năng trả nợ. Quý III/2015, Hoàng Anh Gia Lai có thêm doanh thu từ hoạt động nuôi bò tăng đột biến, trong khi các mảng nông nghiệp khác như mía đường hay cao su vẫn cho doanh thu ổn định.

Theo báo cáo giải trình kết quả kinh doanh quý này, ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng ghi nhận mức lợi nhuận gộp tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, hoạt động mới đang cho hiệu quả sinh lời khá tốt. Ngoài sản phẩm sữa bò bán hết cho Nutifood, Hoàng Anh Gia Lai đang phát triển đàn bò thịt cũng như tiếp tục tăng số lượng đàn bò.

Nhờ hoạt động mới, dòng tiền của Hoàng Anh Gia Lai đang khá tốt. Tiền thu từ hoạt động kinh doanh đạt gần 1.300 tỷ đồng trong quý III/2015, tiền và tương đương tiền đạt hơn 2.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý. Tuy nhiên, trong quý này, nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai tăng đột biến, với khoản vay mới gần 11.000 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ hoạt động đầu tư. Do đó, theo chuyên gia tài chính Hoàng Thạch Lân, về dài hạn, áp lực trả lãi vay của Hoàng Anh Gia Lai sẽ khá lớn. Thời điểm trả nợ thường diễn ra sau 6 tháng kể từ thời điểm vay, tức áp lực này sẽ rơi vào khoảng cuối năm 2015 - đầu năm 2016.

Vay nhiều, nhưng lãi vay của Hoàng Anh Gia Lai không cao, thậm chí không tăng nhiều so với quý trước, dù số nợ vay tăng mạnh. Theo ông Lân, có thể Hoàng Anh Gia Lai đã vốn hoá lãi vay vào tài sản và khấu trừ dần trong thời gian dài. Cách làm này phổ biến ở nhiều doanh nghiệp có đầu tư lớn và có lợi cho doanh nghiệp. Nhưng sau khi đã vốn hoá, tỷ lệ lợi nhuận trước thuế và lãi vay - EBIT/nợ vay ngắn dài hạn của Hoàng Anh Gia Lai trong 4 quý gần nhất chỉ đạt khoảng 10%. Tỷ lệ này cho thấy, hiệu quả sử dụng nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai chưa cao. “Thông thường, tỷ lệ này là 50 - 60%”, ông Lân nhận xét.

Từ năm 2015, Hoàng Anh Gia Lai đã tiến hành tái cơ cấu nợ mạnh mẽ, hoạt động cũng chuyển dần sang nông nghiệp - một lĩnh vực đầy tiềm năng hiện nay. Vì vậy, theo chuyên gia tư vấn doanh nghiệp Nguyễn Thành Chung, có thể đây là lý do khiến cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai chưa được đánh giá cao.

“Bên cạnh yếu tố đang trong giai đoạn đầu tư, nhà đầu tư chưa xác định được hiệu quả chính xác, lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai cũng khó biến động theo hướng bất thường”, ông Chung đánh giá. Ông Chung cũng cho rằng, với sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức tài chính nước ngoài gần đây, cơ cấu tài chính của Hoàng Anh Gia Lai sẽ có điều kiện được sắp xếp ổn thỏa và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư