Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Nợ xấu giảm không phải do đảo nợ
Huy Thắng - 30/03/2013 14:41
 
Nợ xấu giảm nhanh trong tháng cuối năm 2012 là do các tổ chức tín dụng (TCTD) sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu chứ không phải là do đảo nợ hay sử dụng thủ thuật để che đậy nợ xấu có thể gây tổn thất tài chính.
TIN LIÊN QUAN

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra cơ quan thanh tra, giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng.

Trích lập dự phòng xử lý nợ xấu là thông lệ tốt

Trước một số ý kiến cho rằng, việc nợ xấu do nhiều ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro, con số không thể hiện đầy đủ trên sổ sách, hoặc là đảo nợ, ông Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu là thông lệ tốt trên thế giới trong hoạt động ngân hàng.

Thời gian qua, các TCTD đã chủ động tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, “hy sinh” lợi nhuận trong ngắn hạn để tập trung xử lý nợ xấu. Tổng số nợ xấu được xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro ước tính đạt khoảng 69 ngàn tỷ đồng trong năm 2012 (điều này không có nghĩa là dư nợ xấu giảm tương ứng do nợ xấu mới tiếp tục phát sinh). Thực tế, lợi nhuận năm 2012 của hệ thống ngân hàng đã giảm tới gần 60% so với cùng kỳ năm 2011.

Nhiều TCTD cắt giảm tiền lương, tiền thưởng, tiết giảm chi phí hoạt động, không chia cổ tức, lợi nhuận hoặc có chia nhưng ở mức thấp (phổ biến dưới 10%). NHNN giám sát chặt chẽ việc phân phối lợi nhuận của các TCTD để bảo đảm các TCTD cần tập trung ưu tiên xử lý nợ xấu.

Tỷ lệ nợ xấu ước tính theo báo cáo của các TCTD đã có chiều hướng giảm xuống mức 4,08% sau khi tăng từ mức 3,07% cuối năm 2011 lên mức cao nhất là 4,86% vào thời điểm cuối tháng 11/2012.

Theo số liệu giám sát của NHNN, tỷ lệ nợ xấu hạch toán nội bảng của các TCTD Việt Nam ước giảm từ mức 8,97% (tháng 9/2012) xuống còn 7,8% (tháng 12/2012).

Gắn liền với minh bạch hóa

Để xử lý căn bản, bền vững nợ xấu, NHNN đã trình Chính phủ Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và Đề án thành lập Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (AMC).

Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam là một tổ chức tài chính đặc thù 100% vốn Nhà nước. Công ty sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ và ngân hàng bán nợ tiếp tục có trách nhiệm trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt trong thời hạn của trái phiếu (dự kiến 5 năm).

Sau khi mua các khoản nợ xấu, công ty áp dụng các biện pháp: Bán nợ, bán tài sản bảo đảm; tái cơ cấu khoản nợ; khởi kiện khách hàng vay ra tòa; tổ chức thu nợ từ khách hàng vay và yêu cầu bên bảo lãnh, bên có nghĩa vụ thực hiện trả nợ. Công ty cũng sẽ có các cơ chế hoạt động và các quyền đặc thù để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ và tài sản bảo đảm, thu hồi vốn.

Ngoài ra, NHNN cũng gắn xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng với thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu các TCTD, cơ cấu lại doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công trong tổng thể chương trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Về vấn đề sở hữu chéo trong ngân hàng đe dọa tính minh bạch trong hệ thống, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát, rà soát, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, xây dựng lộ trình giảm sở hữu vốn lẫn nhau giữa các ngân hàng; tạo điều kiện cho các ngân hàng thoái vốn ở các ngân hàng và các công ty con, công ty liên kết hoạt động không có hiệu quả.

NHNN cũng sẽ xem xét thận trọng việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, xác minh nguồn tiền của các cổ đông và người có liên quan khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại các ngân hàng; quan hệ tín dụng của những cổ đông nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng dẫn đến vi phạm giới hạn cấp tín dụng cho cổ đông và người liên quan.

Giảm ngân hàng yếu kém để lành mạnh hoá hệ thống

Về một số ý kiến cho rằng, qua việc tái cơ cấu những ngân hàng yếu kém, giảm số lượng ngân hàng làm giảm tính cạnh tranh ngành ngân hàng, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết đến cuối năm 2012, hệ thống ngân hàng Việt Nam có 2 ngân hàng chính sách, 5 NHTM Nhà nước nắm phần vốn điều lệ chi phối, 34 NHTMCP, 4 ngân hàng liên doanh, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 53 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 12 công ty cho thuê tài chính và 18 công ty tài chính.

Tổng tài sản của hệ thống ngân hàng tương đương 172% GDP và tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế tương đương 98% GDP (2 chỉ số này cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới). Với số lượng TCTD nói trên, cho thấy hiện nay Việt Nam đang có nhiều TCTD và cạnh tranh trên thị trường hết sức gay gắt.

Một bộ phận TCTD hoạt động chưa an toàn, hiệu quả, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh và có nơi, có lúc làm rối loạn thị trường tiền tệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, đặc biệt là về lãi suất.

Mặt khác, hoạt động ngân hàng luôn mang tính hệ thống và có tính phụ thuộc nhau giữa các ngân hàng thông qua hệ thống thanh toán liên ngân hàng. Một ngân hàng đổ vỡ có thể có tác động bất lợi đến các ngân hàng khác, thậm chí đến an toàn của cả hệ thống. Bất cứ hệ thống ngân hàng nào trên thế giới cũng đều cần có những ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả. Những ngân hàng yếu kém và những ngân hàng không có khả năng cạnh tranh cần phải rút lui một cách có trật tự ra khỏi thị trường bằng những biện pháp như sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản…

Vì vậy, loại bỏ các ngân hàng yếu kém không làm giảm mức độ cạnh tranh trong ngành ngân hàng mà trái lại làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh ngân hàng và tạo điều kiện phát triển hệ thống ngân hàng an toàn, hiệu quả nhằm hỗ trợ cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt là chính sách tiền tệ.

Ngày 1/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”. Trước mắt, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các tổ chức tín dụng; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư