Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nối dài tiếng khèn trên cao nguyên đá Đồng Văn
Quang Hà - 23/12/2018 12:23
 
Tháng Mười, khi sương mù phủ kín những mái gỗ pơ mu, hơi lạnh sắt se từng hốc núi cũng là lúc những người đàn ông ở Mèo Vạc (Hà Giang) mang ống trúc già, những thanh gỗ thông tốt đã sấy khô, cùng túi đồ nghề ra trước hiên ngồi đẽo gọt những cây khèn cho mùa xuân mới.

Giữ nghề xưa

Ngàn đời nay, những người đàn ông Mông ở Hà Giang gắn bó với cây khèn như người bạn tri kỷ. Nó vừa là đạo cụ, là nhạc cụ trong mùa lễ hội, trong những phiên chợ xuân, vừa là phương tiện giao tiếp của người đang sống với thế giới tâm linh của cha ông. Trước những đổi thay của đời sống hiện đại, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Mông có nguy cơ bị mai một, cây khèn của người Mông cũng không ngoại lệ.

.
Để giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã mở các lớp truyền dạy, chế tác khèn Mông hàng năm

Để giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của người Mông ở Hà Giang, hàng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng UBND huyện Mèo Vạc tổ chức các lớp học làm khèn cho những thanh niên người dân tộc Mông ở xã Pả Vi và thị trấn Mèo Vạc. Tham gia lớp học, các học viên được các nghệ nhân làm khèn có uy tín trong vùng hướng dẫn với phương thức “cầm tay chỉ việc” cách khai thác, lựa chọn nguyên vật liệu làm khèn...

Hướng dẫn và dạy cách làm khèn Mông cho lớp học là 2 nghệ nhân của huyện Mèo Vạc - anh Mua Mí Hồng và Mua Mí Sính. Anh Hồng học làm khèn Mông từ ông nội của mình ở thôn Mã Pì Lèng, xã Pả Vi từ khi mới 13 tuổi, đến nay anh đã có hơn 20 năm làm khèn Mông. Hiện nay, những người am hiểu về cây khèn và cách thức để làm ra một cây khèn như anh Hồng rất ít.

Theo anh Hồng, để làm được một cây khèn chuẩn phải bỏ ra rất nhiều công phu và thời gian. Đầu tiên, phải tìm được loại cây gỗ làm bầu khèn. Đây là một loại cây có họ thông mà người vùng cao gọi là thông đá. Nó có một đặc tính để được người ta chọn làm bầu khèn đó là thớ gỗ rất thẳng, không cong vênh mối mọt. Loại gỗ này chỉ còn rất ít, tập trung chủ yếu ở vùng rừng núi Lao Và Chải của Yên Minh.

Để có những ống trúc làm khèn phải lựa chọn những cây trúc có trên 10 năm tuổi, thẳng đẹp, chặt về phơi khô rồi mới tiện lỗ, lắp ráp lại với thân khèn. Đặc biệt, sợi dây dùng để quấn quanh thân khèn là vỏ cây đào rừng. Vỏ cây đào rừng có đặc tính rất chắc và bền. Những đường cuốn quanh thân khèn vừa để giữ thân khèn và cũng tạo điểm nhấn có tính thẩm mỹ cao.

Để hoàn thành một cây khèn, một nghệ nhân thành thạo như anh Hồng, anh Sính phải mất từ 2 đến 3 ngày. Với giá bán hiện nay khoảng từ 700 - 800.000 đồng/cây khèn. Trừ đi các chi phí mua nguyên liệu thì tiền thu được từ một cây khèn khoảng 500.000 đồng, mỗi tháng làm được độ chục cây khèn là có khoảng 5 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Sống sung túc cùng tiếng khèn

Xã Hố Quáng Phìn cách trung tâm huyện Đồng Văn hơn 40 km, là xã có làng nghề chế tác khèn Mông ở thôn Tả Cồ Ván. Theo ông Mua Sính Pó, một nghệ nhân làm khèn ở Tả Cồ Ván, nhờ có sự phát triển của du lịch, đường sá, phương tiện giao thông thuận lợi mà cây khèn Mông được nhiều người biết đến. Hiện nay, cả thôn Tả Cồ Ván có 31 hộ làm khèn, thu nhập trung bình khoảng từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Khèn làm ra thường không đủ cung cấp cho thị trường. Muốn sở hữu một cây khèn thì khách phải đặt trước cả tháng trời mới có, vì hầu hết sản phẩm đều có chủ buôn đặt hàng từ nhiều tháng trước.

“Để làm ra một cây khèn đẹp, thân sáng bóng, âm thanh phát ra to thì mất khoảng 2 ngày. Người chế tác phải làm thủ công tất cả các công đoạn từ đẽo gọt thân khèn, làm ống khèn, rèn lưỡi gà… 1 cây khèn hoàn thiện có giá là 400.000 - 500.000 đồng/cây, 1 tháng trung bình làm được 10 cây khèn. Nhờ đường giao thông thuận tiện, du lịch phát triển, nghề chế tác khèn ở Hố Quáng Phìn được nhiều người biết, mang lại thu nhập quanh năm”, ông Pó cho biết.

Ông Lâm Tiến Mạnh, Trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết, để giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng cao nguyên đá Đồng Văn, trong đó nổi bật là cây khèn của đồng bào Mông, tỉnh Hà Giang đã nỗ lực triển khai mở các lớp truyền dạy, chế tác khèn Mông hàng năm ở trên cao nguyên đá.

“Lớp học vừa truyền dạy kỹ thuật chế tác khèn Mông, khôi phục và gìn giữ, bảo tồn được nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình, vừa tạo sinh kế cho người dân. Với cách làm đó sẽ góp phần giữ gìn nét văn hóa bao đời nay của đồng bào Mông, đồng thời giới thiệu những giá trị văn hóa của người dân nơi đây với bạn bè gần xa. Bên cạnh đó, cây khèn cũng là món quà du lịch cho du khách lựa chọn khi lên với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Nhờ vậy, đời sống người dân địa phương được cải thiện đáng kể”, ông Mạnh nói.

Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê chung sức xây dựng nông thôn mới
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, những đóng góp của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê 3 năm qua đã tạo động lực,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư