Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Nokia chính thức vận hành nhà máy 300 triệu USD
Hà Nguyễn - 28/10/2013 08:56
 
Hôm nay (28/10), Nhà máy Sản xuất điện thoại di động Nokia, 300 triệu USD, chính thức khánh thành tại Bắc Ninh. Một dự án xét về quy mô chưa hẳn là lớn, song do một tập đoàn nổi tiếng đầu tư, lại trong lĩnh vực công nghệ cao, đã góp phần làm sáng thêm bức tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn có nhiều khởi sắc từ đầu năm đến nay.

Hiệu quả của dự án Nokia đến đâu, tất nhiên còn phải chờ đợi. Tuy nhiên, sự có mặt của Nokia, với một dự án chuyên sản xuất điện thoại di động, đang góp phần khẳng định hướng đi đúng đắn của Việt Nam trong thu hút FDI giai đoạn tới, nhằm tối ưu hóa dòng vốn này: tăng cường thu hút đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến…

Nokia chính thức vận hành nhà máy 300 triệu USD tại Bắc Ninh

Xu hướng này thực ra đã manh nha những năm gần đây và ngày càng trở nên rõ rệt hơn, khi ngày càng nhiều dự án quy mô lớn, vốn đầu tư cả tỷ USD, của các tập đoàn lớn đổ vào Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, tính cả dự án cấp mới và tăng vốn, đã có 7 dự án tỷ USD. Chỉ tính 7 dự án này, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 11,518 tỷ USD, đã chiếm gần 60% tổng vốn FDI vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay.

Đáng lưu ý, trong số liệu thống kê FDI 10 tháng của Cục Đầu tư nước ngoài, chưa nhắc đến Dự án Lọc dầu Vũng Rô, vừa được UBND tỉnh Phú Yên trao chứng nhận đầu tư điều chỉnh, nâng vốn đầu tư từ 1,7 tỷ USD hiện tại lên 3,18 tỷ USD.

Nếu tính cả dự án này, thì tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm vào Việt Nam trong 10 tháng qua sẽ không chỉ dừng ở 19,234 tỷ USD, tăng 65,5% so với cùng kỳ năm 2012, như báo cáo vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố.

8 dự án tỷ USD (kể cả Dự án Lọc dầu Vũng Rô), đều trong lĩnh vực sản xuất và hoặc là đã khởi công, hoặc lên kế hoạch khởi công sớm, chứ không phải trong lĩnh vực bất động sản như thường thấy những năm trước đây và không ít dự án ảo.

Và đó là một xu hướng thực sự rất tích cực, cho dù nhiều quan điểm cho rằng, vốn giải ngân mới là điều quan trọng nhất, chứ không phải là vốn cam kết. Số liệu thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm, vốn FDI giải ngân đạt 9,58 tỷ USD, tăng 6,4% với cùng kỳ năm 2012.

Cùng với vốn đăng ký và vốn giải ngân tích cực, bức tranh FDI của Việt Nam 10 tháng qua còn được ghi nhận thêm một điểm sáng nữa, đó là các doanh nghiệp FDI đã xuất khẩu được 72,085 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 66,76% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu tính cả dầu thô, các doanh nghiệp FDI đã xuất siêu 10,1 tỷ USD, trong khi các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 10,3 tỷ USD.

Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khối doanh nghiệp FDI. Và điều này tất nhiên, đã góp phần khẳng định vai trò quan trọng của khu vực FDI đối với kinh tế Việt Nam.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khi khối doanh nghiệp nội địa sản xuất - kinh doanh đình trệ, thì khối FDI vẫn tăng trưởng khá mạnh và đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Điều này khiến một số quan điểm lo ngại về việc “FDI hóa” nền kinh tế. Tuy nhiên, dù cần cảnh báo về sự giảm sút của khu vực kinh tế trong nước, nhưng cũng chưa vội lo về “FDI hóa” nền kinh tế.

Hơn thế, điều quan trọng trong lúc này, là phải bàn cách làm sao để tối ưu hóa hiệu quả dòng vốn FDI, làm sao để các dự án FDI, nhất là các dự án lớn, ví như Nhà máy Nokia Việt Nam, khi đi vào hoạt động, tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam, tới chuyển giao công nghệ, tới năng lực cạnh tranh của cả khối doanh nghiệp trong nước..., chứ không phải là những cái nhìn thiếu toàn diện đối với vai trò của dòng vốn này.

Nokia sắp khánh thành nhà máy ĐTDĐ ở Bắc Ninh
Trong khi sự kiện Nokia World của hãng điện thoại Phần Lan đang diễn ra rầm rộ ở Abu Dhabi (Ả Rập Xê út), với hàng loạt sản phẩm mới ra mắt thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư