Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
"Nóng" chuyện bồi thường bảo hiểm xe cơ giới
 
Tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm xe cơ giới toàn thị trường năm 2016 ở mức hơn 46%, vọt tăng so với năm trước. Trong đó, vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ bồi thường lên tới 60%.
Bảo hiểm xe cơ giới là “át chủ bài” trong tăng trưởng doanh thu, nhưng cũng là “tội đồ” gây tỷ lệ bồi thường cao tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ
Bảo hiểm xe cơ giới là “át chủ bài” trong tăng trưởng doanh thu, nhưng cũng là “tội đồ” gây tỷ lệ bồi thường cao tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ

Nhìn nhận về xu hướng tăng của tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe cơ giới trong năm qua, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cung cấp nghiệp vụ này cho rằng, nếu doanh thu nghiệp vụ này tăng trưởng đều đều 25% mỗi năm thì tỷ lệ bồi thường cũng khó có thể hạ thấp.

Tại Đại hội đồng cổ đông của Tổng công ty Bảo hiểm PTI vừa được tổ chức, một cổ đông tổ chức đã yêu cầu Ban điều hành giải trình nguyên nhân kết quả kinh doanh 2016 chỉ đạt khoảng 70% so với kế hoạch và có so sánh về tương quan tỷ lệ bồi thường trong năm qua của PTI với các doanh nghiệp trên thị trường.

Trả lời câu hỏi của cổ đông này, đại diện PTI nói rằng, giai đoạn đầu năm, Tổng công ty tăng trưởng khá nóng về nghiệp vụ xe cơ giới, sau đó đã điều chỉnh kế hoạch để đảm bảo chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh bảo hiểm gốc.

Chính vì thế, chỉ tiêu tăng trưởng không đạt kế hoạch đề ra. Năm 2016, tỷ lệ bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại của PTI là 47%. Tỷ lệ này, theo đại diện PTI, đảm bảo mục tiêu không lỗ về kinh doanh bảo hiểm gốc.

Không chỉ PTI, đối với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường, bảo hiểm xe cơ giới luôn là “con át chủ bài” trong tăng trưởng doanh thu và cũng là một trong những “thủ phạm” khiến tỷ lệ bồi thường chung tăng cao.

Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng đầu vào của các hợp đồng bảo hiểm cũng như không mở rộng điều khoản hợp đồng, giảm phí… đang được một số doanh nghiệp bảo hiểm làm mạnh tay.

Để kiểm soát tốt chất lượng khách hàng mua bảo hiểm xe cơ giới, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã đứng ra làm đầu mối triển khai phần mềm dữ liệu khách hàng bảo hiểm xe cơ giới để các doanh nghiệp cùng phối hợp cập nhật dữ liệu khách hàng có tiểu sử bồi thường nhiều, nợ phí… và cùng quản lý.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, đến thời điểm này, chưa có nhiều dữ liệu khách hàng được các doanh nghiệp cập nhật.

“Mục tiêu của dự án này là để thống nhất cách quản lý dữ liệu khách hàng, phục vụ công tác bồi thường, phòng chống trục lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Nhưng do hệ thống công nghệ của các doanh nghiệp bảo hiểm không đồng bộ, nên việc cập nhật dữ liệu cũng có một số bất cập…”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.

Trao đổi với phóng viên, Phó tổng giám đốc phụ trách bảo hiểm xe cơ giới của một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nói rằng, phần mềm cập nhật dữ liệu hiện mới chỉ áp dụng đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, nên chưa giúp doanh nghiệp nhiều trong kiểm soát tỷ lệ bồi thường.

Tuy nhiên, nếu phần mềm mở rộng áp dụng thêm với bảo hiểm vật chất xe thì có thể sẽ giúp được rất nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ…

Thực tế, đối với bảo hiểm xe cơ giới, câu chuyện chia sẻ dữ liệu khách hàng để cùng kiểm soát chất lượng hợp đồng đã được bàn thảo nhiều lần, nhưng vẫn chưa thực sự thống nhất được.

Ngoài lý do công nghệ thì cơ bản vẫn do bảo hiểm cơ giới là nghiệp vụ có sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa các hàng bảo hiểm, nên việc chia sẻ dữ liệu khách hàng không dễ dàng.

Một số doanh nghiệp cũng e ngại dữ liệu này cũng không thể giải quyết được tận gốc vấn đề trục lợi hay tỷ lệ bồi thường ở bảo hiểm xe cơ giới.

“Bản chất những vấn đề này là ở quy trình kiểm soát rủi ro của bản thân mỗi doanh nghiệp bảo hiểm”, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ chia sẻ.

Bảo hiểm xe cộ: Cuộc chiến tranh giành kênh phân phối
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2015, tổng doanh thu bảo hiểm đạt con số 15.286 tỷ đồng; trong đó,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư