Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Nông dân không còn là "chiến sĩ" mà phải là "chiến binh" trên mặt trận khởi nghiệp
Thu Phương - 19/09/2017 08:26
 
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức Hội nghị Tọa đàm các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp, sự kiện có sự tham gia nhiều các chuyên gia và 300 nông dân tiêu biểu trên toàn quốc.
.
Những nông dân khởi nghiệp hiện nay không còn là “chiến sĩ” dũng cảm mà phải là những “chiến binh”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Trọng Thuỷ, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn cho rằng, những nông dân khởi nghiệp hiện nay không còn là “chiến sĩ” dũng cảm mà phải là những “chiến binh”.

Người nông dân không phải làm nông nghiệp theo cách truyền thống nữa mà phải biết tích hợp rất nhiều, trang bị những chiếc “áo giáp” gồm khoa học kỹ thuật, hiểu biết về pháp luật, thị trường.

“Rõ ràng những mô hình khởi nghiệp thành công đều khác nhau ở đẳng cấp sản phẩm. Như mô hình đông trùng hạ thảo, nuôi vịt trời, cấy ngọc trai khác biệt hoàn toàn với các sản phẩm làm giàu từ nuôi gà, hay nuôi lợn... Chính nông dân là những người làm chủ cuộc chơi đó”, ông Thuỷ nói.

Hội nghị khỏi nghiệp nông dân là một trong những hoạt động chào mừng 87 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam và cũng là hoạt động thực hiện chủ trương của thủ tướng phát động khởi nghiệp quốc gia.

Hội nghi cũng nhằm hưởng ứng phong trào khởi nghiệp quốc gia, góp phần định hướng và hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; khuyến khích khả năng tư duy sáng tạo; sản sinh ý tưởng kinh doanh của nông dân trong cả nước nhất là hội viên nông dân trẻ có niềm đam mê và mong muốn phát triển ngành nông nghiệp.

Cũng bàn về yếu tố khoa học công nghệ trong khởi nghiệp nông nghiệp, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho hay, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có sự khác biệt, là ứng dụng khoa học làm sao để bà con thoát nghèo.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nông dân hiện nay đang chịu rất nhiều thiệt thòi. Do chưa có khả năng sử dụng công nghệ, mới sản xuất thô chưa qua chế biên phân loại sản phẩm nên giá trị hàng hoá vẫn rất thấp.

“Với trái thanh long, Việt Nam xuất khẩu chỉ có giá trị 400 USD/tấn. Nhưng khi qua Trung Quốc, sau khi được chiếu xạ, khử trùng, xuất sang nước khác lại có giá trị 3.500 USD/tấn loại 1, loại 2 là 2.500 USD/tấn, loại 3 là 1.500 USD/tấn. Loại 4 thì họ tiêu thụ trong nước. Toàn bộ giá trị gia tăng đều bị thương lái Trung Quốc hưởng hết. Trong khi người nông dân chúng ta chịu rất nhiều rủi ro mới sản xuất ra được sản phẩm”, ông Tùng nêu ví dụ.

Nhận diện sớm thực tế sẽ phải đối mặt, đã có nhiều người nông dân khởi nghiệp “tiên phong” áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác thì có được hiệu quả cao.

Đơn cử như, anh Triệu Phúc Lý (Lào Cai) thay vì trồng và xuất thô đã chọn hướng sản xuất bằng cách gia tăng giá trị qua sản phẩm tinh dầu làm từ quế hữu cơ. Hiện sản phẩm của anh được tiêu thụ rộng rãi và xuất khẩu sang Ấn Độ.

“Nếu chỉ bán quế thô thì ở đâu cũng làm được. Giá trị thu được rất thấp, nhưng nếu gia công thêm đầu tư thêm chế biến, sản phẩm làm ra bao nhiêu đều được bao tiêu đến đó. Quan trọng nhất vẫn là lựa chọn sản phẩm và đầu tư công nghệ vào đó để gia tăng giá trị sản phẩm”, anh Lý chia sẻ.

AFP: Nông dân Việt đổi đời nhờ nuôi tôm
Nuôi tôm có thể giúp ông Tang Van Tuoi kiếm được một tỷ đồng một năm, xây 3 ngôi nhà và mua vài chiếc xe máy.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư