Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nóng vé xe Tết, phụ thu tăng cao
T.Duy (GTVT) - 20/12/2017 10:44
 
Trong khi các bến xe ở Hà Nội cam kết không tăng giá vé và xử lý nghiêm các nhà xe tự ý tăng giá, các nhà xe ở TP.HCM lại tăng mạnh mức phụ thu, có thể lên đến 60% dịp Tết.
1
Dịp Tết Mậu Tuất 2018, các đơn vị vận tải hoạt động tại bến xe Miền Tây (TP.HCM) kê khai mức phụ thu từ 40-60% tùy cự ly tuyến (Trong ảnh: Hành khách mua vé tại bến xe Miền Tây dịp Tết Đinh Dậu 2017) - Ảnh: BTN

Hà Nội: Xử nghiêm nhà xe tự ý tăng giá

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, đại diện các bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội như: Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm cho biết, đến thời điểm hiện tại, chưa có doanh nghiệp vận tải nào đề xuất tăng giá vé xe khách dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch và Tết Âm lịch.

Theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát, lãnh đạo bến đề nghị các nhà xe không tăng giá trong dịp Tết sắp tới. Hiện tại, bến chưa nhận được kiến nghị của doanh nghiệp nào về việc tăng giá xe. “Mấy năm trở lại đây, các doanh nghiệp vận tải hoạt động ở bến đều không tăng giá vé cao hơn ngày thường. Chỉ có hành khách ra đường bắt xe mới bị tăng giá vé, còn ở bến quản rất chặt, doanh nghiệp nào tự ý tăng giá vé sẽ bị xử lý ngay”, ông Thành nói và cho biết, bến Giáp Bát sẽ từ chối tiếp nhận các doanh nghiệp, nhà xe, chủ xe, những trường hợp chở quá tải, ép khách, nâng giá vé sai quy định tại bến.

Cũng theo ông Thành, trong dịp Tết sắp tới, lượng khách cao nhất trong các ngày cao điểm sẽ tăng 130-180% so với ngày thường; lượt xe dự kiến 1.120 lượt xe/ngày, tăng 115% so với ngày thường. Trước Tết, khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến ngắn đi: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa. Sau Tết, khách tăng chủ yếu các tuyến đường dài: TP.HCM, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Kom Tum, Đắk Nông...

Tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, lãnh đạo các bến này đều khẳng định chưa có nhà xe nào xin tăng giá dịp Tết sắp tới.

Riêng bến xe Nước Ngầm, ông Trịnh Hoài Lam, Trưởng ban Kiểm soát bến xe Nước Ngầm thông tin, dịp Tết Dương lịch sắp tới chắc chắn các nhà xe ở bến sẽ không tăng giá vé. Tuy nhiên, dịp Tết Âm lịch có thể sẽ có doanh nghiệp tăng giá. Đơn cử như năm ngoái, một số doanh nghiệp hoạt động trong bến tăng giá vé khoảng 25-30%.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã yêu cầu Tổng công ty Vận tải Hà Nội nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường xe đáp ứng nhu cầu trong đợt cao điểm. Đặc biệt, cần ngăn chặn việc đầu cơ, buôn bán vé, tăng giá vé, giá cước vận tải trái phép, hạn chế tối thiểu hiện tượng ùn ứ khách tại các bến trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán... “Hà Nội từ trước đến nay luôn kêu gọi các doanh nghiệp trong dịp lễ, Tết bình ổn giá, không tăng. Thường các doanh nghiệp đều giữ nguyên mức giá”, ông Viện nói và cho biết, các nhà xe tự ý tăng giá vé, Sở sẽ yêu cầu lực lượng Thanh tra phải vào cuộc xử lý ngay.

Ông Viện cũng yêu cầu trong đợt cao điểm sắp tới tại các bến xe, lực lượng Thanh tra phải kiểm tra ở các bến xe về việc niêm yết giá cước của các nhà xe. Cùng đó, phải tăng cường kiểm tra, có phương án phân luồng cụ thể, tránh xảy ra ùn tắc.

Đại diện nhà xe Văn Minh cho biết, bắt đầu từ ngày 15/12, nhà xe đã mở bán 300 nghìn vé Tết với giá 225 nghìn đồng, không tăng so với ngày thường. Cũng theo vị đại diện nhà xe này, kế hoạch kinh doanh của công ty đã được lập cho cả năm, giá thành vận tải cũng được xây dựng trong thời gian dài nên không điều chỉnh lúc cao điểm. Bên cạnh đó, sức ép cạnh tranh giữa các nhà xe khá cao nên doanh nghiệp cần bình ổn giá vé để giữ khách quen.

“Các trường hợp tăng giá vé chỉ là “tát nước theo mưa”. Như vậy khách hàng sẽ không trung thành với nhà xe”, vị đại diện này nói và cho rằng, phục vụ hành khách cả năm, dịp lễ Tết phải là dịp để tri ân khách hàng. Quan điểm của nhà xe là không tăng giá dịp lễ, Tết. Chính vì điều này mà các hành khách đi Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh luôn nghĩ ngay đến nhà xe để lựa chọn.

2
Hành khách mua vé xe Tết tại bến xe Miền Đông

TP.HCM: Phụ thu tăng mạnh

Để đảm bảo người dân có vé yên tâm về quê ăn Tết, bến xe Miền Đông (TP.HCM) sẽ tổ chức bán vé trước cho các xe tăng cường, xe buýt, xe trái tuyến và xe ủy thác của khoảng 100 doanh nghiệp (hơn 100 doanh nghiệp tự bán vé). Thời gian bán vé xe Tết bắt đầu từ ngày 6/1 - 11/2/2018 (tức từ ngày 20/11 - 26/12 Âm lịch) cho hành khách đi các ngày 24-28 tháng Chạp. Ngoài việc bán trực tiếp tại bến, tiếp tục triển khai tổ chức bán vé trực tuyến để tiện lợi cho người dân.

Bến xe Miền Đông dự báo lượng hành khách thông qua trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 có thể tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách tập trung chủ yếu vào các ngày 22, 23, 24, 25, 26, 27 và 28 tháng Chạp. Cũng như mọi năm, lượng khách đi lại nhiều chủ yếu trên các tuyến Tây Nguyên, Nam Trung bộ.

TP.HCM tăng thêm nhiều chuyến buýt dịp Tết

Liên quan đến tình hình vận tải công cộng, ông Nguyễn Lâm Hải, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng, Sở GTVT TP HCM cho biết: Thời gian phục vụ Tết Dương lịch năm 2018 là 3 ngày (từ 30/12/2017 - 1/1/2018). Dự kiến, dịp Tết Dương lịch năm nay sẽ tăng trên 20 tuyến xe buýt với số chuyến là 1.205 chuyến và giảm chuyến trên 12 tuyến xe buýt với số chuyến là 858 chuyến. Ngoài ra, nếu lượng hành khách tăng đột biến, doanh nghiệp vận tải sẽ điều động ngay phương tiện để giải tỏa nhanh.

Riêng tuyến thuộc các tỉnh: Lâm Đồng, Quảng Nam, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Buôn Mê Thuột, Bình Định… cũng có nhu cầu lớn nhưng hành khách tập trung vào các tụ điểm “xe dù” thuộc các khu vực quận 1, quận 5, quận 10, quận Tân Phú và Tân Bình, bãi xe 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh, Bình Thạnh để đi lại.

Trao đổi với PV về mức phụ thu giá cước, ông Kiều Nam Thành, Giám đốc bến xe Miền Đông cho biết, TP.HCM đi các tuyến từ Phú Yên trở ra các tỉnh phía Bắc và các tuyến thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum; các tuyến thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; các tuyến thuộc tỉnh Bình Thuận áp dụng mức phụ thu từ 20-60% tùy theo từng thời điểm. Còn các tuyến Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai phụ thu không quá 40% so với ngày thường. Cũng theo ông Nam, mức phụ thu giá cước là do các doanh nghiệp vận tải đề xuất, bến ghi nhận lại để báo cáo Sở GTVT.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết, mức phụ thu vé xe Tết Nguyên đán 2018 đang chờ Phòng Tài chính báo cáo cụ thể, hiện Sở chưa có thông tin gì.

Trong khi đó, đại diện bến xe Miền Tây (TP.HCM) cho biết, đơn vị này sẽ bán vé xe Tết từ ngày 10/12 (26/1/2018) đến ngày 25/12 Âm lịch (10/2/2018) cho hành khách đi lẻ và tập thể. Do đặc điểm tại bến xe Miền Tây hoạt động tuyến đường ngắn, lượng hành khách tập trung đi lại vào các ngày cao điểm cuối năm, nên từ ngày 27/12 (12/2/2018) đến ngày 30/12 Âm lịch (15/2/2018), bến xe Miền Tây tổ chức bán vé phục vụ hành khách 24/24h.  

Về mức phụ thu giá vé chiều xe chạy rỗng, bến Miền Tây cho biết, trong dịp Tết Mậu Tuất năm 2018, các đơn vị vận tải kê khai mức phụ thu không quá 40% so với mức giá vé ngày thường. Riêng tuyến đường có cự ly trên 400km phụ thu không quá 60%.

Bộ GTVT yêu cầu không tự ý tăng giá vé tàu, xe dịp Tết

Tại cuộc họp tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT dịp Tết 2018, được Bộ GTVT tổ chức sáng 19/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu các đơn vị trong ngành nâng cao trách nhiệm, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, không được chủ quan, lơ là trong đảm bảo ATGT và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết. Trong đó, các đơn vị đặc biệt chú ý không được tự ý tăng giá vé ở tất cả các lĩnh vực của ngành.

Báo cáo về công tác phục vụ Tết, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, trong tổ chức giao thông, đơn vị này đã tăng cường rà soát hệ thống báo hiệu giao thông, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT. Trong năm 2017, Tổng cục đã xử lý trên 300 điểm đen; chỉ đạo các Sở GTVT theo dõi chặt chẽ phương tiện kinh doanh vận tải qua thiết bị giám sát hành trình để xử lý vi phạm. Các bến xe cũng đã xây dựng phương án, chuẩn bị xe dự phòng để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trong dịp Tết. Tại các trạm thu giá BOT, dự báo sẽ diễn biến phức tạp về an ninh trật tự, ùn tắc giao thông.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đã ban hành kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân Mậu Tuất 2018. Trên cơ sở kế hoạch này, các đơn vị xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, cần đặc biệt chú ý phân định rõ trách nhiệm từng cấp, từng người để tập trung chỉ đạo thực hiện, nâng cao hiệu quả đảm bảo ATGT. Phải hạn chế tối đa những vấn đề nảy sinh trong khâu vận tải, ATGT đối với tất cả các lĩnh vực, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.

Trong đó, Thứ trưởng chỉ đạo lĩnh vực đường bộ phải có phương án chống ùn tắc giao thông tại các trạm thu giá BOT. Muốn thành công, cần phối hợp với các địa phương, nhà đầu tư đưa ra những phương án, tình huống xử lý cụ thể. Đây là ưu tiên số 1 của Tổng cục Đường bộ VN trong dịp Tết. Bên cạnh đó, phải có giải pháp cụ thể đối với các tuyến vận tải hành khách, tập trung kiểm tra các bến xe, các doanh nhiệp vận tải. Cùng đó, tình trạng xe dù, bến cóc, chèn ép khách, bắt khách dọc đường nhất là Hà Nội và TP HCM phải kiên quyết xử lý. Đối với hàng không, Thứ trưởng Thọ cho rằng, cần phát huy những kết quả trong dịp phục vụ APEC vừa qua để áp dụng trong cao điểm phục vụ Tết, không được để xảy ra tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến, đảm bảo an ninh trật tự tại các nhà ga, sân bay. Với Đường sắt, cần làm tốt công tác quản lý, bán vé, khâu tổ chức tại các sân ga. 

“Với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là phải bình ổn giá, tất cả các lĩnh vực phải ổn định giá vé, không để xảy ra tình trạng tự ý tăng giá vé trong dịp Tết. Phải niêm yết giá vé công khai, không để xảy ra tình trạng “cò vé” ở tất cả các lĩnh vực và phải có giải pháp lồng ghép chống gian lận thương mại”, Thứ trưởng chỉ đạo.

 

Chốt phương án nghỉ Tết Nguyên đán
Người lao động sẽ được nghỉ Tết trước 2 ngày để có thời gian sắp xếp công việc về nghỉ Tết.
Bình luận bài viết này
  • Hùng 16:22 | 09-02-2018
    Toàn nói xạo, thử gọi điện đặt một vé về miền trung thử xem. Phụ thu tăng hơn 200%
Xem thêm trên Báo Đầu Tư